Văn hóa

Độc đáo những bức tranh từ Văn chiêu hồn

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, một tác phẩm như Văn tế thập loại chúng sinh (thường gọi là Văn chiêu hồn) là độc đáo và hiếm gặp. Đọc bài thơ này của thiên tài Nguyễn Du làm ta liên tưởng đến tác phẩm cuối cùng ở cung Re thứ (K.626) là Requiem (Lễ cầu hồn) của thiên tài Mozart.

Phạm Trần Việt Nam
Phạm Trần Việt Nam

Không chỉ ở Việt Nam mà trên thế giới, một tác phẩm như Văn tế thập loại chúng sinh (thường gọi là Văn chiêu hồn) là độc đáo và hiếm gặp. Đọc bài thơ này của thiên tài Nguyễn Du làm ta liên tưởng đến tác phẩm cuối cùng ở cung Re thứ (K.626) là Requiem (Lễ cầu hồn) của thiên tài Mozart. Trước những tác phẩm như thế này, người nể phục rất nhiều, nhưng đa phần sẽ chọn thái độ “kính nhi viễn chi” (kính trọng và đứng xa), nên việc Phạm Trần Việt Nam (33 tuổi) dũng cảm đưa Văn chiêu hồn lên tranh là một… cú sốc văn hóa.

Triển lãm Văn tế thập loại chúng sinh của Phạm Trần Việt Nam khai mạc lúc 17 giờ ngày 20-5 và kéo dài đến hết ngày 13-7-2018 tại Trung tâm nghệ thuật đương đại The Factory
(TP.Hồ Chí Minh). Triển lãm giới thiệu những tác phẩm siêu cỡ, có bức dài đến 20m.

1.

Phạm Trần Việt Nam là một trong số ít tác giả đáng xem nhất của nghệ thuật đương đại Việt Nam trong những năm qua. Đơn giản vì tác phẩm của Phạm Trần Việt Nam có tư tưởng và tiếp nối được ý niệm sáng tạo từ chính lịch sử cha ông. Một lời cảnh báo, những ai tin rằng nghệ thuật thị giác, mỹ thuật không cần có tư tưởng và câu chuyện cụ thể thì có lẽ không nên đến với triển lãm này, sẽ dễ bị sốc.

Phạm Trần Việt Nam sinh ra tại TP.Đà Nẵng và tốt nghiệp Khoa điêu khắc Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh năm 2010. Thế nhưng, gần 10 năm qua anh chủ yếu vẽ tranh và chơi nhạc rock (ban nhạc Giao Chỉ). Tác phẩm hội họa của anh rõ ràng mang dấu ấn của nhạc rock và trường phái biểu hiện với cái nhìn trực diện và phản biện vào hiện thực.

“Tôi vẽ bộ tranh này như một kẻ mộng du, nên ở trạng thái đó, cảm xúc và năng lượng tuôn ra một cách tự nhiên. Việc vẽ giống như sự diễn dịch tinh thần và ngôn ngữ từ một sự tồn tại khác. Dần dần qua quá trình làm việc liên tục, tôi bắt đầu hiểu sâu hơn tinh thần và ngôn ngữ của những hình mình vẽ ra, đã đồng cảm và hòa nhập một cách tự nhiên với sự tồn tại khác kia. Đó là một thế giới của những linh hồn phiêu dạt” - Phạm Trần Việt Nam cho biết.

Với việc cắt nát tranh cũ để dán lên tranh mới hay đục thủng toan để lấy đi nhiều chi tiết, rồi lại thêu, tức là bồi đắp lên lại... Phạm Trần Việt Nam cho biết: “Những hành động đó nảy sinh vì một thời gian dài làm việc trong xưởng vẽ với tình trạng dị biệt. Sự dị biệt đó tạo nên tình trạng mất mát về tâm lý, phần nào tạo ra sự trễ nải, nên việc cắt thủng như phản ánh sự mất mát. Sau đó thì lại thêu, hay nói cách khác là vá lại như một hành động hàn gắn. Vì khi cắt thủng, đôi khi quá tay làm đứt sự liên kết giữa những mảng toan nên việc vá/thêu xuất hiện, ngược lại hành động cắt phá ra, giống như người phụ nữ thêu thùa cần mẫn. Các hành vi này không hề liên quan đến ngôn ngữ của kỹ thuật hay có ý đồ thẩm mỹ cụ thể”.

