Văn hóa

Làm sao để nén bạc không đâm toạc đoàn phim

Gần đây, những lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam, hoặc ở đoàn phim truyền hình Hồ sơ lửa, suy cho cùng vẫn là chuyện rắc rối về tiền bạc. Trên thế giới, những hãng phim giàu kinh nghiệm cũng không bao giờ dám bảo đảm phim của mình không có rủi ro nào...

Gần đây, những lùm xùm ở Hãng phim truyện Việt Nam, hoặc ở đoàn phim truyền hình Hồ sơ lửa, suy cho cùng vẫn là chuyện rắc rối về tiền bạc. Trên thế giới, những hãng phim giàu kinh nghiệm cũng không bao giờ dám bảo đảm phim của mình không có rủi ro nào, nên các cách thức quản lý rủi ro luôn được đặt ra từ đầu để hạn chế.

Do phối hợp không đúng, phim Phật hoàng Trần Nhân Tông sau gần 6 năm rục rịch vẫn chưa được bấm máy, rủi ro và phát sinh tăng cao.
Do phối hợp không đúng, phim Phật hoàng Trần Nhân Tông sau gần 6 năm rục rịch vẫn chưa được bấm máy, rủi ro và phát sinh tăng cao.

Ông Brian Kingman, Phó chủ tịch cấp cao của Aon/Albert G. Ruben - một tổ chức nổi tiếng thế giới về kiểm soát rủi ro - phát biểu trong một bài báo rằng: tiềm năng gây ra thảm họa cho các nhà làm phim là rất lớn, nên rất cần cung cấp các phạm vi bảo hiểm cho ngành công nghiệp giải trí này. NSƯT Nguyễn Chánh Tín thì cho rằng làm phim có đến 80% nguy cơ sạt nghiệp, thua lỗ, chỉ có khoảng 20% khả năng hòa vốn, có lãi.

Trong thời gian quay Fast & Furious 7, dù diễn viên chính Paul Walker chết vì tai nạn giao thông, không liên quan đến phim trường, nhưng cả đoàn phim đã thật sự lao đao. Chính vì vậy, khi quay Fast & Furious 7, bảo hiểm rủi ro cho phim lên tới 50 triệu USD, lớn nhất lịch sử làm phim.

* “Đơn thương độc mã” không tốt

Trước đây, khi một phim Việt kết thúc, phần giới thiệu thành phần liên quan đến đoàn phim (after-credit) thường rất ngắn, bây giờ thì đã dài hơn khá nhiều. After-credit của các đạo diễn Việt kiều thường dài hơn các đạo diễn trong nước. Các nhà quản lý rủi ro rất quan trọng các chi tiết cụ thể trong after-credit, nơi họ có thể nhìn thấy sự chuyên nghiệp, sự liên đới trách nhiệm của một đoàn phim nói chung.

Đạo diễn Phillip Noyce cho biết quá trình tìm kiếm đầu tư cho phim Người Mỹ trầm lặng (quay tại Việt Nam) có lúc tưởng bế tắc, dù lúc ấy tài tử bậc thầy Michael Caine đã nhận lời. “Tôi vẫn thiếu tiền cho tới khi có được cái gật đầu của tài tử thời danh là Brendan Fraser. Nguyên tắc lớn nhất của người làm phim là hạn chế tối đa việc bù tiền túi, dù chỉ thiếu một vài ngàn USD”.

Kết quả của Người Mỹ trầm lặng cho thấy nguyên tắc này là đúng, vì kinh phí đầu tư là 30 triệu USD, nhưng doanh thu chỉ hơn 27,6 triệu USD, lỗ nặng, nếu Phillip Noyce mà bỏ thêm ít tiền túi, thì thiệt hại của ông càng nhiều hơn nữa.

