Văn hóa

Văn miếu Trấn Biên - xây cao văn hiến nước non này

Văn miếu Trấn Biên là văn miếu hình thành sớm nhất ở Nam bộ. Sách Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức) viết: văn miếu ở địa phận 2 thôn Bình Thành và Tân Lại, huyện Phước Chánh, đời vua Hiển Tông (tức Chúa Nguyễn Phúc Chu) năm Ất Mùi (1715), Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Chánh Đức chọn chỗ đất dựng lên ban đầu.

Văn miếu Trấn Biên là văn miếu hình thành sớm nhất ở Nam bộ. Sách Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức) viết: văn miếu ở địa phận 2 thôn Bình Thành và Tân Lại, huyện Phước Chánh, đời vua Hiển Tông (tức Chúa Nguyễn Phúc Chu) năm Ất Mùi (1715), Trấn thủ dinh Trấn Biên là Nguyễn Phan Long, Ký lục Phạm Chánh Đức chọn chỗ đất dựng lên ban đầu.

Các đơn vị phối hợp tổ chức lễ Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên.
Các đơn vị phối hợp tổ chức lễ Tết thầy tại Văn miếu Trấn Biên.

Trong số 3 văn miếu ở 6 tỉnh Nam bộ lúc bấy giờ, Văn miếu Trấn Biên được xây dựng sớm nhất. Đến năm Minh Mạng thứ 5 (tức Giáp Thân, 1824), triều Nguyễn mới cho xây dựng Văn miếu Gia Định ở thôn Phú Mỹ, huyện Bình Dương. Tại tỉnh Vĩnh Long, đến năm Tự Đức thứ 17 (1864), văn thân trong tỉnh mới họp nhau dựng văn miếu ở thôn Long Hồ, huyện Vĩnh Bình. Nhìn rộng hơn, trừ Văn miếu Hà Nội được xây dựng năm 1070 thời vua Lý Thánh Tông và một số ít văn miếu có từ thời chúa Nguyễn (không rõ năm xây dựng), hầu hết các  văn miếu ở những tỉnh khác trong cả nước được xây dựng vào các đời vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, tức sau Văn miếu Trấn Biên.

* Nam phương cốt cách

Lý do chúa Nguyễn Phúc Chu sai dựng Văn miếu Trấn Biên có thể hiểu là vì khi đó Biên Hòa đã là nơi dân cư ổn định, phát triển hơn nhiều vùng khác, kể cả Gia Định (đến năm 1732 chúa Nguyễn Phúc Chu mới lập dinh Long Hồ và châu Định Viễn, tức mới đến địa phận tỉnh Tiền Giang ngày nay). Việc hình thành Văn miếu Trấn Biên đối với chúa Nguyễn có ý nghĩa như là sự khẳng định những giá trị văn hóa và cả chính trị ở một vùng đất mới.

Theo thuật phong thủy của người xưa, nơi dựng Văn miếu Trấn Biên là chỗ đất tốt. Đại Nam nhất thống chí ghi rõ: “Phía Nam trông ra sông Phước Giang, phía Bắc dựa vào núi Long Sơn, là một cảnh đẹp nhất ở Trấn Biên”. Còn Gia Định thành thông chí viết: “Phía Nam hướng đến sông Phước, phía Bắc dựa theo núi rừng, núi sông thanh tú, cỏ cây tươi tốt. Năm Giáp Dần thời Trung hưng (1794), Lễ bộ Nguyễn Hồng Đô vâng mạng làm Giám đốc trùng tu, giữa làm điện Đại Thành và cửa Đại Thành, phía đông làm Thần miếu, phía Tây làm Dục Thánh từ, trước xây tường ngang, phía tả có cửa Kim Thanh, phía hữu có cửa Ngọc Chấn, chính giữa sân trước dựng Khuê Văn các treo trống chuông trên đấy, phía tả có Sùng Văn đường, phía hữu có Duy Lễ đường. Chu vi bốn mặt ngoài xây thành vuông, mặt tiền làm cửa Văn miếu, phía tả phía hữu có cửa Nghi môn, rường cột chạm trổ thể chế rất tinh xảo, đồ thờ có những thần bài, khám vàng, bình vàng, chén lôi mâm phủ quỹ đựng xôi, tộ đựng heo cúng, khay đựng dưa xổi đều chỉnh nhã tinh khiết”.

Lần trùng tu thứ 2 vào năm Tự Đức thứ 5 (Nhâm Tý, 1852), lúc này quy mô của Văn miếu Trấn Biên lớn hơn trước: “Chính đường và tiền đường đều 5 gian, lại dựng thêm 2 dãy tả vu và hữu vu, mỗi dãy 5 gian; đền Khải Thánh, chính đường và tiền đường đều 3 gian, mỗi tòa cửa giữa 3 gian, một tòa cửa trước 1 gian, một tòa kho đồ thờ 3 gian, một tòa Khuê Văn các 2 tầng, 3 gian 2 chái: phía trước, biển Đại Thành điện đổi làm Văn Miếu điện và Khải Thánh điện đổi làm Khải Thánh từ”.

