Văn hóa

Tỏa sáng giữa đời thường

Sáng mai 1-12, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tuyên dương 131 người tốt, việc tốt năm 2017. Họ là những tấm gương có hành động đẹp, lối sống tích cực, tỏa sáng giữa đời thường.

Sáng mai 1-12, tại Hội trường Tỉnh ủy, Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy tổ chức hội nghị tuyên dương 131 người tốt, việc tốt năm 2017.

Thầy Lý Trần Phú Hòa (Trường THCS Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) trong giờ lên lớp.
Thầy Lý Trần Phú Hòa (Trường THCS Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) trong giờ lên lớp.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, những tấm gương người tốt, việc tốt được tuyên dương cấp tỉnh năm nay được phát hiện đều khắp ở tất cả các địa phương, thuộc nhiều lĩnh vực... có hành động đẹp, lối sống tích cực, tỏa sáng giữa đời thường.

* 5 năm bắc những nhịp cầu

Nổi bật lên trong số những tấm gương đó có ông Nguyễn Văn Tạo (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán). Thấy bà con qua những khe suối nhỏ mà chưa có cầu, 5 năm qua ông Nguyễn Văn Tạo đã dùng những thanh gỗ xin được của mọi người, rồi bỏ tiền mua đinh sắt, dây và tự mình xẻ gỗ, đóng hàng chục tấm đan để bắc qua những con suối, giúp người dân trong ấp tiện đi lại. Việc làm này của ông Tạo được bà con quý trọng và xem đó là tấm gương sáng của khu dân cư nơi bìa rừng này.

Theo Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy, trong  131 tấm gương được tuyên dương người tốt, việc tốt năm 2017, số người tốt, việc tốt là cán bộ lãnh đạo Đảng, chính quyền, đoàn thể các cấp trong tỉnh chiếm tỷ lệ cao với 46/131. Điều này thể  hiện sự gương mẫu, thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong đội ngũ cán bộ, đảng viên. Những tấm gương nữ được phát hiện, biểu dương chiếm tỷ lệ cao hơn năm trước với 41/131 gương, chiếm tỷ lệ 31,3%,  vượt gần 3% so với năm 2016 (28,5%)...

“Nhiều lúc tôi muốn kêu gọi bà con cùng làm nhưng lại sợ mất ngày công lao động của mọi người. Với lại, tôi xin từng chút gỗ, mua từng lạng đinh để dành khi có nhiều mới làm cầu nên cũng không thể nói nhiều người làm một lúc. Vậy mà mấy năm qua tôi đã làm được 10 cây cầu bắc qua các khe suối. Cái dài nhất là 12m còn cái nhỏ thì khoảng 4m” - ông Tạo nói.

Những chiếc cầu nhỏ do ông Tạo làm ra đã góp phần rất lớn trong việc đi lại của bà con. Bà Nguyễn Thị Sen (người dân sống tại ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) cho biết: “Trước đây, khi chưa có mấy cây cầu do ông Tạo đóng thì hễ qua khe suối, mấy đứa nhỏ phải xắn quần lội nước trước, tôi nhấc xe qua bờ bên kia sau. Bây giờ nhờ có cầu nên người lớn trẻ nhỏ cứ chạy xe qua một mạch. Tụi tui giờ đi đâu cũng khoe trong ấp có ông Tạo làm việc tốt cho dân”.

Việc làm của ông Tạo thật tốt, nhưng còn đáng khâm phục hơn khi cuộc sống gia đình ông không dư dả gì. Hiện ông đang phải chăm sóc người cha già yếu tại xã Phú Cường (huyện Định Quán). Mỗi lần bắc cầu, ông không hề lấy của bà con một đồng nào mà toàn tự mình mua sắm mọi thứ cần thiết cho công việc. Đã vậy, hàng tuần ông vẫn tìm về ấp 5, xã Thanh Sơn để kiểm tra và kịp thời sửa chữa những chỗ hư hỏng của cây cầu. “Tôi chỉ mong mọi người đi lại dễ dàng. Nhất là mấy đứa nhỏ trong xóm đi học không phải lội suối, mùa mưa không còn lo bị nước cuốn trôi”- ông Tạo tâm sự.

