Văn hóa

Định hình khảo cổ Đồng Nai

Trước thực trạng không ít di tích khảo cổ đã biến mất hoàn toàn qua các hoạt động của con người, nhiều di tích khảo cổ khác hiện công tác đang đứng trước nguy cơ tương tự, Sở Văn hóa - thể thao và du lịch đã thực hiện công tác quy hoạch khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 và được UBND tỉnh thông qua.

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch. ảnh: H.Giang
Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch. ảnh: H.Giang

Ông Lê Kim Bằng, Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, cho biết:

- Giai đoạn từ trước năm 1975 đến nay ngành khảo cổ Đồng Nai đã đạt được nhiều thành tựu đáng kể, hàng loạt di tích đã được phát hiện và nghiên cứu. Có hàng ngàn di vật với đầy đủ các loại hình được đưa lên khỏi mặt đất, cung cấp một khối lượng tư liệu lớn cho các nhà nghiên cứu và nhiều sưu tập lớn rất có giá trị được bảo tồn và trưng bày tại Bảo tàng Đồng Nai và các bảo tàng lịch sử trong nước và nước ngoài. Tuy nhiên, những phát hiện này chưa được đánh giá, hệ thống và thể hiện hết giá trị khảo cổ tại Đồng Nai. Quy hoạch lần này được kỳ vọng sẽ cho cái nhìn toàn diện hơn về khảo cổ trên địa bàn tỉnh cũng như đề ra nhiều giải pháp trong bảo tồn, phát huy giá trị của di tích trong phát triển.

 Vậy mục tiêu cụ thể của quy hoạch là gì, thưa ông?

Một số công cụ lao động, vũ khí bằng đá
Một số công cụ lao động, vũ khí bằng đá

- Mục tiêu của quy hoạch nhằm bảo tồn hiệu quả các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh, đồng thời định hướng điều tra, khai quật, nghiên cứu lịch sử vùng đất Đồng Nai qua từng thời kỳ thông qua các di tích, di vật khảo cổ. Qua đó góp phần làm sáng tỏ những câu hỏi lịch sử về vùng đất Đồng Nai nói riêng và Nam bộ nói chung. Việc thực hiện quy hoạch lần này còn góp phần vào việc phát triển kinh tế - xã hội và sự nghiệp GD-ĐT các thế hệ trẻ trên lĩnh vực khoa học - xã hội và nhân văn.

 Thưa ông, những việc cụ thể cần làm của quy hoạch là gì?

- Quy hoạch khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 đưa ra 13 đầu việc cụ thể cần thực hiện là: tiến hành kiểm tra, khảo sát toàn bộ các di tích khảo cổ từ giai đoạn tiền sử đến giai đoạn lịch sử.

Di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh).
Di tích khảo cổ cấp quốc gia đặc biệt Mộ cự thạch Hàng Gòn (xã Hàng Gòn, TX. Long Khánh).

Xác định tọa độ GPS cho từng loại hình di tích. Tổng hợp, đánh giá và phân loại đối với từng di tích khảo cổ. Đánh giá tình trạng di tích, các khu vực có tiềm năng về khảo cổ, về thực trạng bị xâm phạm của các di tích. Đánh giá đặc điểm kinh tế, xã hội, các hoạt động liên quan đến văn hóa phi vật thể và các động lực phát triển kinh tế, quy mô dân số, đất đai trong khu di tích. Phân tích mối quan hệ về chức năng, không gian cảnh quan của di tích khảo cổ với quy hoạch xây dựng tại địa phương. Xây dựng kế hoạch nghiên cứu, khoanh vùng bảo vệ di tích. Nâng cao vai trò quản lý nhà nước, kêu gọi toàn xã hội tham gia bảo tồn, phát huy giá trị di tích. Đánh giá tác động đô thị hóa đến quần thể di tích. Đề xuất danh sách và phương án trùng tu di tích. Đề xuất dự kiến diện tích đất cần sử dụng của quy hoạch. Xây dựng phương án phát triển và đào tạo nguồn nhân lực. Lập sơ đồ phân bố các di tích khảo cổ trên địa bàn tỉnh làm cơ sở cho việc lập bản đồ khảo cổ giai đoạn tiếp theo.

