Văn hóa

Ai gánh giùm nỗi đau của người khác?

Sân khấu Idecaf (TP.Hồ Chí Minh) vừa dựng lại vở kịch nổi tiếng Ngôi nhà không có đàn ông (cố soạn giả Ngọc Linh). Vở vừa ra mắt đã nhanh chóng gây sốt vé. Điều gì khiến một bi kịch đã cũ và được dựng từ kịch nói đến cải lương trong mấy chục năm qua vẫn còn hấp dẫn?

Sân khấu Idecaf (TP.Hồ Chí Minh) vừa dựng lại vở kịch nổi tiếng Ngôi nhà không có đàn ông (cố soạn giả Ngọc Linh). Vở vừa ra mắt đã nhanh chóng gây sốt vé. Điều gì khiến một bi kịch đã cũ và được dựng từ kịch nói đến cải lương trong mấy chục năm qua vẫn còn hấp dẫn?

Cảnh trong vở Ngôi nhà không có đàn ông. Ảnh: T.T.D
Cảnh trong vở Ngôi nhà không có đàn ông. Ảnh: T.T.D

Bối cảnh vở diễn xảy ra trong một gia đình toàn phụ nữ. Bà Hậu (NSƯT Kim Xuân đóng) vì hận ông chồng đã lừa dối mình nên đâm ra căm ghét đàn ông. Thì bà không đau sao được. Một con người phong lưu, nho nhã, nói chuyện thiệt hay ho đã làm trái tim cô gái mới lớn rung lên những giai điệu tình mãnh liệt. Bà say đắm trong cái hạnh phúc quá ngọt ngào, ở với nhau tới 3 mặt con rồi đùng cái phát hiện ông đã có vợ. Mà nào phải một, trên bước đường rong ruổi của một gã làm sách, ông cũng gánh thêm vài mối tình khác. Bà cay đắng, uất hận con người bội bạc đó. Rồi tới ngày ông đón bà cùng cả gia đình vượt biển bà đã thẳng thừng từ chối. Một mình ông ra đi và bỏ mạng dưới ngàn lớp sóng…

Chuyện xảy ra mấy chục năm mà tổn thương cay đắng đó vẫn làm bà Hậu đau đớn. Bà khắc nghiệt với đàn ông, cấm đàn ông bước vào ngôi nhà chỉ toàn là đàn bà. Bà nhìn đàn ông như thứ hạ tiện nhất trên thế gian này. Nỗi đau đớn của bà được lan truyền qua cô em gái, dì ba Kim Duyên xinh xắn (NSƯT Thành Lộc đóng). Dù chưa bao giờ biết mùi vị đàn ông và cũng chưa từng yêu ai nhưng dì ba ghét đàn ông còn… lố hơn cả bà chị mình. Bởi từ thuở nhỏ dì đã bị chị tiêm nhiễm một nỗi hận ngất trời. 3 cô con gái của bà Hậu gồm Xuân (Hoàng Trinh), Hạ (Lê Khánh) và Thu (Vân Trang) cũng bị bà cấm đoán, khắt khe trong chuyện trai gái. Chuyện gì xảy ra khi một nỗi hận bị áp đặt? Ai gánh giùm ai được nỗi đau nếu không tự mình trải nghiệm? Cái gì bị kìm kẹp, trái với lẽ thường sẽ tự nhiên phát triển một cách méo mó, biến dạng.

Xuân giấu một trái tim yêu mãnh liệt sau vẻ ngoài lạnh lùng, kiêu kỳ của cô gái học thức. Hạ bất cần đời, chơi vơi trong những mối tình chóng vánh rồi mất niềm tin vào con người, vào đàn ông. Niềm tin, niềm hy vọng cuối cùng của bà Hậu là Thu rồi cũng đổ vỡ như thành trì khắc nghiệt sau bao ngày bảo thủ chống chọi. Thu dễ thương, trong sáng, là công chúa ngoan ngoãn luôn nghe lời mẹ, rồi một ngày cô thẳng thắn thông báo với gia đình cô yêu một anh chàng sửa xe nghèo kiết xác và mang trong bụng cái thai mấy tuần tuổi…

Vốn mê kịch bản văn học của tác phẩm, hơn 20 năm nay đạo diễn Vũ Minh đã không bỏ lỡ cơ hội nào để ngắm nhìn Ngôi nhà không có đàn ông dưới sự thể hiện của các sân khấu, từ 5B đến Hồng Vân rồi Hoàng Thái Thanh. Lần dựng mới này, anh đã phả vào vở diễn không khí, cách nhìn mới. Tiết tấu được đẩy nhanh hơn và không gian sàn diễn được xử lý khá giản dị nhưng ẩn chứa nỗi niềm, sự tù túng, bí bách. Dàn diễn viên cứng nghề đã biết cách để khán giả không bị phân tâm bởi những bản dựng trước đó.

Lớp dựng gây ấn tượng là cơn mê của bà Hậu khi gặp lại chồng cũ. Trong cơn mê, ông dằn vặt bà vì nỗi hận của mình mà hủy hoại cuộc đời của những người đàn bà con lại trong gia đình. Sự bảo thủ, cố chấp của bà, chính bà chứ không ai khác khiến ngôi nhà trở nên dông bão. Một sự đối thoại gay gắt và đau đớn. Thoạt nhìn thì rõ là ông trách bà, nhưng cơn mê đó đã bộc lộ thật ra chính bà đang giằng xé bản thân mình. Tự trong tâm bà đã nhìn ra được sự vô lý, thế nhưng bà vẫn không dám nhìn nhận sự thật, chối bỏ nó và cuối cùng tự dày vò mình trong những cơn mê thức tỉnh.

NSƯT Hữu Châu xuất hiện chỉ vài phút trong vở diễn nhưng gây ấn tượng với nhân vật ông Thiện. Người đàn ông giàu có, tưởng có tất cả nhưng trong tình yêu đôi khi khiếm khuyết điều gì đó thì dường như tất cả những thứ khác điều trở nên vô nghĩa. Nghệ sĩ Thành Lộc có quá nhiều khả năng để biến hóa thành các nhân vật đa dạng, đa tính cách.     

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  644,010       1/925