Văn hóa

Biên Hòa - Đồng Nai qua các thời kỳ

Từ xa xưa, tên gọi Đồng Nai đã xuất hiện nhưng không phải là địa danh hành chính mà là tên gọi chung của cả khu vực địa đầu phương Nam: "Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng". Địa danh hành chính đầu tiên của xứ Đồng Nai là Trấn Biên, do Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn "lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên" vào năm 1698.

Từ xa xưa, tên gọi Đồng Nai đã xuất hiện nhưng không phải là địa danh hành chính mà là tên gọi chung của cả khu vực địa đầu phương Nam: “Làm trai cho đáng nên trai/ Phú Xuân cũng trải, Đồng Nai cũng từng”. Địa danh hành chính đầu tiên của xứ Đồng Nai là Trấn Biên, do Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh vâng lệnh chúa Nguyễn “lập xứ Đồng Nai làm huyện Phước Long, dựng dinh Trấn Biên” vào năm 1698.

Theo Gia Định thành thông chí (tác giả Trịnh Hoài Đức), “buổi đầu mới đặt trấn gọi là dinh Trấn Biên, trông coi 1 huyện, 4 tổng, lỵ sở đóng ở thôn Phước Lư thuộc huyện Phước Long. Ngày 12 tháng Giêng niên hiệu Gia Long thứ 7 (1808) cải lại là trấn Biên Hòa rồi nâng huyện thành phủ, nâng tổng thành huyện, đó là căn cứ vào đất đai rộng hay hẹp, dân cư nhiều hay ít và thế đất liền nhau mà chia đều ra. Lại đặt thêm tổng và phân chia giới hạn. Tháng 2 niên hiệu Gia Long thứ 15 (1816), dời lỵ sở về thôn Tân Lân thuộc huyện Phước Chánh”.

* Địa giới ngày càng mở rộng

Ban đầu, trấn Biên Hòa phía đông bắc giáp trấn Bình Thuận, phía nam giáp trấn Phiên An (TP.Hồ Chí Minh ngày nay) ở sông Sài Gòn, bao gồm cả Thủ Đức, một phần tỉnh Tây Ninh, một phần tỉnh Bình Dương, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ngày nay (kể cả Côn Đảo) và cả khu vực Cần Giờ của TP.Hồ Chí Minh. Năm 1832, vua Minh Mạng thực hiện sắp xếp lại một số đơn vị hành chính, trong đó trấn Biên Hòa được nâng thành tỉnh với phủ Phước Long là 4 huyện: Phước Chánh, Bình An, Long Thành, Phước An. Các chức quan đầu tỉnh cũng thay đổi danh xưng: đặt chức Tuần vũ kiêm nhiệm chức vụ Bố chánh và Án sát, dưới quyền của Tổng đốc An Biên (tức Phiên An và Biên Hòa). Đến năm 1837, tỉnh Biên Hòa ngoài phủ Phước Long có thêm phủ Phước Tuy (thành lập trên cơ sở 2 huyện Long Thành và Phước An); thêm 2 huyện mới là Long Khánh và Ngãi Giao; năm 1838 thì thêm huyện Phước Bình); năm 1840 có thêm 4 thủ: Tân Bình, Tân Định, Tân Thuận, Tân Lợi. Những sự thay đổi về hành chính cho thấy Biên Hòa ngày càng mở rộng, phát triển so với buổi đầu thành lập vào năm 1698.

Ngày 18-12-1861, Biên Hòa rơi vào tay thực dân Pháp. Theo Hòa ước Nhâm Tuất 1862, 3 tỉnh: Biên Hòa, Gia Định, Định Tường trở thành thuộc địa của Pháp và bị chia thành 7 tiểu khu chỉ huy, trong đó tỉnh Biên Hòa chia thành 2 tiểu khu là Biên Hòa và Bà Rịa. Đến năm 1865, Pháp chia 3 tỉnh miền Đông thành 13 Sở Tham biện, trong đó Biên Hòa chia thành 5 sở: Biên Hòa, Thủ Dầu Một, Bà Rịa, Long Thành, Bảo Chánh; năm 1866 lại chia 3 tỉnh miền Đông thành 13 địa hạt, trong đó Biên Hòa chia thành 6 địa hạt (thêm Thủ Đức, nhưng đến năm 1868 lại tách khỏi Biên Hòa).

