Văn hóa

Dân tộc tại chỗ ở Đồng Nai

Trong số các cư dân của Đồng Nai xưa, có 4 dân tộc được xác định là dân tộc tại chỗ, có mặt từ rất lâu đời gồm: Chơro, Mạ, S'tiêng và K'ho. Trong đó, 2 dân tộc Chơro, Mạ được đánh giá có nền văn hóa riêng, đặc sắc và có tác động nhất định đến không gian văn hóa vùng Đông Nam bộ.

Trong số các cư dân của Đồng Nai xưa, có 4 dân tộc được xác định là dân tộc tại chỗ, có mặt từ rất lâu đời gồm: Chơro, Mạ, S’tiêng và K’ho. Trong đó, 2 dân tộc Chơro, Mạ được đánh giá có nền văn hóa riêng, đặc sắc và có tác động nhất định đến không gian văn hóa vùng Đông Nam bộ.

Người Chơro Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài.
Người Chơro Lý Lịch (xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) biểu diễn cồng chiêng ở nhà dài.

Trong lịch sử phát triển, dân tộc Chơro là lớp cư dân cư trú từ xa xưa ở vùng đồi núi thấp phía Nam, chủ yếu sinh sống tập trung ở khu vực miền Đông Nam bộ. Theo số liệu điều tra, người Chơro ở Đồng Nai hiện chiếm 56,5% tổng số người Chơro trong cả nước, cao nhất so với các tỉnh, thành trong khu vực (Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Thuận, TP.Hồ Chí Minh, Bình Dương). Còn người Mạ chủ yếu sinh sống tại tỉnh Lâm Đồng - trước đây gọi là vùng Đồng Nai Thượng (chiếm tỷ lệ gần 80%), số còn lại ở Đắk Nông (14,4%) và Đồng Nai, sinh sống tập trung ở 2 huyện Định Quán và Tân Phú. Cả 2 dân tộc đều thuộc ngữ hệ Nam Á, nhóm ngôn ngữ Môn - Khmer.

* Tín ngưỡng tâm linh đặc sắc

Trong Địa chí thành phố Hồ Chí Minh, nhiều học giả có sự đánh giá về tác động của văn hóa tộc người Mạ - Chơro và nhận định ngay cả vùng Sài Gòn xưa cũng thuộc phạm vi không gian văn hóa xã hội của nhóm cư dân này. Theo sách Các dân tộc ít người ở Việt Nam, tên tự gọi của dân tộc là Chrau - Jro, trong đó Chrau có nghĩa là nhóm người, hay tập đoàn người. Tộc danh Chrau Jro còn gắn liền với tên gọi một giống lúa nước cổ truyền mà đồng bào rất thích gieo trồng. Tương tự, cộng đồng người Mạ tự nhận là Cau Mạ (Cau đọc thành Chau, có nghĩa là người, còn Mạ có thể là một phương thức sinh hoạt kinh tế của người làm rẫy).

Người Mạ và Chơro có tín ngưỡng thờ đa thần theo quan niệm “vạn vật hữu linh”. Những hiện tượng thiên nhiên, sự vật trong môi trường sống đều có linh hồn, thần linh thuộc về thế giới siêu hình, có khả năng chi phối đến đời sống con người. Vì thế, người Mạ có hệ thống thần linh mà cao nhất là Yang N’du - vị thần tạo ra thế giới; bên dưới là các vị thần: Yang Koi (thần lúa), Yang Bri (thần rừng), Yang Dah (thần nước), Yang Bơnơm (thần núi…). Hàng năm người Mạ có các lễ cúng quan trọng là cúng thần núi và thần lúa. Theo quan niệm của người Mạ, con số 7 có tính chất là sự vẹn toàn, thể hiện sự tốt lành. Người Chơro thì có lễ hội cúng thần lúa (Ốp Yang Vá, sau này gọi là Sa Yang Va).

Cả dân tộc Mạ lẫn Chơro đều không có chữ viết nên lịch sử được truyền miệng trong cộng đồng, qua nhiều thế hệ. Một số “chuyện đời xưa” của người Mạ đề cập đến thần K’Boong tạo nên mặt đất với trái bầu và 3 cái gùi chứa đựng những yếu tố để dựng nên thế gian và sự sống của loài người. Truyện kể Mạ cũng nhắc đến những tổ tiên ban đầu là Paang Kha và Paang Khem “chui ra” từ các bụi cây; 3 người phụ  nữ sinh ra các giống loài con người, trong đó Ka Grum sinh ra Kon Chau (nhóm người Thượng, trong đó có người Mạ), Ka Grúp sinh ra Kon Grum  (người Chăm) và Ka Grau sinh ra Kon Yoan (người Kinh).

