Văn hóa

Tết quê

Tết quê dung dị mộc mạc làm cho những người con xa quê luôn ngóng đợi tết về.

Năm nào cũng thế, vừa bước sang tháng Chạp mọi người đều tất bật  trang hoàng dọn dẹp nhà cửa chuẩn bị dần các thứ cho ngày tết như: chăm sóc các mộ phần, bày biện bàn thờ tổ tiên cho thật trang trọng, vun gốc cho những cây mai, cây cúc, ngắt lá mai, phơi củ kiệu, muối dưa hành, nhổ cỏ, quét sân, giặt mùng mền chiếu gối, làm mứt tết… Mệt nhưng ai cũng thấy vui, tiếng nói cười rôm rả cả xóm làng.

Bọn trẻ háo hức đợi tết về vì được cha mẹ mua cho quần áo đẹp, ăn những món ăn ngon, bánh tét, bánh ú, bánh bông lan, càri gà, thịt kho nước dừa, bánh dẻo, hạt dưa. Uống những loại nước ngọt xanh đỏ và bao nhiêu loại mứt tết, rồng rắn kéo nhau đi chúc tuổi người lớn và những bao lì xì ông bà.

  28, 29 tết, gà trưa gáy sáng đã thấy mẹ cùng các bà, các chị đãi đậu xanh, vo gạo nếp, đậu xanh vàng tươi, thịt ba chỉ trắng hồng, lá bánh phơi héo lau bóng lưỡng, dây lạt tước từ thân chuối tươi. Từng chiếc bánh tròn buộc chặt đẹp mắt được bàn tay khéo léo của của các bà, các cô gói cẩn thận đêm xuống từ ngọn lửa dưới nồi bánh tét xanh đang bập bùng cháy sáng ấm áp ùa về rồi tỏa hương thơm…

Tết không chỉ là dịp để nghỉ ngơi sau một năm làm việc vất vả mà tết còn là một lễ hội ghi đậm bản sắc văn hóa và bề dày lịch sử. Bởi sự gắn kết cộng đồng, phong tục truyền thống tốt đẹp, với bạn bè thân hữu, sự hiếu kính của con cháu đối với tổ tiên, ông bà, cha mẹ. Hương vị ngày tết quyện vào nhau  chẳng thể nào quên được.

Hoàng Trường

Đồng Nai

© 2021 FAP
  636,922       1/1,001