Văn hóa

Cho những mùa măng…

Tháng 6-2018 trời mưa nhiều, thời tiết xấu, nhưng 30 trại viên Trại sáng tác văn học - nghệ thuật trẻ đều háo hức vì chương trình đi thực tế khá phong phú.

Trại sáng tác trẻ thăm vườn tượng Chiến khu Đ. Ảnh: Thu Hằng
Trại sáng tác trẻ thăm vườn tượng Chiến khu Đ. Ảnh: Thu Hằng

Các trại viên đã được tham quan Bảo tàng áo dài và Bảo tàng mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh, viếng đền thờ liệt sĩ, tham quan mộ cổ Hàng Gòn và mô hình trồng rau sạch theo phương pháp thủy canh tại TX. Long Khánh; tham quan Nhà máy thủy điện Trị An, Di tích Trung ương Cục miền Nam, trại nuôi hươu nai ở huyện Vĩnh Cửu… Ngoài đi thực tế, trại viên được trao đổi về chuyên môn cùng các nhà văn, nhà thơ; được chia sẻ kinh nghiệm sáng tác, vốn sống, bút pháp thể hiện, cách nhìn đời sống...

* Nhiều triển vọng

 Năm nay, trại sáng tác có “sản phẩm” là 16 truyện ngắn, 8 tản văn, bút ký và bài viết, 39 bài thơ, 20 bức tranh với nhiều chất liệu, 1 bức tượng. Tác giả Lê Vũ Anh Đào với Em đã khác xưa rồi, Hai mùa giáng sinh vẫn cách thể hiện dịu dàng bay bổng; Tống Thị Thanh Tâm với Nụ cười, Con của lão tràn đầy ưu tư, ám ảnh; Thanh Ngân với Cây cầu gãy nhịp, Câu chuyện làm người đậm dấu ấn miền Tây; Thy Lệ với Chuyện nhà ông Thử, Mây trắng bồng bềnh có giọng “Bắc rặc”... Tất cả tạo nên sự phong phú, đa dạng cho bộ môn văn xuôi.

Ở bộ môn thơ, bên cạnh một Tuyết Cương từng đoạt giải ở các cuộc thi là những giọng thơ còn vụng về, hồn nhiên như: Xuân Quỳnh, Hà Ngọc, Tường Phương, Phước Nguyên, Lý Thăng Long… Sự xuất hiện của Thùy Linh đến từ Sở Văn hóa - thể thao và du lịch, Thy Lệ đến từ Trường đại học Nguyễn Huệ, Trần Văn Hoan đến từ Trường đại học Lạc Hồng... với những tác phẩm chững chạc, “có nghề” làm tăng chất lượng của trại sáng tác. Dĩ nhiên, không phải tác phẩm nào cũng thành công và ghi được dấu ấn, nhưng sự cố gắng của những người trẻ, nhất là sự xuất hiện những tác giả mới đầy triển vọng khiến Ban tổ chức rất vui mừng. “Họa sĩ nhí” Hằng Xuân mấy năm trước còn nguệch ngoạc “kiểu trẻ con”, nay đã có tranh sơn dầu vẽ phong cảnh bố cục hợp lý, màu sắc bắt mắt. Mảng mỹ thuật khá phong phú nhờ có sự tham gia của các trại viên đến từ các trường mẫu giáo, Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai.

* Đi đúng hướng

Nhà thơ Vũ Quần Phương từng phát biểu, cái khó nhất của thơ hiện nay là… làm quá dễ, nên ai cũng nghĩ mình là… nhà thơ. Câu nói vui có phần đúng, vì ở các địa phương trong tỉnh, thậm chí hầu như xã, phường nào cũng có câu lạc bộ thơ. Nhưng dù cho ai cũng làm được thơ thì mọi người đều biết sáng tạo văn học - nghệ thuật luôn là thứ lao động tâm hồn và trí não khá vất vả, nặng nhọc. Thực tế, không nhiều người theo đuổi lâu dài một công việc đòi hỏi tâm huyết và tài năng như sáng tác thơ. Hầu hết người trẻ hiện nay bị chi phối bởi chuyện học hành, sự nghiệp, kiếm sống… khiến cho nhiều người chỉ sáng tác được một thời gian rồi… bỏ. Vì thế, công tác phát triển hội viên luôn là vấn đề đau đầu các nhà quản lý văn học nghệ thuật cả trung ương lẫn địa phương.

Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai có gần 250 hội viên, già nhất đã trên 90 tuổi, trẻ nhất cũng U.30. Mỗi kỳ hội họp, tóc xanh khuất chìm giữa tóc bạc. Nỗi lo tre đã già, sắp già mà măng còn lơ thơ, thưa thớt khiến việc phát hiện, bồi dưỡng lực lượng sáng tác trẻ luôn là vấn đề “nóng” được Ban Chấp hành Hội rất quan tâm. Năm 2016 Hội thành lập Ban sáng tác trẻ, từ đây công việc tuyển chọn, bồi dưỡng lực lượng sáng tác dưới tuổi 35 trở nên bài bản, hiệu quả hơn. Sau 3 lần mở trại, Ban tổ chức thu được hàng trăm tác phẩm văn xuôi, thơ, hàng chục tác phẩm mỹ thuật. Tạp chí Văn Nghệ Đồng Nai đã chọn lọc, dành số trang đáng kể đăng sáng tác của các tác giả trẻ. Sự chăm sóc, trân trọng những năng khiếu trẻ đã góp phần tiếp sức cho nhiều cây bút văn xuôi và thơ sung sức, đầy tiềm năng như: Lê Vũ Anh Đào, Nguyễn Thanh Ngân, Tống Thị Thanh Tâm, Đào Nguyên Thảo, Đàm Minh Khôi, Thy Lệ, Thùy Linh, Huỳnh Ngọc Tuyết Cương, Lê Phan Hiếu Anh…

Ở mảng mỹ thuật, Hằng Xuân, Quang Mạnh, Hữu Lộc, Thúy Nga, Bích Hoài… đã thể hiện khả năng tiếp bước các họa sĩ trẻ có năng lực của Hội như: Quốc Trọng, Lê Vân, Thanh Tùng, Hoàng Ngọc Hiến, Trần Đình Thắng… Và còn nhiều gương mặt trẻ viết văn, làm thơ đầy triển vọng như: Gia Hưng, Lý Thăng Long, Xuân Quỳnh, Hoàng Thu Thảo… Những tín hiệu vui ấy khẳng định công tác bồi dưỡng, chăm lo cho lực lượng kế tục sự nghiệp văn học nghệ thuật của tỉnh nhà đã đi đúng hướng và gặt hái thành công.

Hoàng Ngọc Điệp

Đồng Nai

© 2021 FAP
  630,371       1/1,051