Văn hóa

Bài học không bao giờ cũ

"Một mình kiểm lâm không thể bảo vệ rừng. Muốn giữ rừng cần phải có sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, nhân dân"- đó là lời bộc bạch của một kiểm lâm khi nói về công tác giữ rừng trong vở cải lương Rừng gọi tên anh.

“Một mình kiểm lâm không thể bảo vệ rừng. Muốn giữ rừng cần phải có sự chung sức, đồng lòng của chính quyền, nhân dân”- đó là lời bộc bạch của một kiểm lâm khi nói về công tác giữ rừng trong vở cải lương Rừng gọi tên anh.

Một cảnh trong vở diễn Rừng gọi tên anh. ảnh V.Tuyên
Một cảnh trong vở diễn Rừng gọi tên anh. ảnh V.Tuyên

Đây là vở diễn của Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai dàn dựng do NSND Giang Mạnh Hà làm đạo diễn, tác giả kịch bản và chuyển thể cải lương Ái Lan.

* Chuyện cũ mà mới

Đề tài giữ rừng, giữ tài nguyên đất nước, bảo vệ thiên nhiên của vở cải lương Rừng gọi tên anh không mới. Song trong thời điểm cả nước phát hiện và đưa xét xử nhiều vụ án phá rừng nghiêm trọng thì việc Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai lựa chọn vở diễn để dàn dựng và cho ra mắt công chúng đã bắt kịp với tình hình thời sự, góp thêm một tiếng nói về giữ lấy mầm xanh cuộc sống.

“Người kiểm lâm hoàn thành nhiệm vụ giữ rừng không phải là tịch thu được bao nhiêu khối gỗ, vì lúc đó rừng đã bị triệt hạ. Cái chính là chúng ta phải chung sức ngăn chặn, phát hiện ngay từ đầu để không cây rừng nào bị mất đi” - lời Trạm trưởng kiểm lâm Hoàng Minh trong vở diễn.

Vở cải lương Rừng gọi tên anh lấy bối cảnh ở một vùng quê còn nhiều khó khăn. Ở đó, một trạm trưởng kiểm lâm trẻ, đầy nhiệt huyết, gia đình có truyền thống cách mạng được phân công nhận nhiệm vụ cùng đồng đội giữ rừng. Trước thực trạng người dân sống quanh rừng, chính quyền địa phương bị lâm tặc dùng tiền thao túng, Trạm trưởng Hoàng Minh nghệ sĩ Việt Trang cùng những người dân, đồng đội đã tìm cách đấu tranh, tuyên truyền để mọi người nâng cao ý thức bảo vệ rừng, không tiếp tay cho lâm tặc.

Nhưng cuộc chiến không hề đơn giản khi chính gia đình Hoàng Minh cũng bị trùm lâm tặc Trần Cương (nghệ sĩ Xuân Vương) dàn cảnh phải vay tiền chi trả viện phí khi mẹ và con trai nhập viện. Song với tinh thần trách nhiệm với công việc, không để lâm tặc uy hiếp, lợi dụng để tiếp tay cho nạn phá rừng, Hoàng Minh đã bán đi kỷ vật duy nhất của người cha liệt sĩ để trả nợ cho lâm tặc.

Bên cạnh cuộc đấu tranh của 2 nhân vật: một bên đại diện cho pháp luật - lẽ phải là Trạm trưởng Hoàng Minh và bên kia là người vi phạm pháp luật - cái xấu là trùm lâm tặc Trần Cương, còn có những khúc mắc đan xen khiến người xem suy ngẫm.

Trong đó, cô giáo Lan (nghệ sĩ Sang Sang) chấp nhận làm tình nhân của trùm lâm tặc Trần Cương để rồi bị mọi người chê bai, bản thân cảm thấy xấu hổ. Nhưng cũng nhờ số tiền từ cô giáo Lan (tiền của trùm lâm tặc Trần Cương đưa cho) mà nhiều học sinh nghèo đã có điều kiện đi học, những giáo viên nghèo được cô giáo Lan cho vay tiền để mua xe, làm kinh tế gia đình. Cô giáo Lan cũng dùng số tiền này mua dụng cụ học tập dạy học cho học sinh ở xã.

Hay những người nông dân nghèo, nhờ có tiền của trùm lâm tặc mà mua được trâu, có gạo ăn. Nghiêm trọng hơn, ngay chính cán bộ quản lý của xã cũng chịu ơn Trần Cương khi mà mỗi lần con bệnh, vợ đau đều được Trần Cương giúp tiền bạc. Vậy nên như lời trùm lâm tặc Trần Cương tự đắc: “Cả xã này ăn gạo của lâm tặc, nhờ lâm tặc mà nhà nào cũng có trâu để cày ruộng. Cán bộ xã cùng nhờ lâm tặc mà sống được”.

Để rồi sau những lần ra ơn cho mọi người, Trần Cương sai khiến nông dân dùng trâu vào rừng kéo gỗ cho mình. Mỗi lần gỗ lậu bị chính quyền địa phương bắt, chỉ cần Trần Cương ra mặt là được thả ngay. “Những tình tiết này không phải cường điệu mà thực chất đang diễn ra ở đâu đó dưới nhiều vỏ bọc” - Th.S Trần Quang Toại, Phó chủ tịch, Tổng thư ký Hội Khoa học lịch sử Đồng Nai, thành viên Hội đồng nghệ thuật Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, đánh giá về nội dung tư tưởng mà vở cải lương chuyển tải. 

* Con người là yếu tố quyết định

Bên cạnh những người chưa nhận thức hết được thủ đoạn và để cho lâm tặc lợi dụng, vẫn còn đó những kiểm lâm viên kiên định với lý tưởng, có đạo đức trong sáng của người cán bộ khi thực hiện nhiệm vụ mà Trạm trưởng Hoàng Minh cùng đồng đội là một minh chứng. Ngay chính trùm lâm tặc Trần Cương phải tự nhận: “Tao hơn Hoàng Minh tất cả từ tiền bạc, danh vọng nhưng lại thua về đạo đức. Chính đạo đức đã làm Hoàng Minh không bị mua chuộc. Để rồi toàn bộ số gỗ lậu bị bắt, tao bị mất tất cả”.

Có một chi tiết đáng chú ý ở cuối câu chuyện là sau khi bị mất số gỗ lậu, Trần Cương và đồng bọn tìm cách trả thù kiểm lâm, cướp lại tang vật, dùng dao tấn công và làm kiểm lâm bị thương. Dù lực lượng chức năng đã bắn chỉ thiên 3 phát súng, song lâm tặc vẫn tỏ thái độ thách thức và tiếp tục lao vào tấn công. Trong lúc giằng co với lâm tặc, Hoàng Minh đã bắn chết trùm lâm tặc.

Vở diễn kết thúc bằng cảnh Hoàng Minh theo công an về trụ sở làm việc, còn người dân, chính quyền địa phương, gia đình nhìn theo đầy nỗi lo... tất cả đã làm cho người xem ức chế và mong có phần sau để được xem Hoàng Minh có chịu trách nhiệm hay bị xử phạt ra sao vì hành động tự vệ của mình.

Vở cải lương Rừng gọi tên anh sẽ được Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Đồng Nai biểu diễn phục vụ người dân trong tỉnh vào thời gian tới. 

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,671       2/846