Văn hóa

Thêm góc nhìn về thơ Huỳnh Văn Nghệ

Nhân kỷ niệm 40 năm ngày mất nhà thơ, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Huỳnh Văn Nghệ và 10 năm ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật, sáng 27-10 tại Văn miếu Trấn Biên, Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai phối hợp với Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh...

ội Văn học nghệ thuật tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo với chủ đề: Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ, chiến sĩ.

Quang cảnh hội thảo Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ, chiến sĩ. Ảnh: V.TRUYÊN
Quang cảnh hội thảo Huỳnh Văn Nghệ - nhà thơ, chiến sĩ. Ảnh: V.TRUYÊN

Đây là lần thứ 2 hội thảo về Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ được tổ chức tại Đồng Nai (lần đầu tiên diễn ra vào năm 2007, do 2 tỉnh Đồng Nai và Bình Dương phối hợp tổ chức) thu hút gần 30 tham luận của các nhà nghiên cứu, văn nghệ sĩ.

Góc nhìn mới

PGS.TS Huỳnh Văn Tới, Ủy viên Ban TVTU, Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh, đã gửi đến hội thảo tham luận có tựa đề “Người chép sử quê hương”. Tham luận nhận định: “Ngoài thiên chức của nhà thơ - chiến sĩ, Huỳnh Văn Nghệ còn là người chép sử quê hương, sử từ lòng dân, sử của dân gian. Những trang sử “không chuyên” của Huỳnh Văn Nghệ là nhân chứng lịch sử, không phải chỉ để “học bài” mà để hành động cho chính tác giả. Nhờ vậy mà ta hiểu thêm một Huỳnh Văn Nghệ với những điều không ghi trong lý lịch: một nhân cách được “gieo trồng” trong nền giáo dục của gia đình nề nếp, nhân nghĩa, kết tinh truyền thống của quê hương, nghĩa khí của cha, đức bao dung của mẹ, bản lĩnh của các anh chị em, sự hồn nhiên của bạn bè và nguồn mạch của văn hóa dân gian”.

PGS.TS Hoàng Trọng Quyền, Phó hiệu trưởng Trường đại học Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) nhấn mạnh: trong thời kỳ Huỳnh Văn Nghệ bắt đầu sáng tác thì văn học Việt Nam hiện đại khá phong phú và đa dạng. Trong khi nhiều tác giả đang trên đường tìm kiếm tư tưởng chủ đạo trong nghệ thuật, đối tượng mà tác phẩm phản ánh, thì các sáng tác của Huỳnh Văn Nghệ luôn nhất quán về tư tưởng sáng tạo, quan niệm nghệ thuật: con người là trung tâm. Trong các sáng tác của ông luôn hiện lên vẻ đẹp chân thực, giàu đức hy sinh cho gia đình, quê hương, Tổ quốc của con người.

PGS.TS Đoàn Trọng Huy (Trường đại học sư phạm Hà Nội) đánh giá thơ Huỳnh Văn Nghệ tràn ngập cảm hứng yêu nước anh hùng. Quan niệm nghệ thuật của Huỳnh Văn Nghệ thể hiện bản lĩnh của người nghệ sĩ lớn, tiên phong và nhân văn. Thơ của ông có nhiều hình ảnh tượng trưng, như lửa, gươm, chiến mã... ngôn ngữ thơ hào sảng mà Ai về Bắc hay Nhớ Bắc là minh chứng. 

PSG.TS Võ Văn Nhơn (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) ngoài việc khẳng định Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ lớn tiêu biểu của Nam bộ, còn rất tâm đắc với những sáng tác về tình yêu của Thi tướng rừng xanh. PGS.TS Võ Văn Nhơn nói: “Huỳnh Văn Nghệ có những bài thơ tình hoàn toàn nghiêng về cảm xúc, thể hiện những cung bậc tình cảm nam nữ. Điều này trái với suy nghĩ lâu nay rằng nhà thơ chiến sĩ là chỉ sáng tác thơ cách mạng với mục đích tuyên truyền”.

