Văn hóa

Chỗ đứng nào cho jazz trong thị trường âm nhạc Việt?

Chương trình The Band - Nhóm nhạc Việt đang phát sóng trên VTV3 với sự xuất hiện của 4 huấn luyện viên là: Đức Trí, Mỹ Linh, Phương Uyên và Nguyễn Hải Phong dù không nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, nhưng có thể nói đây là một điểm sáng trong các cuộc thi âm nhạc gần đây nhờ vào những màu sắc mới lạ.

Chương trình The Band - Nhóm nhạc Việt đang phát sóng trên VTV3 với sự xuất hiện của 4 huấn luyện viên là: Đức Trí, Mỹ Linh, Phương Uyên và Nguyễn Hải Phong dù không nhận được nhiều sự quan tâm của khán giả, nhưng có thể nói đây là một điểm sáng trong các cuộc thi âm nhạc gần đây nhờ vào những màu sắc mới lạ. Trong đây có nhóm nhạc Jazz Glory do ca sĩ Mỹ Linh dẫn dắt đang tạo được dấu ấn tốt, những liệu có đi xa trong thị trường nhạc Việt không?

Ca sĩ Mỹ Linh (ngồi giữa) với ban nhạc Jazz Glory.
Ca sĩ Mỹ Linh (ngồi giữa) với ban nhạc Jazz Glory.

Chúng tôi có cuộc trò chuyện với ca sĩ Mỹ Linh về jazz Việt về những ban nhạc Việt và cả về album Chat với Mozart II vừa phát hành.

 Cả Jazz Glory hay các ban nhạc khác đều lựa chọn những dòng nhạc chưa thật sự phổ biến với phần lớn khán giả, đặc biệt là khán giá trẻ. Với một người đã có nhiều trải nghiệm trong nghề, chị nhận thấy đâu sẽ là những thử thách và cơ hội cho nhóm trong thị trường âm nhạc Việt Nam?

- Đúng là ở Việt Nam, phong cách của Jazz Glory hay các ban nhạc khác trong nhóm của tôi chưa thực sự phổ biến. Nhưng nói cho cùng, ngay cả ở nước ngoài, world music là dòng nhạc mà Tritone đang theo đuổi, hay jazz của Jazz Glory đều là những dòng nhạc kén khán giả. Nó không thể nào đại chúng như nhạc pop, R&B... Bản thân nhạc pop đã có tính thời trang ở trong đó và đã là thời trang thì nhất định sẽ có tính ngắn hạn.

Để nói về thử thách hay cơ hội cho các bạn thì tôi nhận thấy thử thách sẽ nhiều hơn cơ hội. Để có được công chúng của riêng mình là một điều thực sự rất khó. Nhưng khi mà bạn đã có được khán giả của mình và bạn thực sự hay thì những khán giả đó sẽ theo suốt sự nghiệp của bạn. Họ sẽ trưởng thành cùng bạn và âm nhạc của bạn. Khi bạn lớn lên, âm nhạc của bạn cũng sẽ có nhiều trải nghiệm hơn, khán giả của bạn cũng trưởng thành hơn và họ cũng “chín” hơn cùng với âm nhạc của bạn. Điều này thực sự rất thú vị.

 Là người hướng dẫn cùng với ê-kíp chuyên môn, chị đã, đang và sẽ có những sự hỗ trợ gì để giúp các bạn tự tin hơn trên con đường phía trước?

- Điều đầu tiên chúng tôi giúp các em là giảm bớt sự lan man. Các em còn rất trẻ, nhiều năng lượng và cũng có rất nhiều ý tưởng. Điều này là rất quý với những người làm nghề. Nhưng khó khăn các em gặp phải là sự ngần ngại trong việc lựa chọn và đưa ra quyết định, thì đây chính là điều chúng tôi có thể giúp các em. Để giúp các em tự tin hơn, ê-kíp còn hỗ trợ các em phần phối khí.

Trong quá trình tập luyện, làm việc, chúng tôi truyền cảm hứng rất nhiều cho nhau. Tôi và chồng tôi nhận được rất nhiều năng lượng tích cực từ các bạn trẻ. Và tôi cũng tin là các bạn cũng nhận được điều gì đó qua những chia sẻ của chúng tôi. Tất nhiên là việc nghe và cảm nhận đến đâu còn tùy thuộc vào tâm thế của mỗi người, mỗi trưởng nhóm trong nhóm nhạc. Rõ ràng, trong khoảng thời gian dù không dài, tôi nhìn thấy các bạn chơi nhạc gắn bó hơn, chặt chẽ hơn.

