Văn hóa

Chớ vội kỳ thị hồi ký - tự truyện của nghệ sĩ Việt

Kể từ tự truyện Lê Vân: Yêu và sống (năm 2006) đến Vàng Anh và Phượng Hoàng của diễn viên Hoàng Thùy Linh (sắp phát hành), thật sự đã có một "mùa" tự truyện - hồi ký của nghệ sĩ Việt. Với nhiều độc giả, dù chưa đọc cụ thể một quyển nào nhưng cũng dễ dàng đưa ra cái nhìn kỳ thị...

Kể từ tự truyện Lê Vân: Yêu và sống (năm 2006) đến Vàng Anh và Phượng Hoàng của diễn viên Hoàng Thùy Linh (sắp phát hành), thật sự đã có một “mùa” tự truyện - hồi ký của nghệ sĩ Việt. Với nhiều độc giả, dù chưa đọc cụ thể một quyển nào nhưng cũng dễ dàng đưa ra cái nhìn kỳ thị, rồi tự  “an ủi” rằng chỉ có nghệ sĩ Việt Nam mới viết như vậy. Cái nhìn hơi khắt khe này e chưa đúng.

Cuốn tự truyện Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng M-TP đang thu hút dư luận trái chiều.
Cuốn tự truyện Chạm tới giấc mơ của Sơn Tùng M-TP đang thu hút dư luận trái chiều.

Về bản chất, tự truyện là một câu chuyện chủ quan nên không có khả năng hoặc không sẵn sàng để ghi nhớ chính xác ký ức, từ đó có thể dẫn đến những thông tin sai lệch. Các nhà xã hội học và tâm lý học đã lưu ý rằng tự truyện có thể cung cấp một khả năng tái tạo lịch sử, nhưng không phải là lịch sử. Vì vậy, các giá trị của tự truyện cũng thường phụ thuộc vào đặc trưng của thể loại này.

Lâu nay, nói đến tự truyện hay hồi ký người ta thường liên tưởng đến những nhân vật “đức cao vọng trọng”, hoặc những chứng nhân của lịch sử. Do vậy, khi giới showbiz Việt (đặc biệt với những người còn khá trẻ như Tinna Tình, Hương Giang Idol, Lê Kiều Như, Lâm Chí Khanh, Bà Tưng, Sơn Tùng M-TP, Hoàng Thùy Linh…) ấn hành khá nhiều tự truyện, hồi ký trong thời gian gần đây đã trở thành một hiện tượng văn hóa cần được mổ xẻ để thấu hiểu.

Dù viết lúc không còn trẻ, nhưng đọc tự truyện Lê Vân: Yêu và sống của nghệ sĩ Lê Vân, hay gần đây là cuốn tự truyện Một đời giông bão (năm 2015) của nghệ sĩ Thương Tín, nhiều người cho rằng quá sốc, thậm chí hơi “hạ cấp”. Tuy nhiên, nếu đọc cuốn tự truyện My Life So Far (năm 2005) của Jane Fonda - một diễn viên tầm vóc quốc tế rất gắn bó với Việt Nam - sẽ thấy muôn vàn chuyện còn trần trụi và kinh khủng hơn.

Nữ tài tử Paris Hilton trong cuốn Lời thú tội của một người thừa kế nữ (năm 2004) còn công bố tên những người có quyền lực đã đưa ra nhiều “lời đề nghị khiếm nhã” với cô, trong đó có yếu tố tình dục. Và không phải lúc nào cô cũng từ chối mà đã nhiều lần gật đầu nên mới sinh chuyện. Paris Hilton cũng tiết lộ khi “hứng tình”, cô sẵn sàng đi chơi với bất kỳ ai, thậm chí là một gã ma cà bông, nên danh sách người tình nhiều đến không đếm xuể.

Trong cuốn What Falls Away (Những thứ đã rời xa), nữ minh tinh Mia Farrow kể rằng đạo diễn huyền thoại Woody Allen là người tình sâu đậm. Trong thời gian cặp bồ, ông lại tán cô con gái 17 tuổi của bà, sau đó cưới cô ấy làm vợ. Ông còn quấy rối tình dục một cô con gái khác của Mia Farrow. Trong khi đó, Mia Farrow từng là vợ của ca sĩ huyền thoại Frank Sinatra và nghệ sĩ dương cầm tài danh Andre Previn, khi đang có chồng bà vẫn cặp bồ lung tung. Chính vì vậy, cuốn What Falls Away như là một tự sự về luật nhân quả, “mẹ ăn mặn thì con cũng phải khát nước”.

Cuốn High On Arrival của diễn viên nổi tiếng Mackenzie Phillips, tiết lộ từ năm 19 tuổi cô đã cùng cha ruột sử dụng ma túy và sống đời loạn luân trong gần một thập niên. Cha của Mackenzie Phillips là ca sĩ nổi tiếng John Phillips, thành viên ban nhạc The Mamas & The Papas. Ngay cả đại tài tử - thống đốc bang California là Arnold Schwarzenegger với cuốn Hồi ức toàn tập (năm 2012) cũng bị cho là dàn trải, tẻ nhạt và nhảm nhí.

Nhìn như vậy để thấy nếu Hương Giang Idol còn khá hiền khi viết: “Khi tủ quần áo toàn đồ nữ giới, tôi thầm thích thú nhưng vẫn có chút sợ hãi nếu bị bố phát hiện ra điều ấy. Ông sẽ nghiêm mặt và la mắng tôi, rồi mẹ sẽ lại khóc. Giấu giếm mãi cho đến một ngày, bố cũng phát hiện được sự thật của tôi. Sững sờ và thất vọng khi cậu con trai có xu hướng ngày càng nữ tính, bố cảm thấy khó chịu, thất vọng tràn trề. Đôi mắt ông buồn thảm đến kinh khủng nhưng thú thật lúc ấy, tôi chẳng biết phải làm thế nào. Chỉ đôi lúc chực bật khóc và thầm xin lỗi bố”.

“Trong xã hội văn minh, hồi ký hoặc tự truyện luôn là một thể loại trọng yếu, để cuộc đời với trang sách song hành và thấu hiểu lẫn nhau. Chúng ta đang tập làm quen với hồi ký hoặc tự truyện, vì vậy cả độc giả lẫn tác giả đều phải có chung niềm tin: đó là vũ khí giải mật cho bầu trời quá khứ, và cũng là vũ khí giải thiêng cho bóng tối im lặng!” - nhà phê bình văn học Lê Thiếu Nhơn nhận định.

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,984       2/836