Văn hóa

Thăm di tích khảo cổ Cát Tiên

Như một nàng công chúa còn say ngủ giữa rừng già, di tích khảo cổ Cát Tiên với niên đại hơn 1.400 năm nằm lọt trong một diện tích dài và hẹp khoảng 24 hécta, giữa tỉnh lộ 721 và sông Đồng Nai.

Đây là khu phế tích, chỉ cách cây cầu dẫn vào xã Đắc Lua - xã xa xôi nhất của tỉnh Đồng Nai chừng hơn 3km, thuộc địa phận xã Quảng Ngãi, huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Đặt chân đến đây, chúng tôi bị cuốn hút ngay vào câu chuyện và những hiện vật kỳ lạ của nền văn hóa Óc Eo còn được gọi bằng một cái tên khác: Thánh địa Cát Tiên.

Khu phế tích được phát hiện trong thập niên 80 thế kỷ 20, nhờ vào quá trình đi làm kinh tế mới của những người nông dân đến từ phương xa, đặc biệt là người dân Quảng Ngãi. Người dân đã nhặt được những bộ phận sinh thực khí (linga, yoni), gốm, gạch nung, tượng đá… Qua đó, những nhà chuyên môn mới lần tìm ra một di chỉ khảo cổ rất lớn, gắn liền với đời sống người dân sống dọc hai bên sông Đạ Đờng - Đồng Nai khoảng thế kỷ thứ 4 sau Công nguyên.

Năm 1997, khu di tích khảo cổ Cát Tiên được Bộ Văn hóa - thông tin công nhận là di tích cấp quốc gia. Đến năm 2014, Thủ tướng Chính phủ đã ký quyết định xếp hạng đây là di tích cấp quốc gia đặc biệt. Kể từ khi phát hiện cho đến nay, các nhà nghiên cứu vẫn chưa tìm ra được bằng chứng cụ thể về chủ nhân của quần thể di tích này. Song theo suy đoán chung, thì khu thánh địa chính nằm trên khu vực đồi 6A, là nơi tập trung nhiều hiện vật quan trọng nhất. Theo đó, cư dân (có gốc tích Chân Lạp, hoặc Champa; hoặc là cả 2) theo đường sông mang vật liệu lên đồi để xây tòa tháp chính. Chỉ nhờ vào sức người mà những tấm đố cửa, trụ cổng bằng đá nặng hàng chục, hàng trăm tấn được đưa lên đồi, trong đó có bộ linga - yoni được cho là lớn nhất Đông Nam Á thời điểm đó. Những hiện vật này vẫn nằm trơ gan cùng tuế nguyệt, bên cạnh tòa tháp có độ cao khoảng 18m, nay đã bị sụt xuống còn 3m và được xây mái che bảo vệ. Cư dân đến dự những buổi hành lễ lớn cũng chủ yếu nhờ vào đường sông, tụ tập quanh khu vực này tạo nên một đô thị tôn giáo cổ xưa.

Điều đặc biệt là với tín ngưỡng phồn thực, nơi đây được phát hiện rất nhiều hiện vật sinh thực khí bằng nhiều chất liệu khác nhau: đá, gạch, gốm, đồng và đặc biệt là cả hình ảnh được dập nổi trên vàng miếng hết sức ấn tượng.

Ngoài ra, hệ thống đền tháp, mộ tháp, đài thờ, đường đi, lò gạch, đường dẫn nước… cũng chủ yếu được xây dựng bằng gạch sản xuất tại chỗ và đá mang từ nơi khác đến. Những di tích nằm rải rác trên những gò đồi được lát gạch rất đẹp và nên thơ, ẩn hiện trong rừng cây và đất đá bazan mang đặc trưng của miền Đông Nam bộ, làm nên một quần thể di tích bí ẩn và hấp dẫn. Đối diện với khu di chỉ đang được bao bọc và bảo vệ kỹ lưỡng, một nhà bảo tàng lớn đang được xây dựng trên nền đất khá cao ráo, bằng phẳng. Điều này hứa hẹn một ngày không xa, khu di tích khảo cổ Cát Tiên sẽ có một sức sống mới, là điểm dừng chân hấp dẫn đối với khách du lịch và những nhà nghiên cứu.        

Hoàng Phong

Đồng Nai

© 2021 FAP
  798,747       2/1,162