Văn hóa

Đừng làm "lạnh lòng" các nhà khoa học

Mấy ngày nay, việc PGS.TS Bùi Hiền đưa ra đề xuất cải cách tiếng Việt theo hướng đơn giản hóa các phụ âm và thống nhất cách phát âm đã dấy lên sự tranh luận xung quanh việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt.

Điều đáng buồn, theo tôi, đó là đã có quá nhiều “gạch đá” ném một cách vô tội vạ mà không thèm suy xét, tìm hiểu đúng sai.

Tiếng Việt được giảng dạy một cách ổn định trong hệ thống giáo dục, không cần thiết phải cải tiến. (ảnh minh họa)
Tiếng Việt được giảng dạy một cách ổn định trong hệ thống giáo dục, không cần thiết phải cải tiến. (ảnh minh họa)

Trong lịch sử Việt Nam, đã có 3 loại văn tự được dùng để ghi chép tiếng Việt là chữ Hán, chữ Nôm và chữ quốc ngữ. Về nguồn gốc, chữ quốc ngữ của nước ta ra đời từ các linh mục dòng Tên người châu Âu, trong đó công lớn thuộc về linh mục Alexandre De Rhodes.

Các linh mục căn cứ vào cách phát âm rồi sắp xếp các ký tự la tinh “phiên” cho phù hợp với ngôn ngữ của người Việt thế kỷ 17. Sau đó trải qua gần 200 năm cải cách, chỉnh sửa, trong đó có những nghiên cứu cải cách quan trọng của Pigneau de Behaine thì chữ quốc ngữ mới đạt đến gần như hiện nay.

Mặc dù tiện lợi, dễ dàng hơn so với chữ Hán, chữ Nôm trước đó, nhưng nếu như không có sự kiện Pháp đánh chiếm nước ta, sau đó năm 1869 Phó đề đốc Marie Gustave Hector Ohier ký nghị định bắt buộc dùng chữ quốc ngữ thay thế chữ Nho trong hệ thống công văn, rồi năm 1910 chính phủ Pháp mở rộng chính sách dùng chữ quốc ngữ, đưa vào chương trình giảng dạy… thì chưa chắc chữ quốc ngữ đã có vị trí độc tôn như hiện nay.

Tuy vậy, thời gian đầu chữ quốc ngữ cũng bị “tẩy chay”, cho đó là sản phẩm của thực dân, mãi đến lúc các phong trào Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục cổ súy người dân học chữ quốc ngữ thì người Việt, nhất là tầng lớp sĩ phu - được hiểu là giới trí thức, mới thừa nhận chữ quốc ngữ.

Nhắc, để thấy việc cải cách chữ viết dù luôn là cần thiết, dù hướng đến tiện lợi, có ích nhưng chưa bao giờ là điều dễ dàng. Xưa, Tần Thủy Hoàng sau khi gồm thâu lục quốc đã từng sử dụng biện pháp hết sức bạo lực là đốt sách, chôn sống học trò vì muốn thống nhất chữ viết trên toàn lãnh thổ. Việc đổi chữ phồn thể của Trung Hoa cổ đại sang chữ giản thể để chữ viết đơn giản hơn, ít nét hơn và dễ nhớ hơn cũng là một cuộc “cách mạng” đầy máu và nước mắt trong lịch sử.

Trở lại công trình của PGS.TS.Bùi Hiền, đây là một nghiên cứu khoa học nghiêm túc được thực hiện trong hơn 40 năm với nhiều tâm huyết. Xét về mặt khoa học, đề xuất của PGS.TS Bùi Hiền sẽ “gỡ” được những khó khăn trong cách viết và đọc của tiếng Việt.

