Văn hóa

Mùa cưới

Gió se se, khí trời khô khô, lành lạnh, nắng sớm hanh hanh, thi thoảng nhặt được vài lá nhỏ vàng vương trên tóc là vào mùa cưới.

Mùa cưới, bước chân ra ngoài đường, gặp xe chú rể ngược xuôi đón cô dâu chuẩn bị cho một khởi đầu đầm ấm và hạnh phúc. Dù có vội đến mấy cũng phải ghé mắt nhìn và thấy rõ nụ cười từ đâu nở trên môi mình, để thấy lòng thêm vui.

Mùa cưới, người trẻ nghe trong lòng rạo rực, nôn nao: mùa này hay mùa sau, cưới ai, ai cưới, khi nào... Người đã qua lâu rồi thuở là nhân vật của mùa vui, gặp người trẻ sẽ nói chuyện ngày xưa, kiểu như truyền lại chuyện biết rồi cho người chưa biết, nhưng sâu thẳm trong lòng là nhớ, là thương, là biết ơn mùa cưới. Còn người già dẫu có chậm hơn, sâu lắng hơn nhưng niềm vui và sự đợi chờ chín hơn, thực tế hơn. Mong cho năm này nhà mình có thêm một người lớn, rồi qua năm, ước ao và nhất định sẽ có một thiên thần nhỏ bé dừng chân nơi khung cửa nhà mình, rồi cất tiếng cười, tiếng nói bi bô.

Mùa cưới, giả như ai đó có nói rằng mình dửng dưng, rằng lòng mình đã thành gỗ, đá thì hãy hiểu rằng đấy chỉ là một cách nói vì vẫn nghe trong đó thoáng chút ngập ngừng, bởi “Thêm một đêm trăng tròn, lại thấy mình trăng khuyết”.

Mùa cưới, tuần vài buổi lạc cơm nhà, có “hao” nhưng mà vui bởi được quây quần, để cảm nhận rõ hơn, gần hơn về hạnh phúc; để được nhắc về nhớ, về thương, về những kỷ niệm đã qua trong cuộc đời.

Bởi thế, người ta gọi dịp cuối năm là mùa cưới, mùa vui, mùa được đợi mong và chào đón!

Trâm Oanh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,663       2/854