Bên cạnh việc bắc cầu của ông Tạo, nhiều người dân trong tỉnh còn tham gia đóng góp những khoản tiền lớn để nối dài những con đường bê tông phục vụ nhu cầu đi lại của người dân. Trong đó, bà Lâm Thị Cơ (ngụ phường Trảng Dài, TP. Biên Hòa) là một ví dụ điển hình. “Tôi gắn bó với vùng đất này hơn 50 năm nên khi nghe chính quyền phát động nhân dân đóng góp làm đường là tôi tham gia, dù nhiều con đường không đi qua phần đất của gia đình”- bà Cơ cho biết.

Nhờ có những chiếc cầu do ông Nguyễn Văn Tạo (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) làm mà việc đi lại của người dân được dễ dàng. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tạo đang kiểm tra và sửa chữa lại những chỗ bị hư trên từng cây cầu.
Nhờ có những chiếc cầu do ông Nguyễn Văn Tạo (ngụ ấp 5, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán) làm mà việc đi lại của người dân được dễ dàng. Trong ảnh: Ông Nguyễn Văn Tạo đang kiểm tra và sửa chữa lại những chỗ bị hư trên từng cây cầu.

Theo ông Trương Công Đài, Phó trưởng ban Tuyên giáo Đảng ủy phường Trảng Dài, 3 năm qua bà Cơ đã đóng góp hơn 300 triệu đồng để cùng với khu phố, phường làm đường bê tông tại các ngõ hẻm. Hàng năm bà Cơ còn tham gia rất tích cực trong các hoạt động từ thiện xã hội. Mỗi năm bà Cơ và gia đình đều đóng góp trên 100 triệu đồng để thực hiện các chương trình từ thiện, nhân đạo ở địa phương.

* Những lớp học miễn phí vì cộng đồng

Không có điều kiện đóng góp những khoản tiền lớn để xây dựng quê hương như bà Lâm Thị Cơ, nhưng thầy giáo Lý Trần Phú Hòa (Trường THCS Trà Cổ, xã Trà Cổ, huyện Tân Phú) và anh Lương Văn Phúc (ngụ ấp Bến Cam, xã Phước Thiền, huyện Nhơn Trạch, đang làm việc văn phòng tại Công ty TNHH Chemtrovina ở Khu công nghiệp Nhơn Trạch 2), đã tổ chức những lớp học miễn phí cho học sinh, đoàn viên thanh niên công nhân có nhu cầu học tập.

Với thầy Lý Trần Phú Hòa, đã 5 năm qua cùng với những giáo viên khác, thầy Hòa đã tổ chức lớp bồi dưỡng hè cho 30 học sinh mà không nhận tiền học phí. Thầy Hòa cho hay: “Tôi là giáo viên dạy Toán. Môn học này nhu cầu học thêm của các em rất lớn. Nhưng thấy nhiều em hoàn cảnh khó khăn, học lực chưa tốt nên tôi tham gia kèm cặp cho các em. Ngoài tôi, còn có giáo viên dạy tiếng Anh, Vật lý cũng tham gia”.

Riêng với anh Lương Văn Phúc, những lớp học ngoại ngữ (tiếng Anh, tiếng Trung, tiếng Nhật) miễn phí được tổ chức ngay tại nhà đã thu hút 30 công nhân cũng như người dân địa phương có nhu cầu học tập để nâng cao trình độ.

Theo anh Trần Hoàng Sự, Bí thư Huyện đoàn Nhơn Trạch, không chỉ là người tổ chức, duy trì lớp học miễn phí, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội Thanh niên Thiện Tâm, anh Lương Văn Phúc đã tập hợp thanh niên công nhân yêu thích công tác thiện nguyện với hơn 200 thành viên. Mỗi dịp lễ tết hay cuối tuần, chi hội đều thực hiện các công việc từ thiện, thăm hỏi các gia đình chính sách... nên được người dân hoan nghênh. Qua đó thể hiện hình ảnh đẹp của thanh niên trong mắt mọi người.

“Tôi và các thành viên trong chi hội đều mong muốn đóng góp công sức của mình cho xã hội. Qua đó để mọi người thấy rằng, người trẻ không vô cảm mà rất có trách nhiệm với cộng đồng”- anh Phúc chia sẻ.

Võ Tuyên

Trang báo được thực hiện với sự phối hợp của Ban Chỉ đạo phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa tỉnh.
Đồng Nai

© 2021 FAP
  639,875       7/899