Ví dụ, sẽ bớt nhầm lẫn đối với các phụ âm, nhất là các phụ âm đôi (ng, ngh; k, kh; c, ch…); đồng thời cũng giúp thống nhất cách phát âm, hạn chế phát âm sai do đặc thù địa phương. Ví dụ, hiện nay người miền Bắc hay nhầm lẫn giữa d và r, gi và d; người miền Nam thì phát âm không chính xác giữa tr và ch… Nói nôm na, nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền giống như cách phiên âm quốc tế, người dân cả nước có thể nhìn vào chữ viết để phát âm cùng một cách và chính xác.

Tuy nhiên, một sự cải cách dù tiện ích đến đâu, đúng đắn đến đâu thì yếu tố đầu tiên cần có là phải mang tính xã hội. Nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền dù rất đáng trân trọng, nhưng nếu đem áp dụng sẽ gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với những người đã được học và mang theo thói quen sử dụng tiếng Việt như hiện nay sẽ rất khó để “làm quen” và thay đổi tư duy để chấp nhận tiếng Việt cải cách, nếu có ít nhất phải từ vài chục năm đến trăm năm.

Bên cạnh đó, phải sửa lại những “núi” tư liệu tri thức, văn bản giấy tờ, hồ sơ, sách vở… khổng lồ, đây gần như là “nhiệm vụ bất khả thi”, mà nếu không sửa chữa, hiệu đính thì vài trăm năm sau có khi con cháu chúng ta không thể đọc được tư liệu cũ vì hệ thống tiếng Việt trước đó đã biến thành “cổ ngữ”.

Rất nhiều, rất nhiều những hệ lụy kéo theo nếu như điều chỉnh, cải cách tiếng Việt mà chúng ta chưa thể hình dung ra được.

Quan trọng hơn, chữ viết của một dân tộc ngoài “nghĩa đen” là “minh họa” cách phát âm, còn mang cái vỏ vật chất văn hóa - xã hội của dân tộc đó. Chữ quốc ngữ hiện nay dù mới hình thành vài trăm năm nhưng chuyển tải biết bao giá trị văn hóa - xã hội.

Trước đây, văn hào Lỗ Tấn từng đưa ra đề nghị cải cách tiếng Hán nhưng cũng không thành công bởi cùng một ý nghĩa, đó là tiếng Hán dù cách viết quá khó học, khó nhớ nhưng chuyển tải văn hóa hàng ngàn năm của Trung Hoa.

Tôi cho rằng thay vì cải tiến tiếng Việt, điều cần làm hiện nay ngoài việc cổ động mọi người viết đúng chính tả, sử dụng đúng ngữ pháp và ngữ nghĩa tiếng Việt, Nhà nước cần thành lập một hội đồng để định kỳ cập nhật những từ mới phát sinh từ thực tế cuộc sống để làm giàu, phong phú thêm tiếng Việt. Bộ từ điển tiếng Anh Oxford hiện nay được hình thành chính là theo phương pháp này.

Đừng quên, trong khi nghiên cứu của PGS.TS Bùi Hiền mang tính khoa học thật sự thì “công trình” viết tiếng Việt theo ngôn ngữ teen với những từ: hok (không), bit (biết), thik (thích) hoàn toàn chẳng dựa vào quy luật nào của giới trẻ hiện nay mới chính là “làm nghèo” và rối rắm tiếng Việt.

Nghiên cứu không khả thi, khó áp dụng vào thực tế cuộc sống là một chuyện, nhưng hùa nhau “ném đá” đối với một công trình nghiên cứu đáng trân trọng, đối với một nhà khoa học đầy tâm huyết là điều không thể chấp nhận, thậm chí chỉ vì sự việc trên mà một số “anh hùng bàn phím” còn tiện tay dè bỉu, hoài nghi cả giới nghiên cứu khoa học, giới có học hàm, học vị.

Một sự hoài nghi, dè bỉu hoàn toàn không dựa trên căn cứ, cơ sở nào mà chỉ theo thói “a dua”, cảm tính cá nhân. Điều này sẽ không chỉ làm tổn thương, mà còn làm “lạnh lòng” những nhà khoa học.

PGS.TS Huỳnh Văn Tới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  639,953       8/900