Văn hóa

Ẩu đả do va chạm: Hành xử thiếu văn hóa giao thông

Thời gian qua, hình ảnh về những vụ ẩu đả, đánh người sau khi xảy ra va chạm giao thông lan truyền trên mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khiến dư luận rất bức xúc.

Sau khi xảy ra kẹt xe ở khu vực vòng xoay Tân Phong (TP.Biên Hòa), người đi đường đứng ra điều tiết giao thông trong lúc chờ lực lượng chức năng đến. Những hành động đẹp như thế này cần được nhân rộng hơn nữa.
Sau khi xảy ra kẹt xe ở khu vực vòng xoay Tân Phong (TP.Biên Hòa), người đi đường đứng ra điều tiết giao thông trong lúc chờ lực lượng chức năng đến. Những hành động đẹp như thế này cần được nhân rộng hơn nữa.

Điều đó cho thấy thái độ ứng xử, văn hóa giao thông ở một số người rất đáng quan ngại.

* Can ngăn cũng bị đánh

Chiều 25-6, Ngô Trọng Tâm (24 tuổi, ngụ xã Hóa An, TP.Biên Hòa) điều khiển xe máy chở vợ đi khám bệnh. Khi đến đường Cách Mạng Tháng Tám, đoạn thuộc KP.2, phường Quang Vinh, Tâm đã chạy xe lấn sang làn đường ô tô. Lúc này, ông Nguyễn Thế K. (68 tuổi, ngụ tỉnh Bình Dương) điều khiển xe ô tô đi cùng chiều sát bên phải, khiến Tâm phải lấn sang làn đường ngược chiều.

Theo thống kê của cơ quan chức năng, có đến 95% vụ tai nạn giao thông xảy ra xuất phát từ ý thức chủ quan của người điều khiển phương tiện. Trong đó, việc không đi đúng phần đường, làn đường, vi phạm quy tắc tránh vượt, chuyển hướng chiếm hơn 30%; lấn trái đường gần 24%; thiếu chú ý quan sát, không đảm bảo khoảng cách an toàn chiếm hơn 29%; vi phạm tốc độ 3,8% và vi phạm nồng độ cồn hơn 2%...

Nghĩ ông K. đã ép xe mình, Tâm đã chạy vượt lên cúp đầu xe ông K. và yêu cầu ông xuống xe để nói chuyện. Thấy Tâm có thái độ hung hăng, ông K. không xuống xe thì Tâm lấy mũ bảo hiểm đập liên tiếp làm vỡ tấm kính bên hông chiếc xe ô tô.

Thấy vậy, chị Nguyễn Thị Thu H. (cháu ông K., đi cùng xe) xuống xe lấy điện thoại di động quay lại cảnh kính xe bị vỡ. Thế là Tâm quay sang đôi co với chị H., dùng mũ bảo hiểm đánh vào đầu chị gây thương tích trước khi bỏ đi.

Sau một thời gian điều tra, cơ quan công an xác định Tâm là đối tượng liên quan đến vụ dùng mũ bảo hiểm đánh người giữa đường (có người ghi hình sự việc xảy ra và tung clip lên mạng xã hội) nên đã vận động gia đình Tâm đưa đối tượng ra trình diện. Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định Tâm đã đập vỡ kính xe của ông K. gây thiệt hại 2,5 triệu đồng, còn chị H. bị thương tích nhẹ.

Tại huyện Thống Nhất, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Thống Nhất cũng đang điều tra làm rõ hành vi hủy hoại tài sản đối với Nguyễn Đức Nhật (37 tuổi, ngụ xã Ngọc Định, huyện Định Quán) do đối tượng có hành vi đập phá xe người khác sau khi va chạm giao thông.

Khoảng 23 giờ 30 ngày 15-7, Nhật điều khiển xe ô tô biển số 49B-007.61 lưu thông trên quốc lộ 1, hướng Dầu Giây - Long Khánh. Khi đến đoạn thuộc xã Xuân Thạnh (huyện Thống Nhất), xe của Nhật va chạm với xe ô tô khách biển số 51B-123.00 do ông Võ Ngọc Ng. (45 tuổi, ngụ tỉnh Bình Thuận) điều khiển lưu thông cùng chiều.

Sau khi va chạm, 2 bên đã cự cãi, xô xát nhau. Lúc này, Nhật lấy một cây sắt đập bể kính chắn gió phía trước và kính cửa lên xuống của xe khách do ông Ng. điều khiển, gây thiệt hại khoảng 8 triệu đồng. Nhận được tin báo, Công an huyện Thống Nhất đã có mặt kịp thời để xử lý vụ việc, nhưng Nhật không chịu hợp tác, có những lời nói thô tục và bị công an tạm giữ.

