Văn hóa

Có một hồn Nam bộ trong gốm

Vào ngày 3-8, tại nhà triển lãm trưng bày TP.Hồ Chí Minh, triển lãm "Mỹ thuật ứng dụng sản phẩm gốm Nam bộ" đã được khai trương.

Vào ngày 3-8, tại nhà triển lãm trưng bày TP.Hồ Chí Minh, triển lãm “Mỹ thuật ứng dụng sản phẩm gốm Nam bộ” đã được khai trương.

Các tác phẩm “Gốm Nam bộ”. Ảnh: Thu Trang/TTXVN
Các tác phẩm “Gốm Nam bộ”. Ảnh: Thu Trang/TTXVN

Đây là triển lãm giới thiệu đến người xem các sản phẩm gốm mỹ nghệ cũng như sản phẩm gốm được sử dụng hàng ngày của các xưởng, lò gốm trên khắp vùng đất Nam bộ từ  đầu đến giữa thế kỷ 20. Triển lãm trưng bày các hiện vật quý giá từ gần 90 nhà sưu tập đến từ 24 tỉnh, thành trong cả nước. Triển lãm này do Bảo tàng tư nhân gốm sứ Hà Nội (thuộc Công ty di sản văn hóa Việt Nam) tổ chức.

Đến với triển lãm, giới thưởng ngoạn có thể chiêm ngưỡng hàng trăm sản phẩm khác nhau, từ những vật dụng hàng ngày như: bình, ly, tách, chén… đến những đồ mỹ nghệ cao cấp như: độc bình, tượng thờ, đôn, chóe, thạp, tranh gốm trang trí… Các sản phẩm này đến từ 4 dòng gốm trứ danh của đất Nam bộ những năm đầu thế kỷ 20, bao gồm: gốm Biên Hòa, gốm Cây Mai, gốm Sài Gòn, gốm Lái Thiêu. Mỗi dòng gốm đều mang những nét đặc trưng riêng biệt như: gốm Biên Hòa thì sang trọng kiểu Tây, gốm Cây Mai thì được dán đắp nhiều tầng nhiều lớp…

Lang thang trong không gian triển lãm, người xem sẽ có cảm tưởng mình đang lạc vào thế giới của những câu chuyện thú vị về lịch sử, văn hóa đặc trưng của mảnh đất và con người ở phía Nam Tổ quốc. Ở đó những hoa văn được chạm trổ, đắp nổi, vẽ lên thân gốm mềm mại và uyển chuyển đủ kiểu cách như dắt mọi người vào những câu chuyện đầy hình tượng và biểu tượng của gốm. Những tập tục tín ngưỡng, những nếp sống sinh hoạt hàng ngày, những khuynh hướng thưởng thức cái đẹp đều được phô bày sống động nơi dáng gốm, màu sắc chất liệu và hoa văn trên đó.

Đặc biệt, triển lãm lần này, ban tổ chức chú trọng đến yếu tố “minh văn trên gốm Nam bộ”. Minh văn trên gốm là thuật ngữ dùng chỉ cho những câu chữ được họa sĩ vẽ gốm viết lên, có thể là niên đại, tên xưởng hay người chế tác gốm, tên người đặt hàng hay tên địa danh, chức năng hay công dụng của sản phẩm, câu chúc hay một bài thơ cổ… Và thường đó là những văn tự độc đáo. Nhờ những minh văn, giới thưởng ngoạn và sưu tập có thể hiểu rõ nét hơn lịch sử văn hóa xã hội, kinh tế cũng như nhu cầu thực tế của xã hội đương thời. Qua đó, hiểu sâu hơn lịch sử gốm Nam bộ cũng như lịch sử phát triển của vùng đất Nam bộ.

 Triển lãm này là sự kết tinh của gần 7 năm phong trào sưu tập gốm Nam bộ kể từ Đại hội gargoulette do nhà sưu tập gốm Nam bộ Mai Công Chánh khởi xướng và tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh năm 2011. Triển lãm kéo dài đến hết ngày
12-8, mở cửa tự do.

Bảo Bình

Đồng Nai

© 2021 FAP
  644,171       1/925