Văn hóa

Bưởi tết

Tháng Chạp về cũng là lúc quê tôi vào mùa thu hoạch bưởi tết.

Bưởi sum suê trái, hương bưởi mới lìa cành thơm thoang thoảng, từ Tân Triều ra sông Đồng Nai.

Được sông Đồng Nai ôm trọn vào lòng bồi đắp phù sa, cung cấp nhiều dưỡng chất càng làm quả bưởi căng tròn. Bưởi quê tôi có múi vàng, tép to, vị ngọt thanh, mọng nước, khi ăn có vị ngọt lành, mát dịu, không đắng nên nức tiếng gần xa.

Mùa quả chín, nhà vườn quê tôi chọn những quả đẹp nhất chưng lên bàn thờ tổ tiên như để nhớ đến công lao của cha ông từ thuở mở đất lập làng. Năm nào cũng vậy, bà nội tôi ra tận vườn và cho cha tôi bẻ những quả bưởi thật to để chưng lên bàn thờ ông tôi. Trái cây vườn nhà là sự kết tinh của một năm chăm sóc vun trồng, vì thế bà nội tôi nâng niu lắm. Không biết có phải bà đang nhớ về ông của những ngày gian khó, dầm mưa dãi nắng bên mảnh vườn xưa cho những gốc bưởi tốt tươi.

Với tôi, hương bưởi vườn nhà thấm vào ký ức mình bằng những món ăn của bà, của mẹ, dành cho từ ngày thơ ấu cho tới lúc trưởng thành. Mỗi mùa trái chín, món chè bưởi không thể thiếu với những đứa trẻ ở miền quê này và hương bưởi còn sót lại trong những cái chén hết trơn thòm thèm, tiêng tiếc. Các bà các mẹ thì thích món mứt bưởi, gỏi bưởi ngày tết, các chú các anh thì đắm say với rượu bưởi...

Vườn bưởi với hương thơm bình dị của hoa nở đầu mùa hay khi những trái chín lìa cây là hình ảnh quen thuộc, thân thương khi nhớ đến quê nhà. Nhớ những múi bưởi ngọt mát trong những ngày chuyển sang mùa khô, quên sao được món chè bưởi vẫn mãi ngọt ngào trong đầu lưỡi và màu hoa trắng theo tháng năm trôi đã in hằn lên mái tóc nội...

Cuộc sống luôn tất bật với những vất vả lo toan, nhưng vườn bưởi quê tôi dường như mùa xuân đến sớm hơn trong cảnh tất bật của mọi người. Bưởi tỏa đi muôn ngả trên những nẻo đường về quê ăn tết, muôn nơi về sum họp...

Hoàng Trường

Đồng Nai

© 2021 FAP
  792,703       1/1,014