Người Chơro thì có các chuyện kể về phân bố địa bàn sinh sống. Theo đó, 3 người phụ nữ trong tộc bị lạc nhau, đi về 3 hướng để sinh sống từ đó hình thành cộng đồng gồm: Pôprưng (từ suối Tambung quay ngược đến xã Túc Trưng, huyện Định Quán), Pốptoi (khu vực ấp Lý Lịch, xã Phú Lý, huyện Vĩnh Cửu) và Pôplau (vùng đất từ Gia Huynh đến Trảng Táo, nay thuộc huyện Xuân Lộc).

Giống như nhiều dân tộc thiểu số khác, cách thức tổ chức cư trú truyền thống của người Mạ theo từng buôn (bon), còn người Chơro là làng (plây). Già làng (kwang bon, hoặc voq plây, tức chủ làng) có vị trí rất quan trọng, thường là người lớn tuổi, có uy tín, hiểu biết và được cộng đồng kính trọng. Trước đây người Chơro theo chế độ mẫu hệ, thể hiện qua việc đặt tên con theo họ mẹ, quyền thừa kế tài sản thuộc về con gái…

Kiến trúc nhà ở của người Mạ và Chơro là nhà sàn bằng vật liệu sẵn có như: gỗ, tre, mây, độ dài ngắn của nhà tùy thuộc vào gia chủ. Trong gia đình có thành viên lập gia đình thì nhà dài được nối tiếp về phía Tây, trước đây có những ngôi nhà sàn dài đến 100m. Điểm khác biệt so với các dân tộc khác là vách nhà của người Mạ, Chơro thường vát nghiêng từ sàn lên mái. Khi bắt đầu làm nhà, già làng đào một hố nhỏ để chôn cột chính, trong hố bỏ một vài cục than hồng rồi mới trồng cột lên, với ý nghĩa than hồng làm ấm áp ngôi nhà đồng thời là dạng “chú yếm” để ma quỷ không xâm nhập.

Gạo là lương thực chính của người Mạ và Chơro. 2 dân tộc này cũng có tập quán nấu cơm trong ống tre lồ ô (cơm lam, tiếng Chơro là piêng đinh), thuận lợi cho môi trường sống trong rừng nhiều ngày khi đi làm rẫy hoặc săn thú. Gạo nếp thì được nấu thành xôi hay làm bánh dày (piêng puh) trong các dịp lễ tiết. Người Mạ và Chơro cũng ăn lương thực phụ là khoai mì, bắp, củ nần, củ chụp. Về thực phẩm, người Mạ và Chơro khai thác chủ yếu từ môi trường xung quanh như: cá suối, cá sông, ốc, tôm tép, thịt rừng, rau rừng các loại (rau má, rau nhíp, rau dền, đọt rau lang, mướp, bí, bầu, măng, đọt mây) được chế biến đơn giản bằng cách luộc, nấu canh, nướng.

Người Mạ và Chơro cũng có tập quán chế biến rượu cần để uống và sử dụng trong lễ tiết, lễ hội; là lễ vật dâng lên thần linh và phương thức bày tỏ lòng mến khách. Rượu cần chế biến từ gạo nấu thành cơm, trộn thêm trấu bổi và men rượu làm từ lá, vỏ và rễ một số loại cây rừng (lá cây Gàng, lá cây Vlân, vỏ cây Ktờram…). Theo già làng Năm Nổi ở làng Chơro ấp Lý Lịch, có đến 37 loại lá, vỏ, rễ cây để làm men rượu cần. Nguyên liệu chế biến rượu cần được cho vào ché sành, ủ trong một vài tháng. Khi uống rượu cần thì đổ nước vào ché, hút bằng cần (làm từ ống trúc nhỏ).

* Đời sống văn hóa phong phú

Trang phục truyền thống của người Mạ và Chơro khá đơn giản: đàn ông mặc khố, phụ nữ mặc váy, tất cả đều ở trần, trời lạnh thì khoác thêm tấm chăn trần (sau này nam nữ đều mặc áo). Ban đầu, y phục được làm từ vỏ cây rừng lành tính không có độc, đem đập giập, phơi khô rồi kết lại bằng các sợi dây. Sau này, phụ nữ Mạ và Chơro biết xe sợi, dệt vải thổ cẩm và may quần áo. Thổ cẩm của người Mạ lấy màu trắng làm chủ đạo, còn người Chơro là màu nâu đất. Hoa văn thổ cẩm Mạ dạng hình học đơn giản nhưng váy áo được may khá cầu kỳ, thường được trang trí các viền tua len đỏ, đồng tiền bạc, khoen bạc, lục lạc. Trong khi đó, hoa văn trên vải của người Chơro là đầu chà gạc (tong yih), đường viền (tong têch), mắt cú mèo (mat ncau), khung quay sợi (khiya)…

