Văn hóa

Bước chân và tiếng hát qua những miền quê

Bước chân, đó là sự trải nghiệm của một người phụ nữ đã đi, đã sống qua nhiều vùng đất, nhiều cảnh đời. Chân trần, nên bước chậm với nhiều cảm xúc, suy tư, nhiều tình yêu thương lặng lẽ, đong đầy.

Tiếng hát, đó là sự thăng hoa của những trải nghiệm dài và sâu đó. Nói theo một nhà hiền triết thì khi tình cảm đong đầy trong lòng, thì sẽ bật lên thành lời.

Minh Hạ (tên thật là Phạm Thị Hệ) là một người phụ nữ làm thơ như thế.  Nếu gặp chị ngoài đời, mọi người sẽ nhận thấy ở chị một sự cẩn thận, chu toàn trong cả đời sống và công việc, song vẫn không thiếu sự duyên dáng và tiếng cười trẻ trung ở cái tuổi ngoại lục tuần. Ít ai biết để có những thành công nhất định trong cuộc sống, chị đã phải học tập và lao động không ngừng. Lập gia đình khi mới 19 tuổi, chị cùng chồng đã đi nhiều nơi để học hành, mưu sinh và cuối cùng chọn đất Đồng Nai để “bén rễ, xanh cây”. Chị có nhiều năm làm việc trong ngành văn hóa, rồi hoạt động Công đoàn, giảng dạy tại Trường Chính trị tỉnh… Về nghỉ hưu năm 2005, chị mới có nhiều thời gian dành cho đam mê của mình. Hiện chị là hội viên của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ ca Trấn Biên.

Với thơ, Minh Hạ đã cho ra đời 3 tập: Giọt mưa xuân (năm 2013), Lục bát cánh cò (năm 2016) và Qua những miền quê (năm 2018). Với tập Qua những miền quê, ngay khi được Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai mời đọc bản thảo, nhà thơ Phạm Sỹ Sáu nhận xét: “Đây là tập thơ khá dày dặn về thể loại, đề tài và bút pháp thể hiện… để lại cho người đọc cái nhìn nồng ấm, chân thật về quê hương qua cái nhìn khá đa dạng và giàu nhạc điệu của tác giả”.

Thật vậy, tập thơ có 65 bài, được chọn lọc khá kỹ càng thể hiện cái nhìn và cảm xúc của tác giả dành cho những miền đất của Tổ quốc. Cũng theo lời nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, Minh Hạ đã dành cho thơ, cho những miền đất cái nhìn từng trải, thi vị, song cũng trong sáng, mới mẻ “như tuổi mới lớn”.

Đất nước nghìn năm miền Tây Bắc

Giọt rượu Ca Lăng chuốc vầng trăng

Chân ở Mường Tè, lòng Phong Thổ

Đêm lạnh Mường Lay nhớ Nậm Noong.

(Tây Bắc)

Sông đi dài vô tận

Sông nhịp phách vô biên

Ký ức sông là sóng

Tình là bóng con thuyền…

Tôi đi sông ở lại

Lòng thương nhớ bộn bề

Tiếng trâu đằm đồng bãi

Hương lúa nồng hồn quê.

(Nhớ sông Kinh Thầy)

Và điểm hội tụ của tập thơ chính là mảnh đất Đồng Nai. Nếu ở tập Lục bát cánh cò, Minh Hạ dành nhiều trang thơ thể hiện rất cụ thể tình yêu thương đối với gia đình, thì ở tập Qua những miền quê, chị dành cho chồng con cái nhìn tỏa rộng hơn: “Em mong mình sống thật xanh - Bên chiều bóng ngả, thác ghềnh hoàng hôn” (Kỷ niệm)… Từ đó, những trang thơ dành cho những con người, những câu chuyện, những mơ ước thuộc về Đồng Nai đều hết sức thân thuộc, lắng đọng và “xanh”:

Đánh thắng mấy thằng giặc

Lấy rừng nuôi ước mơ

Việc gì không làm được

Tất cả phải đợi chờ…

Bây giờ cầu đã bắc

Bây giờ dân đã no

Hạnh phúc như quả chín

Đã thơm lừng Đắc Lua.

(Với Đắc Lua)

Lá cứ ru, đất như đang ngủ

Mọi ước mơ cây cành đang ủ

Xin bình tâm khi đến rừng su

Nghe nhựa sống chảy ngầm như mạch thác

Nghe thời gian kết nối mọi xa mù.

(Nhựa trắng)

Đó là những phát hiện, cảm nhận quý giá nhờ tích lũy nhiều vốn sống của một cây bút giản dị, nữ tính. Bởi vậy khi đọc thơ Minh Hạ, lòng người như được lắng lại, quên đi ồn ào của cuộc sống xung quanh. Vẫn là những điều vừa lạ vừa quen đã gặp, đã nghe và đã đọc ở nhiều bạn bè, đồng nghiệp, song thơ của chị luôn tìm kiếm và chọn dừng lại ở một điểm rất riêng, tuy còn khá chừng mực, đủ để người đọc phải nhớ và suy ngẫm.

Tập thơ còn khá nhiều bài hay về những miền quê như: Nghệ An, Với biển Sầm Sơn, Trăng Nguyễn Trãi, Ngàn nưa, Gió qua làng La Ủ, Tràm chim Đồng Tháp… Song điều khắc ghi vào lòng người, và cũng là thành công mới trong thơ của chị, đó là nhiều bài thơ, tứ thơ hay viết về mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai chị từng sống, từng đi qua: Đường rừng, Bơi thuyền trên hồ Trị An, Hồn cồng chiêng, Ban mai, Bến cảng, Viết ở Ấp Nùng, Ký họa, Khúc biến tấu, Buổi sáng ở rừng, Tiếng hát, Ghi ở Trảng Bom, Ấn tượng Mã Đà… Đến nay, chị vẫn chăm chỉ đọc, viết, cần mẫn và say mê.

Mong rằng sức sống nội tâm trong hồn thơ Minh Hạ sẽ chuyển hóa nhanh hơn, mạnh hơn, và vẫn là “một dòng suối trong” như nhà phê bình Bùi Công Thuấn viết về chị.

Mai Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  630,276       2/1,049