Văn hóa

Gập ghềnh con đường hoàn lương…

Ngày 28-1, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ ra mắt vở diễn Sài Gòn có một ngã tư. Ở đó, có những mảnh tình của người, ở có còn có nỗi đau thân phận của những người lỡ sa chân vào bùn đen muốn hoàn lương…

Ngày 28-1, sân khấu kịch Hoàng Thái Thanh sẽ ra mắt vở diễn Sài Gòn có một ngã tư. Ở đó, có những mảnh tình của người, ở có còn có nỗi đau thân phận của những người lỡ sa chân vào bùn đen muốn hoàn lương…

Hoàng Vân Anh (vai Thanh - ở giữa) trong vở Sài Gòn có một ngã tư. Ảnh: Gia Tiến
Hoàng Vân Anh (vai Thanh - ở giữa) trong vở Sài Gòn có một ngã tư. Ảnh: Gia Tiến

* Phận đời sau những hối hả

Sài Gòn có một ngã tư (tác giả: Nguyễn Thị Minh Ngọc - Hoàng Thái Thanh, đạo diễn: NSƯT Thành Hội) được cảm tác từ truyện ngắn Ừ đi. Ừ! của nhà văn Trần Kim Trắc.

Truyện ngắn Ừ đi. Ừ! được đạo diễn Thành Hội phát hiện đầu tiên. Thấy truyện có ý hay nên Hoàng Thái Thanh đã xin phép nhà văn Trần Kim Trắc để cảm tác thành kịch bản Sài Gòn có một ngã tư. Với thái độ làm việc nghiêm túc của mình, vở kịch đã có một hơi thở khác so với tác phẩm gốc ban đầu.

Vở lấy bối cảnh ở một xóm “ngã tư quốc tế” luôn ồn ào, náo nhiệt. Trong cái xóm lao động đó tập trung đủ hạng người dưới đáy của xã hội. Có cô Thanh làm nghề hốt rác, anh Nhành đấm bóp giác hơi dạo,  ông Thông đạp xe ba gác, bà Tám Nở bán cà phê, anh hớt tóc Thời, thầy Hai Tú tài, cô Lựu sương sa… Sáng nào, “trung tâm” cũng là quán cà phê bà Tám Nở, nào là chuyện thời sự trên trời dưới đất, cũng có khi tị hiềm, xéo xắt nhau giành chỗ buôn bán làm ăn. Có lúc cười hề hề nhưng lát sau lại cự cãi nhau, không bằng lòng là nói thẳng mặt chớ chẳng để trong lòng mà ghim gút.

Cái xóm đó tưởng phức tạp nhưng hóa ra lại giản đơn nếu bắt gặp được chân tình. Thì đó, khi một ngày ông Sáng mù lạc bước vào xóm. Chuyện vầy: ông Sáng dùng tiếng đờn của mình để mưu sinh nuôi con khôn lớn, khi con trai lập gia đình, vợ chồng nó quay qua khinh người cha đờn hát, ăn xin, vậy là nó lừa bỏ ông ở xóm lạ. Ông Sáng tuy mù nhưng rất minh mẫn, ông biết đường về nhưng đau lòng con cái nên buồn bã xin tá túc ở xóm nghèo. Chứng kiến câu chuyện bất nhẫn đó, mỗi người ở cái ngã tư quốc tế đó xúm nhau cho ông ít đồ dùng, giúp cho ông miếng cơm, bình nước, dọn cho ông chỗ ở tạm gần bô rác, nơi cô Thanh cũng đang nương náu.

Rồi khi ba của cô Lựu sương sa bệnh nặng, cần tiền mổ gấp, cái xóm nghèo cũng kháo nhau, người góp chút đỉnh phụ gia đình Lựu. Vậy đó, người Sài Gòn không “thảo mai”, những con người bề ngoài xù xì vậy nhưng gặp cơn nguy khó, chân tình sẽ nở hoa…

* Lối về nào dễ

Bên cạnh những hình ảnh tình người ấm áp của Sài Gòn, Sài Gòn có một ngã tư còn làm người ta đau đáu về những phận người lầm lạc và lối về nào giản đơn.

Thanh mồ côi mẹ từ bé, theo cha lưu lạc đờn hát, ăn xin. Năm 11 tuổi, ba qua đời, cô bé bơ vơ và bị gạt vào chốn lầu xanh “làm gái”. Được bà Tám Nở khuyên, Thanh tìm cách bỏ được công việc nhơ nhuốc ngày ngày hốt rác quanh xóm và sống nương nhờ ở bô rác nhếch nhác.

Thanh cảm mến và yêu Nhành nhưng ông Thông (ba Nhành) phản đối quyết liệt. Ông tuyên bố không cho con lấy “thứ gái làm vợ khắp thiên hạ, lấy về xấu hổ tông môn họ hàng”.

Những cô gái như Thanh trong xã hội không thiếu. Nghịch cảnh đẩy đưa phải sa vào chốn bùn nhơ. Nhưng được bao nhiêu người bản lĩnh đối diện số phận và dũng cảm làm lại cuộc đời?

Sài Gòn có một ngã tư đã có những góc nhìn nhân văn về những mảnh đời khiếm khuyết. Khiến người xem đôi lúc chột dạ: phải chăng có một lúc nào đó mình đã vô tình trở nên ác nghiệt? Phải chăng vì sự vô tình của mình mà đôi lúc đường trở về của người lầm lỗi quá gập ghềnh và thậm chí là xa vời?

Xem để ngẫm và điều chỉnh hành động đúng giữa con người với con người. Đặc biệt là những người có quá khứ đặc biệt. Cần lắm những cánh tay của người tốt để họ sống lương thiện và hướng thiện hơn. Và như vậy, chúng ta đã cùng chung tay xây dựng một xã hội tốt đẹp, yên bình, đầy tình yêu thương nhân loại…

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  792,563       1/1,011