Không chỉ phụ nữ Mạ, mà đàn ông Mạ cũng thích sử dụng trang sức. Những đồ trang sức truyền thống như: vòng đeo cổ, vòng đeo tay, hoa tai (làm bằng chất liệu ngà voi, đồng, bạc hoặc ống tre), dây quấn đầu dệt từ sợi có hoa văn. Tục đeo hoa tai gắn liền với tục căng tai, căng càng lớn càng thể hiện “bản lĩnh đàn ông”. Đầu tóc đàn ông Mạ để dài, cắt thành riềm ở trán; búi tó ở gáy được giữ chặt bằng kẹp đôi bằng đồng thau, tô điểm thêm những chiếc lược, hạt trai có màu, con dao nhỏ cán cong, lông chim óng ánh, búp tô len đỏ. Phụ nữ Mạ thì thích quấn trên cổ những chuỗi hạt cườm nhiều màu sắc, gắn thêm những đồng bạc hoặc khoen bạc, khoen ngà voi.

Về âm nhạc, tại khu vực người Mạ từng sinh sống đã phát hiện đàn đá, nhưng chưa xác định chính xác người Mạ là chủ nhân. Người Mạ hiện còn sử dụng các loại nhạc cụ như: đàn tre (ding dut, có 6 dây), kèn mô (tồng), kèn t’diếp (giống tù và), kèn bầu (làm từ trái bầu và 8 ống nứa), cồng, chiêng, chinh. Tương tự, người Chơro có các nhạc cụ: chinh, chiêng, goong k’la, kèn lúa, kèn môi, talood (nhạc cụ gõ làm từ thân gỗ). Cả 2 dân tộc đều có các bài dân ca về đề tài sinh hoạt lao động, tình yêu, hát ru, đồng dao… với đặc điểm là ngắn, ca từ mộc mạc, đơn giản; múa dân gian…

Có một vương quốc Mạ?

Trên địa bàn của người Mạ sinh sống hiện nay, các nhà khảo cổ đã thu thập được nhiều hiện vật, khai quật di chỉ cho thấy dấu vết của những lớp cư dân cổ. Trong đó, một phát hiện quan trọng vào năm 1986 về một quần thể phế tích kiến trúc chạy dài gần 15km dọc theo bờ Bắc thượng nguồn sông Đồng Nai (thuộc địa bàn huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng). Ngoài chất liệu đá, gạch đa dạng dùng để kiến trúc đền tháp, còn có bộ ngẫu tượng linga - yoni, tượng Ganesa, mảnh vỡ các loại bình, cốc, chân đèn, lọ; các loại hiện vật bằng bạc, đồng, sắt, đặc biệt là 166 hiện vật chế tác từ kim loại màu vàng (mảnh trang trí các vị thần vũ nữ, thiên tiên theo đề tài tôn giáo và sử thi Ấn Độ, mảnh vàng khắc văn tự, tự dạng Sanskrit thế kỷ 10-11.

Những phát hiện khảo cổ trên đã dẫn đến một số ý kiến phỏng đoán của các nhà dân tộc học: Khu di tích Cát Tiên có thể là một phần của văn hóa Óc Eo. Khi văn hóa Óc Eo bị lịch sử chi phối dần lụi tàn thì nơi đây vẫn tồn tại và độc lập trở thành thánh địa của một tiểu quốc mà lịch sử gọi là Nhà nước Mạ - S’tiêng, một tiểu quốc nằm giữa 2 quốc gia Chămpa và Phù Nam, mà chủ nhân của thánh địa là tộc người Mạ - S’tiêng, phù hợp với những truyền thuyết dân gian để lại trên vùng đất Nam Tây Nguyên về một Nggar Chau Mạ (nước người Mạ) có lãnh thổ nằm trên phần lớn cao nguyên Di Linh, từ Đạ R’Nga (sông La Ngà) kéo dài đến vùng Đức Trọng (tỉnh Lâm Đồng) và Bình Thuận, Bình Phước hiện nay. Khi chúa Nguyễn mở rộng bờ cõi về phía Nam, nước người Mạ không thể tồn tại độc lập nữa vì nằm ngay trên đường giao thông từ Khánh Hòa - Bình Thuận vào Biên Hòa - Gia Định, nên suy tàn và các bộ lạc tản cư lên địa bàn hiện nay.

PGS-TS. Lâm Nhân

Đồng Nai

© 2021 FAP
  632,827       10/1,166