Văn hóa

Không gian văn hóa đón bạn đọc thông minh

Đúng dịp diễn ra Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần X, rất nhiều hoạt động văn học khác từ Đường sách TP.Hồ Chí Minh và Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh đã tạo nên sức sống văn hóa thực sự, thu hút hàng triệu lượt độc giả tới tham dự.

Giao lưu “Sưu tập - thú chơi của người phong lưu” sáng 25-3.
Giao lưu “Sưu tập - thú chơi của người phong lưu” sáng 25-3.

Hội sách TP.Hồ Chí Minh lần X vừa kết thúc có doanh số đạt 60 tỷ đồng, tăng hơn 20% so với lần trước. Hàng triệu độc giả đã đến Công viên Lê Văn Tám, sung sướng với không gian dành cho sách cùng hàng trăm hoạt động xoay quanh 30 triệu bản sách. Trên toàn thành phố có thêm rất nhiều hoạt động phối hợp, ủng hộ chủ đề sách càng khiến cho không gian văn hóa đọc trở nên thực sự sống động.

* Độc giả thông minh hơn

Ngoài những cuốn sách “hot” có tác giả để trò chuyện trong các sự kiện tại hội sách, như: giao lưu ký tặng bạn đọc của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh; giao lưu và ra mắt sách Những mảnh Sử rời của nhà nghiên cứu Phạm Hoàng Quân; giao lưu và ra mắt sách Sài Gòn ngọt từ da thịt ngọt ra của nhà văn Phan Hoàng…, còn rất nhiều dòng sách được bạn đọc tìm kiếm chọn mua.

Cũng trong tuần lễ từ ngày 19 đến 25-3, tại quán sách Mùa Thu có triển lãm trưng bày bức vẽ chân dung học giả Vương Hồng Sển được thực hiện bởi họa sĩ Tạ Tỵ trên chất liệu màu nước, vẽ năm 1965. TP.Hồ Chí Minh đã thật sự tạo nên sức sống cho sách, tôn vinh các giá trị vĩnh hằng của tri thức, giá trị nhân văn của văn hóa đọc, đồng thời kết nối các giá trị đó với đời sống hiện tại.

8 năm, 3 lần ra mắt sách “bom tấn” của cùng tác giả Dan Brown và đều cùng vào tháng 3: Biểu tượng thất truyền ra mắt ngày 19-3-2010, Hỏa ngục ngày 18-3-2014 và Nguồn cội ngày 17-3-2018. Cả 3 bản dịch Dan Brown của dịch giả Nguyễn Xuân Hồng đều trở thành các cuốn sách bán chạy tại hội sách.

Với những tác giả có sách bán tốt trên toàn thế giới như Dan Brown, có lẽ điều này không khó hiểu. Nhưng có một số quyển sách chỉ mới vừa ra mắt trong tháng 3 mà đã trở thành sách bán chạy tại hội sách, trong khi đơn vị sản xuất chẳng hề sử dụng bất cứ “chiêu” truyền thông nào. điều đó chứng tỏ rằng bạn đọc đã nâng trình độ đọc lên khá cao, tự cập nhật kiến thức về sách và biết chọn mua đúng những cuốn sách mình cần chứ không phải đợi đến hội chợ rồi mới đi dạo ngó nghiêng xem có gì hay thì mua.

Một trong những cách thức bán hàng mới cũng tạo được thiện cảm trong mắt người mua và góp phần tăng cao doanh số của hội sách là các app (ứng dụng trên điện thoại di động thông minh), điển hình là app của Công ty phát hành sách Fahasa. Nhân viên hỗ trợ rất chăm chú quan sát và gợi ý, hướng dẫn tận tình để khách làm quen với việc mua sách qua app, vừa tiện dụng vừa tiết kiệm tiền hơn hẳn vì nhận được chiết khấu cao hơn.

