Văn hóa

Sợ đàn bà vẫn rất thích được yêu

Nhân Ngày Tình nhân 14-2 năm nay, Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ ấn hành ấn phẩm Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc của nhà thơ Lê Minh Quốc. Cuốn sách này được viết bằng tất cả kinh nghiệm tình trường mà ông nhà thơ gần 60 tuổi này đã trải qua với tất cả sự hạnh phúc và nhiều vết thương lòng.

Nhân Ngày Tình nhân 14-2 năm nay, Nhà xuất bản Văn hóa văn nghệ ấn hành ấn phẩm Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc của nhà thơ Lê Minh Quốc. Cuốn sách này được viết bằng tất cả kinh nghiệm tình trường mà ông nhà thơ gần 60 tuổi này đã trải qua với tất cả sự hạnh phúc và nhiều vết thương lòng.

Nhà thơ Lê Minh Quốc và tác phẩm Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc.
Nhà thơ Lê Minh Quốc và tác phẩm Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo chia sẻ với Lê Minh Quốc khi đọc cuốn sách này: “Hạnh phúc, hai tiếng ngọt ngào ấy, không khoảnh khắc nào lại không vang lên trên khắp thế giới này. Nhưng Hạnh phúc là gì mà ai cũng khao khát và cầu mong thế? Có hàng tỷ định nghĩa về Hạnh phúc. Chắc bạn, ít nhất cũng đã từng hơn một lần định nghĩa về Hạnh phúc. “Hạnh phúc là có việc gì đó để làm, người nào đó để yêu, và có điều gì đó để hy vọng”. “Hạnh phúc không phải là được rất nhiều người yêu, mà là được một người yêu rất nhiều”… Nhưng nói chung, Hạnh phúc là trạng thái cảm xúc khi người ta có được, đạt được cái gì đó làm thỏa mãn mong muốn của mình”.

Nhưng làm thế nào để có hạnh phúc? Một câu hỏi có rất nhiều câu trả lời khác nhau. Đó là biểu hiện muôn màu muôn vẻ của đời sống không bao giờ là đơn giản. Và mỗi người muốn có được hạnh phúc cũng không hề giản đơn.

Sau các tập sách cùng chủ đề đã in, như: Gái đẹp trong tôi, Tôi và đàn bà, Khi tổ ấm nhảy Lambada, Tình éo le mà lý oái oăm, Tình ta đang nhảy Rock, nay Lê Minh Quốc lại có thêm Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc vẫn như một cẩm nang “tháo ngòi nổ” cho quả nổ đang nấp rình đâu đó có nguy cơ phá vỡ Hạnh phúc trên hành trình của yêu thương.

Từ những câu chuyện “thất hứa” đến chuyện “lục đục trong phòng ngủ”. Từ việc “tặng quà” phải tâm lý như thế nào đến việc “thần khẩu hại xác phàm”. Từ cách “nịnh đầm” không khéo lại hóa “gậy ông đập lưng ông” đến cách “nói thật” cũng đâu phải dễ. Từ chuyện “lục đục nội bộ” đến sau những phút giây “ngoài chồng ngoại vợ”… đều được tác giả khai thác, phân tích và hóa giải một cách thấu đáo và hóm hỉnh.

Thì ra những chuyện thường nhật, đôi khi nhỏ xíu lại có sức mạnh của nguyên tử. Lê Minh Quốc đã dùng kính vạn năng soi chiếu vào đấy và nhìn thấy tận đáy của bản chất. Để mách người, để răn người, để khuyên người hay là để nhắc nhở với chính mình như những kinh nghiệm phải trả học phí bằng sự trải nghiệm vô thường. Và anh đã tìm cách lý giải được câu hỏi mà người đời đặt ra cho chính mình: “Có khi hạnh phúc đang ở ngay dưới chân mình, nhưng anh có đủ can đảm để cúi xuống nhặt nó lên hay không”.

Nguyễn Trọng Tạo nhận xét: “Tôi đã đọc cuốn sách này với rất nhiều hứng thú, bất ngờ, khám phá thêm nhiều trạng huống éo le hay đơn giản trong tình yêu, hôn nhân hay cuộc sống gia đình, cơ quan, bè bạn. Dù chưa phải là tất cả, nhưng 57 tạp bút được lựa chọn ở đây cũng cho ta cả một đời sống tâm lý thật phong phú, để ứng xử khôn ngoan và lễ độ cùng Hạnh phúc. Và mời bạn hãy đọc cuốn sách này, Thật tuyệt, tình ta thôi trúc trắc. Tôi tin, bạn sẽ thấy mình trong đó”.

Ít người biết Lê Minh Quốc rất sợ đàn bà nhưng vẫn không thể sống thiếu họ. Ông viết loạt sách cùng chủ đề để “luận” và “giải thích” cho “nỗi sợ đàn bà” của mình. Lê Minh Quốc “tự thú” về nỗi sợ ấy rất… thật thà: “Chẳng có gì phải giấu giếm, bình sinh tôi là người nhút nhát, ngay từ lúc oa oa chào đời đã… sợ đàn bà. Thuở nhỏ, sống trong nhà thì sợ mẹ, sợ chị; đến trường sợ cô giáo; lên đại học sợ bạn gái và người yêu. Khi đi làm kiếm sống, trời ơi, ròng rã gần 30 năm, tôi chỉ làm việc dưới quyền của sếp nữ”.

Những ai biết về cuộc sống riêng tư của nhà thơ này đều có thể khẳng định: “Lê Minh Quốc làm người tình rất thành công, được rất nhiều quý bà, quý cô yêu thích. Nhưng Lê Minh Quốc lại là kẻ thất bại trong cuộc sống gia đình”. Chính anh thừa nhận: “Tôi thất bại não nề và cay đắng”. Tất cả trải nghiệm về tình yêu đó đều được Lê Minh Quốc chia sẻ trong cuốn sách này.

Như người đàn ông khóc thống thiết nói với đấng Twashtri: “Ngài ơi! Tôi không thể nào sống chung được với nó”. Đấng Twashtri trả lời: “Mi không sống được với nó, nhưng mi cũng không thể sống thiếu nó”. Hóa ra, Lê Minh Quốc cũng giống như câu trả lời của đấng Twashtri, anh vừa sợ nhưng không thể trốn tránh nỗi sợ của chính mình, thậm chí còn “yêu nồng nàn” nỗi sợ đó nữa.

Hòa An

Đồng Nai

© 2021 FAP
  792,053       7/1,033