Phillip Noyce còn cảnh báo thêm: “Không được nhận tiền của diễn viên vì lý do bạn ấy muốn đóng vai quan trọng. Nhà tài trợ cũng vậy, chúng ta chỉ nên đồng ý với những sản phẩm có thể phù hợp với kịch bản, chứ không nên miễn cưỡng để hạn chế rủi ro. Ngay từ đầu bạn phải cho các đối tác, nhà đầu tư, giới quan sát thấy rằng mình chỉ làm với những cá nhân và tổ chức lành nghề về phim, có như vậy họ mới muốn đồng tâm cộng khổ với mình”.

Ý kiến này của Phillip Noyce cũng tương tự các nghệ sĩ gạo cội vừa lên tiếng phản đối việc cổ phần hóa Hãng phim truyện Việt Nam, mà lý do chính là định giá thấp và đối tác không thuộc giới làm phim.

Do làm việc có tính cách “đơn thương độc mã” và hơi quá tự tin, đạo diễn Văn Lượng vẫn chưa khởi quay phim Phật hoàng Trần Nhân Tông dù rục rịch quay từ tháng 11-2011. Nhà đầu tư của phim này là Công ty cổ phần Việt Nam Tinh Hoa cũng là chủ đầu tư của phim trường cổ trang tại Yên Tử (Quảng Ninh). Có lẽ chỉ khi nào phim trường lớn nhất Việt Nam này hoàn thành thì phim kia mới được bấm máy.

Điều này cũng xảy ra tương tự với gia đình NSND Lý Huỳnh khi làm phim dã sử Tây Sơn hào kiệt. Ê-kíp chuyên nghiệp làm phim vẫn có thể thất bại, nhưng các rủi ro, thất bại của phim Việt thường do thiếu sự lành nghề, chuyên nghiệp.

* Chia nhỏ trách nhiệm

Người được tạp chí The MovieMaker gọi là Mr. Hollywood, chuyên gia Dov Simens, khi đến Việt Nam giảng dạy về làm phim đã cảnh báo rằng dù là phim độc lập, kinh phí thấp, bạn cũng không được bỏ tiền ra làm một mình. “Khi làm một mình, chúng ta dễ chủ quan, dễ dẫn đến các phát sinh, thất bại ngoài ý muốn. Khi làm phim, dù là phim nhỏ nhất, hãy tìm cách liên kết tài năng và liên đới trách nhiệm, để khi gặp biến cố, bạn sẽ giảm thiểu được lo lắng”.

Còn nhớ, khi diễn viên Daniel Craig bị thương lúc quay Spectre thuộc loạt phim Điệp viên 007, các nhà đầu tư và các ông bà chủ trái phiếu rất hoảng sợ. Dù đã mua bảo hiểm cho Daniel Craig, nhưng họ cũng phải nhóm họp đột xuất để bàn cách khắc phục và chia nhỏ trách nhiệm, nếu thất bại diễn ra.

Tại Mỹ, liên minh trách nhiệm càng rõ ràng, ê-kíp càng lành nghề thì việc mua các hạng mục bảo hiểm cho việc sản xuất phim càng đỡ tốn kém. Christie Mattull, Phó chủ tịch cấp cao của DeWitt Stern - công ty bảo hiểm nổi tiếng về phim tại California - cho biết hầu hết các khiếu kiện liên quan đến các ê-kíp sản xuất.

Nếu các diễn viên chính bị bệnh hoặc bị thương, việc quay phim tạm ngưng, nhưng vẫn phải trả tiền cho ê-kíp sản xuất và công nhân phim trường. Họ thường nhận lương theo tuần. “Chính vì vậy, khi bán bảo hiểm, chúng tôi phải đọc kỹ kịch bản và tìm hiểu kỹ về sự chuyên nghiệp của các ê-kíp sản xuất” - Christie Mattull chia sẻ với Insurance Journal.

Tại Việt Nam, việc bảo hiểm cho phim nói chung còn sơ khai, nhiều hãng phim cũng chưa ý thức đủ về việc này. Nhưng thực tế cũng dần thay đổi theo hướng tích cực hơn, vài hãng phim đã bắt đầu mua bảo hiểm tai nạn cho vài bộ phận nguy hiểm.

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  794,511       1/823