Đến thời Tự Đức, văn miếu được xây dựng hoàn chỉnh và to đẹp nhất. Những lần xây dựng và trùng tu, văn miếu đều được đích thân các quan lại phụng mệnh người đứng đầu chính quyền trung ương thời bấy giờ (Nguyễn Phúc Chu, Nguyễn Ánh, Tự Đức) thực hiện.

Như những văn miếu khác, Văn miếu Trấn Biên thờ Khổng Tử, vị “khai sáng” của Nho giáo và Nho học. Vì thế, ngay từ buổi đầu Văn miếu Trấn Biên trước hết là nơi tôn vinh những giá trị của nền giáo dục Nho học. Đầu đời Trung hưng (trước năm 1802), đích thân chúa Nguyễn đến Văn miếu Trấn Biên để hành lễ hàng năm vào ngày đinh mùa xuân và mùa thu. Từ đó về sau (khi nhà Nguyễn đã được thiết lập), quan Tổng trấn thành Gia Định khâm mạng vua đến hành lễ, cùng với Trấn quan Biên Hòa và quan Đốc học (vị quan xem việc học ở trấn Biên Hòa). Lệ đặt mỗi kỳ là 50 lễ sinh và 50 miếu phu.

Bên cạnh là nơi thờ cúng, Văn miếu ở kinh sư (thủ đô) còn có Quốc tử giám để giảng dạy học trò. Ở Biên Hòa, bên cạnh Văn miếu là Tỉnh học (trường tỉnh Biên Hòa), mãi đến đời vua Minh Mạng mới dời về thôn Tân Lân (phường Hòa Bình, TP.Biên Hòa). Cũng vào thời Minh Mạng, Trường phủ Phước Long được thành lập ở thôn Bình Lợi, tổng Phước Vĩnh (nay là huyện Vĩnh Cửu). Như vậy, Văn miếu Trấn Biên đã đóng vai trò như một trung tâm văn hóa, giáo dục của tỉnh Biên Hòa xưa. Vì thế khi đáo nhậm (trở lại làm nhiệm vụ cũ) vào năm 1840, quan Bố chánh tỉnh Biên Hòa Ngô Văn Địch đã hết lời ca ngợi Văn miếu Trấn Biên qua đôi liễn: “Giang  hán dĩ trạc, thu dương dĩ bộc, hạo hồ bất khả thượng; Tôn miếu chi mỹ, bá quan chi phú, du giả vi ngôn”.

* Nguyên khí thiên thu

Giá trị mang tính biểu trưng về văn hóa của Văn miếu Trấn Biên không chỉ được tầng lớp quan lại và sĩ phu phong kiến tôn vinh, mà người dân Biên Hòa cũng rất ngưỡng vọng. Cũng chính vì những lý do đó, năm 1861 ngay sau khi chiếm được tỉnh Biên Hòa, một trong những việc đầu tiên thực dân Pháp đã làm là đốt phá Văn miếu Trấn Biên. Trong hoàn cảnh ấy, nhân dân Biên Hòa đã lén cất giấu đôi liễn của quan Bố chánh Ngô Văn Địch thuở trước, sau đó đưa về treo tại dinh Hiệp Hưng, huyện Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương).

Lễ kỷ niệm trấn biên 300 năm Trần Hữu Cường
Lễ kỷ niệm trấn biên 300 năm

Trong dịp kỷ niệm 300 năm hình thành và phát triển vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai (1698-1998), Văn miếu Trấn Biên được phục dựng trên nền đất cũ (nay thuộc phường Bửu Long, TP.Biên Hòa). Văn miếu được phỏng dựng trên nền xưa, mang dáng dấp văn miếu trước đây, nhưng về ý nghĩa đã có sự đổi khác. Điều đó là tất nhiên, và theo quy luật phát triển của xã hội. Văn miếu Trấn Biên hiện nay không chỉ là thiết chế thờ phụng, mà còn là điểm nhấn, trung tâm của nhiều hoạt động văn hóa, trở thành một trong những công trình văn hóa lớn nhằm tôn vinh những giá trị nhân văn - giáo dục truyền thống của vùng đất Đồng Nai. Khu Văn miếu Trấn Biên (mới) nằm trong khuôn viên lên đến 50 ngàn m2. Công trình gồm 2 khu liền nhau: khu thờ phụng, tế lễ và khu trưng bày truyền thống, sinh hoạt văn hóa.

