Văn hóa

Thời sự sách - đôi điều suy ngẫm

Thời gian gần đây thông tin về sách khá sôi động, vậy là mừng cho văn hóa đọc. Mừng hơn là nhiều đầu sách được bàn đến liên quan nhiều lĩnh vực, có sáng tác, có khảo cứu - phê bình, biên soạn... Trong đó, có cuốn được dư luận khen - chê, có cuốn được trao giải.

 Trong số các đầu sách được trao giải, có 2 đầu sách tạo được dư luận là cuốn Từ điển tiếng Việt của GS. Nguyễn Lân - Phê bình và khảo cứu của tác giả Hoàng Tuấn Công và cuốn Mộ phần tuổi trẻ của Hoàng Trọng Khang.

 Nếu như hầu hết các bài viết về cuốn của Hoàng Tuấn Công đều khen cuốn sách này thì cuốn của Hoàng Trọng Khang có nhiều ý kiến trái chiều. Hai đầu sách này thuộc 2 lĩnh vực hoàn toàn khác nhau, một bên là phê bình - khảo cứu 3 cuốn từ điển của GS.Nguyễn Lân, còn bên Mộ phần tuổi trẻ là sáng tác. Hai tác giả tên tuổi là An Chi (tức Huệ Thiên) và PGS.TS Đoàn Lê Giang (Trường đại học khoa học xã hội và nhân văn, Đại học quốc gia TP.Hồ Chí Minh) lên tiếng khen cuốn của Hoàng Tuấn Công càng khiến người đọc thêm tò mò dù không thuộc lĩnh vực am hiểu. Còn cuốn Mộ phần tuổi trẻ viết về bối cảnh trước năm 1975 thì bị phê phán khá nặng vì những dẫn chứng trong cuốn sách có nhiều chỗ sai về kiến thức khi dẫn thơ Du Tử Lê, truyện chưởng Kim Dung…

 Trong quãng thời gian này, tác giả An Chi “tung” ra 2 đầu sách Rong chơi miền chữ nghĩa (3 tập) và Câu chữ truyện Kiều. Khi có trong tay 2 đầu sách này, người đọc mới ngớ người ra rằng đây không phải là công trình biên soạn chỉn chu mà là tập hợp các bài viết của An Chi trên tờ Năng lượng mới và một vài tờ báo khác (sách Rong chơi miền chữ nghĩa) và những bài viết tập trung về Truyện Kiều trên tờ Kiến thức ngày nay, Năng lượng mới (sách Câu chữ truyện Kiều). Dẫu rằng nói như thầy giáo về hưu Hà Xuân Son “có cuốn sách tập hợp các bài viết cùng chủ đề cũng quý chớ mình hơi đâu mà tìm lại các bài báo”. Dù sao với kiến văn như học giả An Chi, ngay như nhà ngữ học Cao Xuân Hạo (đã mất) cũng ngưỡng mộ, thì người đọc trông chờ một công trình từ nguyên hoàn chỉnh (như ông từng hứa và nay rút lại vì tuổi đã 83) hơn là tập hợp các bài viết để in thành sách, dù rằng có thể nhà xuất bản “gợi ý” sau thành công của 7 cuốn Chuyện Đông chuyện Tây.

 Đình đám hơn cả về tầm vóc vấn đề cũng như dung lượng đầu sách là bộ Lịch sử Việt Nam 15 tập có bổ sung và sửa chữa của Viện Sử học Việt Nam. Một bộ sách lịch sử về nước nhà - còn cách gọi khác là bộ thông sử, hơn 10 ngàn trang được quan tâm là điều tất nhiên.

 Từ lâu có nghi ngại rằng văn hóa đọc bị lấn át. điều này dễ thấy, ngay như với báo chí, nhiều người đã lâu không cầm tờ báo in, chỉ đọc báo mạng. Do đó thời sự về sách trên đây là niềm vui. Ngay tại Biên Hòa còn có niềm vui là có quán cà phê sách Đông Tây (trên đường Cách Mạng Tháng Tám), giá bán giảm 15% cho tất cả các đầu sách, vào café, thoải mái chọn và đọc, không buộc phải mua. Ngạc nhiên hơn là tại đây có nhiều đầu sách quý, như bộ 3 cuốn của tác giả Tuệ Sỹ, giảng viên các trường đại học trước năm 1975 ở miền Nam…

Trung Phi

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,838       4/853