Đâu chỉ để tuyên truyền

Bên cạnh việc đưa ra những cái nhìn mới về các sáng tác của Thi tướng, nhiều đại biểu còn nhận định: Huỳnh Văn Nghệ đã thành công trong việc dùng chính những vần thơ của mình để đi sâu vào lòng người, qua đó tuyên truyền tinh thần cách mạng, lòng yêu nước.

Theo Th.S Nguyễn Văn Lượm, giảng viên Trường đại học Đồng Tháp (tỉnh Đồng Tháp), qua bài thơ Tiếng Quốc ca, Thi tướng không chỉ vẽ lại bức tranh bằng thơ đầy thương cảm cho sự hy sinh cao cả của đồng đội trong những ngày tháng đấu tranh gian khổ mà qua đó còn đưa hình ảnh đẹp, gan dạ của bộ đội Cụ Hồ vào từng dòng thơ.

“Bác sĩ đang cưa chân

Một chiến sĩ bị thương

Bằng cưa thợ mộc..

Bác sĩ vừa cưa vừa khóc

Chị cứu thương cặp mắt cũng đỏ hoe

Nhìn ảnh Bác Hồ trên tấm vách tre

Anh chiến sĩ cứ mê mải hát

Cưa cứ cưa, xương cứ đứt

Hai bàn tay siết chặt đôi hông

Dồn hết phổi vào trong tiếng hát”.

(Tiếng Quốc ca - 1946)

Nhận định này không chỉ đến từ những nhà nghiên cứu văn học mà xuất phát từ chính những người đã từng cầm súng bảo vệ Tổ quốc. Như chia sẻ của cựu chiến binh Nguyễn Quốc Hoàn (Hội Hỗ trợ gia đình liệt sĩ tỉnh): “Năm 1970, lúc đó tôi đang chuẩn bị cùng đồng đội bước vào trận đánh lớn. Đêm trước ngày ra trận, các chiến sĩ chúng tôi được nghe chương trình phát thanh giới thiệu những bài thơ của Thi tướng. Những bài thơ nói về tình yêu quê hương đất nước, cảnh đất nước bị tàn phá dưới sự xâm lược của giặc làm cho ai cũng yêu mến thơ ông và lên tinh thần chiến đấu”.

Hay như chia sẻ của nhà văn Nguyễn Trí (Đồng Nai): “Những ngày còn chưa cầm bút viết văn mà đang là anh thanh niên đào vàng, vào rừng tìm trầm hương, đá quý, tôi đã được biết và rất yêu những vần thơ thể hiện tình yêu quê hương đất nước, số phận con người và tinh thần đấu tranh giành độc lập dân tộc của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ. Tôi rất yêu quý những vần thơ đó và cả tác giả”.

Còn Phó chủ tịch Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh Phạm Sỹ Sáu xúc động cho hay, thơ của Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ không đơn thuần là tuyên truyền mà nó mang nhiều cảm xúc, dễ thuộc, đi vào lòng người. Bản thân nhà thơ khi sáng tác chắc cũng không nghĩ thơ của mình là để tuyên truyền cách mạng mà đó là suy nghĩ, tình cảm thực tế của người chiến sĩ. Vì thế, Huỳnh Văn Nghệ là nhà thơ tuyên truyền yêu nước có sức lan tỏa lớn, có sức sống đến tận bây giờ...

Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bùi Quang Huy cho rằng cái lớn, cái gốc của nhà thơ Huỳnh Văn Nghệ chính là cái hồn, tình cảm, mà nếu không có cái hồn, tình cảm ấy thì Huỳnh Văn Nghệ không thể trở thành nhà thơ lớn được. Cuộc hội thảo có nhiều nét khám phá mới, hé mở cho công chúng biết thêm về Huỳnh Văn Nghệ. Còn rất nhiều điều cần phải khám phá về Huỳnh Văn Nghệ, như ông là một nhà thơ mới nhưng thơ ông lại khác các nhà thơ mới khác ở cấu trúc, thư pháp, quan điểm nghệ thuật, phong cách...

Minh Ngọc - Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  794,274       1/826