Văn hóa

Hạnh Vân và Ru miền cổ tích

Đọc tập thơ Ru miền cổ tích, người đọc không thấy tác giả bó chặt câu chữ trong những niêm luật. 50 bài trong tập thơ của cô giáo dạy môn Lịch sử Phạm Thanh Vân (bút danh Hạnh Vân) xuất hiện rất tự nhiên để nói thay tiếng lòng của người trẻ về truyền thống dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, cảm nhận về những hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội.

Nhà thơ Hạnh Vân bên tập thơ Ru miền cổ tích. Ảnh: V.TRUYÊN
Nhà thơ Hạnh Vân bên tập thơ Ru miền cổ tích. Ảnh: V.TRUYÊN

Đọc tập thơ Ru miền cổ tích, người đọc không thấy tác giả bó chặt câu chữ trong những niêm luật. 50 bài trong tập thơ của cô giáo dạy môn Lịch sử Phạm Thanh Vân (bút danh Hạnh Vân) xuất hiện rất tự nhiên để nói thay tiếng lòng của người trẻ về truyền thống dân tộc, lòng biết ơn đối với các thế hệ đi trước, cảm nhận về những hiện tượng xảy ra trong đời sống xã hội.

Nhà thơ Nguyễn Thị Ánh Huỳnh (hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, người được Hội đồng xét tặng giải thưởng Trịnh Hoài Đức chọn thẩm định tác phẩm) nhận xét: “Hạnh Vân đã có nhiều sáng tạo trong diễn tả cảm xúc trên nhiều khía cạnh của cuộc sống bằng sự nhạy bén rất riêng của người phụ nữ”.

* Lịch sử qua những vần thơ

Cây bút nữ Hạnh Vân là một đảng viên trẻ, may mắn sống trong cảnh hòa bình. Là giáo viên dạy lịch sử (Trường THPT Vĩnh Cửu, huyện Vĩnh Cửu), tác giả Hạnh Vân có cơ hội tiếp cận với nhiều đầu sách lịch sử. Cũng từ đó, những câu chuyện về truyền thống dựng nước, giữ nước đã in sâu vào tâm trí của nhà thơ Hạnh Vân. “Qua những trang sử, tôi thêm tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc. Những địa danh, tên người được ghi trong sử sách mà tôi có dịp đến thăm, dừng chân trên cuộc hành trình khám phá đất nước càng làm tôi thêm tự hào về các thế hệ đi trước”- Hạnh Vân nói.

Cũng từ đó, từng vần thơ thể hiện lòng tri ân của người trẻ với những thế hệ cha anh đã không tiếc hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc đã ra đời:

Con lớn lên giữa bình yên

cái ác liệt của chiến tranh con chỉ biết qua sách vở

giấc ngủ hằng đêm không phải giật mình hoảng sợ

vì một tiếng bom rơi hay súng nổ long trời.

Xin cám ơn cuộc đời cho con sống giữa bầu trời xanh trong vời vợi.

(Ngày hạnh ngộ đầu xuân)

Bên cạnh lời thơ đầy xúc động dành cho các anh hùng liệt sĩ, những người có công với nước, nhà thơ Hạnh Vân có nhiều sáng tác riêng về Chủ tịch Hồ Chí Minh với lòng kính yêu vô vàn. “Khi tôi đọc được bài viết về nghệ nhân Trần Văn Tư đã thực hiện ảnh chân dung Bác Hồ từ sợi dây lá buông, đăng tải trên Báo Đồng Nai, tôi thật sự rất xúc động và cảm phục việc làm của nghệ nhân này. Tôi thấy mình cần làm điều gì đó có ý nghĩa để tôn vinh người nghệ nhân và cũng là thể hiện tình yêu đối với Bác. Từ đó, bài Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ dây lá buông đã ra đời:

Chân dung Bác Hồ giản dị thanh cao

bản sắc Đồng Nai đằm đằm sóng lá

đôi tay tài hoa khơi vàng sáng mới

tác phẩm quê nhà lặng lẽ gợi bình yên” - Hạnh Vân chia sẻ.

Ngoài Ngắm chân dung Bác Hồ làm từ dây lá buông, nhà thơ Hạnh Vân còn có nhiều sáng tác về Bác Hồ và đều được đánh giá cao bằng các giải thưởng lớn, trong đó có giải nhì Cuộc vận động sáng tác “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” dành cho chùm thơ: Hoa râm bụt ở đồi ATK, Hoa khoai lang trong vưn Bác, Đài kỷ niệm trong trang viết của Bác.

* Tiếng nói của thực tại

Ngoài tập thơ Ru miền cổ tích được Hội đồng xét tặng giải thưởng Trịnh Hoài Đức chọn trao giải A thể loại thơ, tập truyện ngắn Quán ven sông của Hạnh Vân còn được xét chọn trao giải khuyến khích ở thể loại văn xuôi.

Bên cạnh truyền thống yêu nước, tự hào dân tộc, thơ Hạnh Vân còn là tiếng nói của đời sống thực tại. Như nhà văn Trần Thu Hằng (Trưởng ban Văn học, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai) từng nhận xét: “Thơ Hạnh Vân đa dạng về đề tài, có nhiều tìm tòi, thể hiện sự quan sát và gần gũi với đời sống”.

Vậy nên ngoài tình yêu đôi lứa, gia đình, tình cảm bạn bè, thầy cô, thơ Hạnh Vân còn kể cho người đọc những câu chuyện ngày mùa, nghề thủ công truyền thống, sự đổi thay tích cực của quê hương.

Tác giả Hạnh Vân tâm sự: “Khi cây cầu mới nối liền 2 bờ sông Đồng Nai dẫn vào xã Đắc Lua hoàn thành, tôi đã có dịp đến thăm. Sự thay đổi nơi từng là rốn lũ mạnh mẽ quá, những tiếng cười hồn hậu, những cánh đồng dâu xanh ngát… hiện diện khắp nơi. Thật thích thú khi được tận mắt thấy nghề trồng dâu nuôi tằm nơi đây. Mượn tâm trạng của cô thôn nữ nuôi tằm, tôi vẽ lại khung cảnh Đắc Lua đang chuyển mình khởi sắc, nhưng vẫn giữ được những nét nguyên sơ, mộc mạc, dịu dàng và rất đỗi bình yên…”:

Chiều rắc tím lên một triền hoa dại

Đắc Lua bình yên sông nước núi đồi

em giấu những cồn cào trong tiếng tằm ăn rỗi

để lòng mình xanh như nương dâu

hoa dại níu Đắc Lua vào sắc tím

cầu mới thênh thang đi bưc người về

cuối cơn gió nhng nương dâu rì rào đồng vọng

ru bình yên vào đêm…

(Chiều Đắc Lua)

Không chỉ có màu xanh bình yên, thơ Hạnh Vân còn là tiếng nói trước những thực tế tiêu cực của xã hội mà bài thơ Nói thay lời đứa con bị cha mẹ bạo hành, là một minh chứng cụ thể nhất: 

Quyền uy người lớn

cựa quậy trong chiếc roi mây

cựa quậy trong bàn tay thép

cựa quậy nhà trên, góc bếp

cơn nóng giận của người lớn

trút lên da thịt non mềm

thân thể của con nơi nào cũng biết nhói biết đau biết rát

chỉ tâm hồn trẻ thơ

chai dần theo những đòn roi...

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  797,305       4/1,279