Văn hóa

Nhớ thời xem phim điện ảnh Xô-viết

Khoảng 40 năm trước, ở quê tôi chỉ nghe nói đến phim Liên Xô là làng trên, xóm dưới, người người, nhà nhà cùng náo nức.

Cả tháng, đội chiếu phim lưu động mới đến xã một lần, nhưng nếu có thông tin chiếu phim ở xã gần hay xã xa là chúng tôi rồng rắn đi. Cả một đoàn dài, đủ cả nam, phụ, lão, ấu nhưng nhiều nhất vẫn là thanh, thiếu niên nối đuôi nhau băng qua cánh đồng. Để rồi từ những tối rồng rắn đi xem phim, những tác phẩm kinh điển đầy chất hào hùng và lãng mạn cách mạng của điện ảnh Xô-viết tưới mát và thấm đẫm trong con tim, khối óc mỗi đứa trẻ quê chúng tôi ngày ấy. 

“Tối nay có phim Liên Xô!”, câu nói đã thành câu cửa miệng của lứa chúng tôi thời ấy như câu reo vui, như niềm ước ao, như động lực, như nói về một món ăn tinh thần hiển nhiên không thể thiếu. Phim Liên Xô và Họa báo Liên Xô giúp người dân quê tôi hiểu thêm về đất nước Bạch Dương, về con người, phong tục, văn hóa và thiên nhiên tươi đẹp. Trẻ con nhủ lòng ráng học cho giỏi để một lần được đến nước Nga. Mãi mãi trong tim thế hệ 6X, 7X chúng tôi luôn dành một ngăn nhung nhớ cho những tác phẩm điện ảnh cách mạng kinh điển: Bài ca người lính, Chiến tranh và hòa bình, Moskva không tin những giọt nước mắt, Khi đàn sếu bay qua…

Tôi vẫn nhớ, phim Liên Xô được chiếu ở sân hợp tác xã và thường là phim đen trắng. Buổi sáng đoàn chiếu phim đến, dựng màn ảnh, sắp xếp dụng cụ, giăng dây quanh sân bãi, làm cửa ra vào để soát vé. Lũ trẻ con sau buổi học là thập thò, mon men đến đoàn phim để khai thác vài thông tin về bộ phim chiếu tối nay, hay nuôi hy vọng kiếm được vài đoạn phim gãy để về lấy le với chúng bạn, như sở hữu một bảo bối. Đoạn phim ấy soi lên ánh đèn sẽ thấy đủ các hình ảnh, tha hồ mà tưởng tượng.

Trong thời gian đoàn phim chuẩn bị thì làng trên xóm dưới sẽ náo nức với chuyện phim tối nay và ôn lại chuyện phim chiếu lần trước. Cả trên cánh đồng cũng rộn ràng với chuyện phim; những bộ phim đã chiếu, qua lời kể, lời bình của những huyền thoại kể chuyện phim của làng tôi càng trở nên ly kỳ, hấp dẫn khiến cánh đồng như trở thành phim trường rộng lớn, người làm đồng quên cả mệt. Nhanh tay lên, xong sớm còn về cơm nước và đến bãi chiếu phim kịp giờ mở màn.

Thường thì trước mỗi khi chiếu phim sẽ có bài phát biểu của lãnh đạo xã. Đoạn này không phải là phần được mong chờ, nhưng cũng ngắn gọn nên không ảnh hưởng gì đến sức nóng của sự háo hức. Rồi tiếng máy quay phim rè rè cất lên, cả sân bãi nhốn nháo thành im phăng phắc; phim chạy, một luồng sáng chiếu thẳng từ máy chiếu lên màn ảnh rộng. Tôi vẫn nhớ những giọng đọc thuyết minh thời ấy, như có ma thuật vì có hùng có bi, có lãng mạn, có liêu trai.

Không biết có quá hay không khi tôi cho rằng phim Liên Xô ngày ấy đã thực hiện tuyệt vời sứ mệnh chuyển tải yêu thương, tinh thần lạc quan đến mỗi người trong những năm đất nước còn gian khó và bộn bề những khó khăn, thử thách ngày ấy.  Bởi vậy, mỗi năm đến dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Mười Nga lại thấy như hiện lên trước mắt hình ảnh đoàn người tươi vui, rồng rắn đi xem phim của tuổi thơ tôi hay hình ảnh sân bãi lặng phắc như hóa đá hiện về. Và có một chút nôn nao chờ đợi được gặp lại những nhân vật yêu quý ngày nào trên sóng truyền hình mà một vài kênh vẫn còn nhớ thương, chọn và phát sóng.

 Trâm Oanh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,935       2/835