Năm 1899, chính quyền thuộc địa Pháp có sự thay đổi lớn về sắp xếp các đơn vị hành chính. Ngày  20-12-1899, tỉnh Biên Hòa được thành lập trên cơ sở các địa hạt cũ, trừ vùng Định Quán bị cắt để nhập vào tỉnh Đồng Nai Thượng (Haut Donnai). Tỉnh lỵ Biên Hòa đặt tại xã Bình Trước (TP.Biên Hòa ngày nay), gồm 15 tổng, 151 làng. 4 năm sau, Toàn quyền Đông Dương thành lập thêm quận Chứa Chan thuộc tỉnh Biên Hòa; năm 1912 lập thêm quận Xuân Lộc; năm 1928 thành lập quận Châu Thành và quận Tân Uyên.

Năm 1943, dân số tỉnh Biên Hòa là 183 ngàn người, trong đó người Việt chiếm gần 76%, người dân tộc thiểu số 21,85%, người Hoa 1,63% và người Pháp 0,31%.

Trong 2 cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, chính quyền Sài Gòn và chính quyền cách mạng đều có sự thay đổi địa giới hành chính cũng như tên gọi của tỉnh Biên Hòa. Đến tháng 2-1976, sau khi đất nước thống nhất, Chính phủ cách mạng lâm thời cộng hòa miền Nam Việt Nam thành lập tỉnh Đồng Nai - tên gọi địa danh hành chính Đồng Nai chính thức bắt đầu từ đây.

* Trường sa từng thuộc Đồng Nai

Tỉnh Đồng Nai lúc ấy gồm các đơn vị hành chính trực thuộc: TP.Biên Hòa, TX.Vũng Tàu, các huyện: Thống Nhất, Vĩnh Cửu, Xuân Lộc, Tân Phú, Long Thành, Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc, Duyên Hải. Đặc biệt, lúc ấy quần đảo Trường Sa trực thuộc tỉnh Đồng Nai.

Ngày 29-12-1978, Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam quyết định chuyển huyện Duyên Hải của tỉnh Đồng Nai nhập vào TP.Hồ Chí Minh; ngày 30-5-1979 tách TX.Vũng Tàu và xã Long Sơn (thuộc huyện Châu Thành) khỏi tỉnh Đồng Nai để thành lập đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo; ngày 9-12-1982 tách quần đảo Trường Sa khỏi tỉnh Đồng Nai, thành lập huyện Trường Sa (gồm toàn bộ khu vực quần đảo Trường Sa) trực thuộc tỉnh Phú Khánh (nay thuộc tỉnh Khánh Hòa). Ngày 10-4-1991, huyện Xuân Lộc được chia thành 2 huyện Xuân Lộc và Long Khánh (nay là TX.Long Khánh), huyện Tân Phú chia thành 2 huyện Tân Phú và Định Quán.

Một cột mốc quan trọng trong sự thay đổi địa giới hành chính của tỉnh Đồng Nai là ngày 12-8-1991, Quốc hội quyết định thành lập tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu trên cơ sở đặc khu Vũng Tàu - Côn Đảo và cắt 3 huyện của tỉnh Đồng Nai gồm: Châu Thành, Long Đất, Xuyên Mộc. Sau này, huyện Long Thành tách thành 2 huyện: Long Thành, Nhơn Trạch; huyện Thống Nhất được tách thành 2 huyện: Thống Nhất và Trảng Bom, thành lập huyện mới Cẩm Mỹ. Hiện nay, tỉnh Đồng Nai có 1 thành phố (Biên Hòa), 1 thị xã (Long Khánh) và 9 huyện (Long Thành, Nhơn Trạch, Vĩnh Cửu, Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Cẩm Mỹ, Định Quán, Tân Phú) với 171 xã, phường, thị trấn.

Phan Đình Dũng - Thanh Thúy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  787,229       2/926