Về mặt hình thức kỹ thuật, những hành động trên của Phạm Trần Việt Nam cũng giống như Nguyễn Du khi viết Văn chiêu hồn (184 câu thơ chữ Nôm), dù theo thể song thất lục bát, nhưng tác giả gần như phá thể phá vần, cốt để diễn tả chân thật nhất các tình huống hiện sinh. Nguyễn Du dành nguyên phần 2 gồm 116 câu thơ để gọi tên và nêu nguyên nhân chết của 10 loại cô hồn; và phần 3 gồm 20 câu để miêu tả cảnh thảm thiết của những cô hồn đó. Bộ tranh của Phạm Trần Việt Nam cũng đi vào những điều này, nơi những cô hồn mới đang quằn quại với nỗi đoạn trường, nhưng anh xóa nhòa khoảng cách và tên gọi cụ thể.

2.

Nói về sứ mệnh của công dân/nghệ sĩ và thế sự, Phạm Trần Việt Nam cho biết: “Tôi suy nghĩ rất nhiều. Bản thân nghệ sĩ cũng là một người dân thường, nếu chỉ phóng tưởng mãi thì nghệ sĩ sẽ không đủ sức và sẽ bị “đuối” đi. Trước hiện trạng xã hội và những điều trần ai trước mắt, dưới sự quan sát của vai trò và trách nhiệm công dân, sẽ rút ra rất nhiều bài học xã hội và đạo đức, cung cấp những cách nhìn, cảm xúc và chất liệu cho bản thân. Công dân - nghệ sĩ, đó là một cặp tương hỗ”.

Tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh (sơn dầu trên vải, đục thủng, chỉ thêu, 168cm x 2.000cm, 2 cuộn, sáng tác trong các năm 2014-2015).
Tác phẩm Văn tế thập loại chúng sinh (sơn dầu trên vải, đục thủng, chỉ thêu, 168cm x 2.000cm, 2 cuộn, sáng tác trong các năm 2014-2015).

“Thực hành hội họa của Phạm Trần Việt Nam thách thức cách hiểu thông thường cũng như phương pháp thực hành và tư duy truyền thống về nghệ thuật hội họa cả ở Đông phương và Tây phương. Buông bỏ các tiêu chuẩn hàn lâm và giới hạn sinh học, Việt Nam mượn nghệ thuật thị giác làm phương tiện trung gian để tìm kiếm những mảng tối của nội tâm và những thể vô hình của ngoại giới. Hành vi hội họa còn như một phương pháp trị liệu, một ngôn ngữ để thông dịch thay cho sự hữu hạn/bất khả của các ngôn ngữ khác” - giám tuyển (curator) Trần Lương nhận định.

Trần Lương cho biết thêm: “Ở trường hợp của Nam, vai trò của hình thức đã trở thành thứ yếu. Điều này nghe có vẻ vô lý vì tác phẩm vẫn là sản phẩm của hình thức được xây dựng bởi vật liệu sờ được. Nhưng thực sự ở đây không có phương pháp, hay định hướng hình thức nào trong quá trình sáng tạo. Và cũng không có sự “nhờ cậy” làm “người phát ngôn” nào của cảm xúc với hình thức cả. Hình thức cứ “tuột” ra như “vô thức” trực tiếp từ năng lượng của cảm xúc và hơn thế nữa, năng lượng phần nào còn được truyền từ một “sự tồn tại khác”...

Hiền Hòa

Đồng Nai

© 2021 FAP
  631,704       1/1,114