 Nhìn nhận khách quan, phần lớn các nhóm nhạc Việt Nam hiện nay chưa có đủ nội lực bứt phá so với các ca sĩ đơn (solo) khác? Chị nghĩ đâu là lý do khách quan lẫn chủ quan?

- Đánh giá này không phải là không đúng. Đúng là các nhóm nhạc ở Việt Nam chưa thực sự được đánh giá cao như các ca sĩ đơn. Khách quan mà nói, các ca sĩ đơn họ có nhiều lựa chọn hơn và cơ hội để họ kiếm sống cũng dễ dàng hơn. Nội lực bứt phá, như cách anh dùng từ ở đây, họ cũng có nhiều điều kiện hơn. Bản thân nhóm nhạc đã là số nhiều rồi. Để tất cả các thành viên có cùng một tiếng nói chung đương nhiên là khó hơn, họ cũng cần có thời gian để trở nên gắn bó hơn.

Nhưng cũng có những cái lý do khác: thường để một ban nhạc tồn tại, chơi gắn bó được, họ phải có giọng điệu riêng. Và cái giọng riêng này phải thống nhất. Muốn vậy họ phải chơi với nhau rất thân, phải có cùng gu thẩm mỹ, thậm chí phông văn hóa cũng phải khá tương đồng. Đây là những lý do chủ quan mà theo tôi khiến cho họ khó bứt phá hơn so với các ca sĩ đơn.

 Nếu nói rằng việc chị lựa chọn Jazz Glory vì cảm được chất nhạc của họ khá tương đồng với phong cách âm nhạc mới của chị trong Chat với Mozart II vừa phát hành, liệu có phải là một nhận xét thỏa đáng không?

- Việc tôi lựa chọn Jazz Glory đi vào sâu vì cảm được chất nhạc của họ là đúng, nhưng để nói chất nhạc của họ tương đồng với chất nhạc của tôi trong Chat với Mozart II thì chưa phải là một nhận xét đầy đủ.

Nhưng rõ ràng là tôi cảm thấy sự tương đồng trong gu thưởng thức cũng như phong cách của Jazz Glory với những loại nhạc mà tôi thưởng thức nói chung, chứ không chỉ loại nhạc mà tôi đang theo đuổi và làm trong album Chat với Mozart II lần này. Chat với Mozart II, về cơ bản, đây là những giai điệu trong kho tàng âm nhạc cổ điển, thế nên nếu mà nói như vậy chưa phải là đầy đủ

 Vậy với kinh nghiệm của một người đã mang cổ điển gần hơn đến khán giả nghe nhạc Việt Nam qua Chat với Mozart I từ 12 năm trước, chị sẽ làm gì để mang jazz đến gần với khán giả trẻ thông qua Chat với Mozart II?

- Tôi cũng không giấu giếm, việc mang album Chat với Mozart II với màu sắc jazz blues đến gần với các bạn trẻ là một ao ước, kỳ vọng của chúng tôi. Tôi sẽ cố gắng mang những gì mà chúng tôi hiểu biết được thông qua Ban nhạc Việt, để đưa album Chat với Mozart II tới gần hơn với các bạn trẻ.

Tôi đang nghĩ đến việc mời Jazz Glory tham gia trong liveshow xuyên Việt của tôi. Có thể các bạn sẽ biểu diễn trong phần mở đầu chẳng hạn, để làm cho khán giả nóng lên, cởi mở hơn. Tại sao không nhỉ, đấy là một ý tưởng rất đáng để thực hiện. Và không chỉ có Jazz Glory, mà trong chương trình The Band - Nhóm nhạc Việt còn nhiều nhóm nhạc khác mà tôi cũng cảm thấy rất thu hút. Tôi sẽ rất chú ý đến họ để tìm các cơ hội cộng tác sau này.

 Xin cảm ơn chị!

Như Lê (thực hiện)

Đồng Nai

© 2021 FAP
  637,271       2/1,008