 Tiến độ của quy hoạch sẽ được thực hiện đồng thời cùng một thời điểm ở tất cả các địa phương hay có lộ trình về thời gian gắn với địa điểm cụ thể, thưa ông?

Tượng tê tê được tìm thấy năm 1985 tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ  (ảnh trái). Tượng thần Visnu (nam thần) được tìm thấy ở lòng sông Đồng Nai (đoạn qua xã Hóa An, TP.Biên Hòa) vào năm 1977. (ảnh phải)
Tượng tê tê được tìm thấy năm 1985 tại xã Long Giao, huyện Cẩm Mỹ (ảnh trái). Tượng thần Visnu (nam thần) được tìm thấy ở lòng sông Đồng Nai (đoạn qua xã Hóa An, TP.Biên Hòa) vào năm 1977. (ảnh phải)

- Tiến độ thực hiện quy hoạch sẽ được chia theo các năm gắn với từng địa phương cụ thể. Trong đó, năm 2017 sẽ tiến hành thực hiện khai quật và các công việc liên quan tại di tích Suối Chồn (xã Bảo Vinh, TX.Long Khánh). Năm 2018 sẽ tổ chức hội thảo khoa học về khảo cổ trên địa bàn tỉnh và tiến hành khai quật di chỉ Gò Me (xã Vĩnh Thanh, huyện Nhơn Trạch). Năm 2019 sẽ khai quật di tích Đồi Phòng Không và di tích Suối Linh (huyện Vĩnh Cửu). Năm 2020, khai quật di tích chùa Long Hưng, đình Tân Lại (TP.Biên Hòa). Năm 2021, khai quật di tích Cầu Sắt (xã Bình Lộc, TX.Long Khánh). Năm 2022, khai quật di tích Gò Me (phường Thống Nhất, TP.Biên Hòa). Năm 2023, lấy số liệu làm bản đồ GIS các di tích khảo cổ trên toàn tỉnh. Năm 2024, điều tra, thám sát các di tích khảo cổ vùng Định Quán, Tân Phú, Thống Nhất.

Các cơ quan, ban, ngành, tầng lớp nhân dân có nhu cầu tìm hiểu thêm về quy hoạch khảo cổ trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đến năm 2025, định hướng đến năm 2035 liên hệ số điện thoại 0251.3822038 hoặc truy cập vào trang thông tin: http://svhttdl.dongnai.gov.vn

Quá trình thực hiện sẽ được quản lý, tổ chức ra sao để tránh sự chồng chéo, thiếu thống nhất theo kiểu mạnh ai nấy làm?

- Sở Văn hóa - thể thao và du lịch sẽ đóng vai trò chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan và UBND các huyện, TX.Long Khánh, TP.Biên Hòa triển khai thực hiện quy hoạch. đồng thời kiểm tra, giám sát việc thực hiện quy hoạch, việc chấp hành pháp luật về quản lý di sản văn hóa, xác định và giải quyết các khiếu nại, tố cáo theo thẩm quyền. Qua đó nhằm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Văn hóa - thể thao và du lịch kết quả thực hiện quy hoạch theo quy định.

 Để đảm bảo thực hiện được những mục tiêu, quy hoạch lần này đề ra những giải pháp gì?

- Có 3 nhóm giải pháp được đưa ra để thực hiện mục tiêu mà quy hoạch đề ra, trong đó có: tăng cường công tác quản lý nhà nước; xã hội hóa công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa gắn với phát triển du lịch và hợp tác, phát triển nguồn nhân lực.

 Xin cảm ơn ông!

Trang báo này được thực hiện với sự phối hợp của Sở Văn hóa - thể thao và du lịch

Văn Truyên (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  638,833       12/1,175