“Số lượt người đến tham gia hội sách tăng không nhiều, nhưng số lượng sách được mua tăng cao, chứng tỏ các đầu sách được xuất bản và trưng bày tại hội sách đã đáp ứng đúng nhu cầu khách hàng. Các gian hàng có sự đầu tư trang trí đặc sắc, có chương trình truyền thông và khuyến mãi tốt, có hàng hóa phong phú, chất lượng đều đạt doanh thu cao” - ông Dương Văn Hiền, Tổng giám đốc Công ty văn hóa Sài Gòn, nhận định.

* Vinh danh người thơ và thú chơi tao nhã

Sự thành công của Hội sách TP.Hồ Chí Minh được các chuyên gia coi như hợp điểm và là không gian đặc biệt của văn hóa đọc. Cùng thời gian diễn ra hội sách, sáng 24-3, tại Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật TP.Hồ Chí Minh vừa diễn ra lễ kỷ niệm 100 năm ngày sinh của thi hào Nguyễn Bính. Hàng trăm nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, nhà nghiên cứu cùng rất đông học sinh, sinh viên, độc giả đã lặng người thưởng thức những vần thơ “chân quê”. Nhà thơ Nguyễn Bính Hồng Cầu - con gái của cố thi sĩ - xúc động cảm tạ nhạc sĩ 82 tuổi Trương Tuyết Mai đã hát thơ Nguyễn Bính, nhà thơ Trần Mai Hường đọc Lỡ bước sang ngang đầy nước mắt; nét đẹp trong trẻo mang tới từ nhóm múa minh họa cho thơ của học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong...

Có mặt tại chương trình kỷ niệm, nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Phó chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, kể: “Trên con đê dẫn về làng Chùa của mình, trên chiếc xe hơi hiện đại bỗng vang lên những câu thơ của Nguyễn Bính: “Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay/ Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy…”. Mưa xuân đang bay và hoa xoan nở tím ở cái thời của iPhone, Facebook và đồ ăn nhanh… Trở về với cố hương, trở về với cội nguồn dân tộc là trở về với những gì giản dị, yêu thương, trong sáng, ấm áp và an toàn nhất; trở về với cái đẹp thuần Việt đã làm nên đời sống văn hóa Việt”.

PGS-TS. Nguyễn Thị Minh Thái nhận định: “Thơ Nguyễn Bính có cả một thế giới buồn thương, khởi sinh từ thân phận bi kịch của phụ nữ Việt. Nguyễn Bính không chỉ là thi nhân viết về họ, ông lặn ngụp, chìm sâu vào thế giới ấy, xuống tận đáy đau buồn… khắc cốt một kiểu nhân vật trữ tình riêng, độc đáo và lộng lẫy…”.

Suốt 1 tuần liền, tại đường sách diễn ra triển lãm các bộ sưu tập độc đáo, và sáng 25-3 các nhà sưu tập đã tụ hội giao lưu, trao đổi về thú chơi tao nhã nhưng đầy kỳ công của những con người phong lưu. Các chuyên gia cho biết việc bảo tồn, lưu giữ sách rất khó vì chất liệu giấy quá mỏng manh, nhất là với thời đại càng lúc càng nhiều ấn bản giấy như hiện tại.

Sách xưa được mang tới từ bộ sưu tập của nhà sưu tầm Nguyễn Ngọc Hoài Nam là những tác phẩm của Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của được in từ cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20 - nguồn tư liệu quý về chữ quốc ngữ thời bấy giờ. Một trong số những cuốn sách quý là Kim Vân Kiều tân truyện (xuất bản năm 1884-1885) từng có mặt trong bộ sưu tập của nhà nghiên cứu Vương Hồng Sển. Bản tiếng Pháp của Kim Vân Kiều tân truyện được Abel des Michels dịch, Ernest Leroux xuất bản tại Paris năm 1884 đã đánh dấu lần đầu tiên Truyện Kiều của Nguyễn Du bước ra khỏi không gian văn hóa Việt. Từ đó đến nay đã hơn 130 năm, trong lịch sử tiếp nhận Truyện Kiều vẫn là một cột mốc đáng kể.

Hòa Bình

Đồng Nai

© 2021 FAP
  790,708       2/1,030