Không chỉ xô xát, ẩu đả mà người can ngăn, giảng hòa khi chứng kiến những người cãi nhau sau khi va chạm giao thông cũng bị đánh, khiến dư luận bức xúc. Mới đây, trên mạng xã hội lan truyền clip ghi lại sự việc xảy ra tại khu vực cổng 11 (phường Long Bình, TP.Biên Hòa) vào chiều 24-7.

Theo nội dung clip ghi lại, sau khi xảy ra va chạm giao thông, giữa 2 thanh niên nọ đã cãi nhau rồi đánh nhau tới tấp. Chứng kiến cảnh xô xát, một người đàn ông ở gần đó đã đến can ngăn thì bị 2 thanh niên này lao vào đánh hội đồng, khiến nạn nhân bị chảy máu.

Bức xúc trước cảnh người làm việc tốt lại bị hành hung, một số người dân ở đây đã đánh 2 thanh niên nọ ngã gục. Ngay sau đó, lực lượng công an đã đến hiện trường giải quyết vụ việc.

* Văn hóa giao thông là nhường nhịn nhau

Trên thực tế, việc ẩu đả do xảy ra va chạm giao thông không phải hiếm. Nhiều trường hợp, dù chưa phân tích rõ nguyên nhân đúng, sai đã lao vào xô xát. Điều này cho thấy thái độ và ứng xử của người tham gia giao thông với nhau chưa có sự chuẩn mực và tôn trọng.

Luật sư Lê Văn Nhân (thuộc Trung tâm Tư vấn pháp luật Hội Luật gia tỉnh) cho rằng có thể vì tai nạn giao thông ảnh hưởng đến sức khỏe và thiệt hại về tài sản nên nhiều người chịu áp lực và căng thẳng. Nếu không đủ tỉnh táo để kịp thời tìm hiểu đúng, sai dễ dẫn đến những hành vi không đẹp.

Hậu quả của sự thiếu bình tĩnh, nóng giận có thể xảy ra các tình huống đánh nhau, gây rối trật tự công cộng… Do vậy, tất cả trường hợp tai nạn xảy ra nên báo cho lực lượng cảnh sát giao thông để làm rõ nguyên nhân. Từ đó, sẽ kịp thời xử lý, bồi thường nếu có thiệt hại về vật chất, sức khỏe cho những bên liên quan.

“Nhiều sự việc nghiêm trọng, mâu thuẫn đẩy lên cao gây ra chuyện đáng tiếc. Nó không chỉ dừng lại ở vi phạm hành chính mà còn dẫn đến các hành vi phạm pháp hình sự, như: cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản… Vì vậy, đừng đẩy câu chuyện đi quá xa; khi xảy ra tai nạn, nếu là người sai, hãy nói lời xin lỗi và bỏ qua cho nhau” - luật sư Nhân nhấn mạnh.

Người tham gia giao thông biết nhường nhịn khi đi đường không chỉ góp phần xây dựng văn hóa giao thông, mà còn giúp xã hội kéo giảm được đáng kể các vụ tai nạn giao thông.

Ông Nguyễn Bôn, Phó trưởng ban chuyên trách, Chánh văn phòng Ban An toàn giao thông tỉnh, phân tích văn hóa giao thông nói một cách đơn giản là sự tự giác chấp hành pháp luật giao thông, là ứng xử có văn hóa khi đi đường hoặc khi xảy ra va chạm, tai nạn giao thông. Việc nhường nhịn nhau cũng là cách để xây dựng văn hóa giao thông từ những điều nhỏ nhất.

Từ trước đến nay, công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật giao thông rất được chú trọng. Chương trình tuyên truyền, hướng dẫn từ trường lớp cho đến tận nhà máy, khu dân cư… được các ban, ngành, đoàn thể liên quan phối hợp tổ chức. Thế nhưng, vẫn còn tình trạng một số người khi tham gia giao thông không tuân thủ pháp luật, hành xử thiếu văn hóa.

“Những kiểu lưu thông, hành động không đẹp như vậy cần phải chấm dứt, để tinh thần nhường nhịn nhau khi đi đường ngày càng được nhân rộng, mọi người đều tự giác chấp hành và trở thành thói quen” - ông Bôn trăn trở.

Thanh Hải

Đồng Nai

© 2021 FAP
  797,670       3/1,202