Về chi tiết, khu thờ phụng gồm nhà Bái đường xây dựng theo lối kiến trúc lối cổ, chính giữa thờ Bác Hồ -  danh nhân văn hóa thế giới, người khai sáng thời đại Hồ Chí Minh; bên trái thờ danh nhân văn hóa tiêu biểu của Việt Nam gồm: Chu Văn An, Nguyễn Trãi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Lê Quý Đôn, Nguyễn Du; bên phải thờ những danh nhân văn hóa gắn liền với vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai và Nam bộ xưa gồm: Võ Trường Toản, Đặng Đức Thuật, Gia định tam gia (Trịnh Hoài Đức, Lê Quang Định, Ngô Nhơn Tịnh), Nguyễn Đình Chiểu, Bùi Hữu Nghĩa.

Khu sinh hoạt truyền thống gồm các công trình: Khuê Văn các, Nhà bia truyền thống do Anh hùng lao động GS-TS Vũ Khiêu đề bút, Thư khố (nơi lưu giữ các công trình văn hóa - nghệ thuật, khoa học, giáo dục đã được thể hiện thành ấn phẩm về vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai), Văn vật khố (trưng bày các giá trị nghệ thuật của các ngành, nghề thủ công truyền thống của Biên Hòa - Đồng Nai, bao gồm các nghề chính: mộc, rèn, đúc đồng, đá, thổi gang), sân Đại bái (nơi thực hiện các buổi lễ quan trọng). Văn miếu cũng thờ Khổng tử - người được tôn là “Vạn thế sư biểu” nhưng nhấn mạnh đến tư tưởng về văn hóa, về tinh thần hiếu học của ông.

Khue Van Cac Trần Hữu Cường
Khuê Văn các

Bên cạnh đó, Văn miếu Trấn Biên đã chỉnh trang khu vực khuôn viên xung quanh (giai đoạn 2), như xây dựng tượng Lý Thái Tổ theo mẫu tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội với tỷ lệ 90%. Vườn tượng danh nhân, vườn tượng nghệ thuật, công viên… cũng đã hoàn thành, ngày càng trở thành địa chỉ không những của các hoạt động văn hóa, khoa học, nghệ thuật mà còn là điểm đến yêu thích của du khách trong và ngoài tỉnh.

Có thể nói, Văn miếu Trấn Biên đã kết tinh và lan tỏa các giá trị văn hóa phương Nam. Văn miếu Trấn Biên có tính kế thừa từ Văn miếu Quốc tử giám Hà Nội, đồng thời là sự kết tinh dòng mạch văn hóa Đại Việt, như trong Bái đường trưng bày 18kg đất và 18kg nước thỉnh từ đất Tổ Phú Thọ - tượng trưng cho 18 đời vua Hùng; trống hội Thăng Long… Văn miếu Trấn Biên hiện kết nối với các hoạt động văn hóa trong khu vực như: Mùng 3 tết thầy, đêm thơ Nguyên tiêu, đờn ca tài tử; biểu dương, tôn vinh nhân tài, thiết kế đường hoa dịp Tết Nguyên đán, tặng 300 cây đa chiết từ văn miếu cho các trường học trong tỉnh; đồng thời kết nối những tấm lòng hướng về nguồn cội: nhiều doanh nghiệp, cá nhân đã tham gia đóng góp đúc chuông đồng, tạc tượng đá Huỳnh Văn Nghệ, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên đóng góp xây dựng tượng Lý Thái tổ, vườn tượng các danh nhân thông qua phong trào kế hoạch nhỏ. Hơn 40 đình tại TP.Biên Hòa đã chọn nơi đây thành hạt nhân đoàn kết, điểm đấu nối chung, hàng năm tập hợp lại để tổ chức tế lễ Chủ tịch Hồ Chí Minh...   

Đặc biệt, Văn miếu Trấn Biên hiện nay còn trở thành nơi hoạt động tôn vinh nhân tài, điển hình tiên tiến của địa phương như: các trí thức tiêu biểu, nhà giáo nhân dân, nhà giáo ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nghệ sĩ ưu tú; học sinh giỏi cấp quốc gia, đoạt các giải thưởng trong nước, khu vực và quốc tế; tấm gương học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh… Văn miếu cũng đang từng bước xây dựng hệ thống tiêu chí, quy chế tổ chức xét chọn, hình thức đề danh, ghi danh để tôn vinh hiền tài - các cá nhân có thành tích, sự sáng tạo, công trình đóng góp thể hiện được giá trị lâu bền cho vùng đất Đồng Nai.

Bùi Quang Huy - Huỳnh Tới

Đồng Nai

© 2021 FAP
  789,459       3/1,040