Văn hóa

Thú chơi thời gian

Sau gần 20 năm sưu tầm đồ cổ, đồ xưa, ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ huyện Trảng Bom) có trong tay bộ sưu tập đồng hồ hiếm, độc bản để thỏa mãn thú chơi thời gian.

Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ huyện Trảng Bom) đang lên dây cho chiếc đồng hồ quả lắc trên 80 năm tuổi.
Ông Nguyễn Văn Hòa (ngụ huyện Trảng Bom) đang lên dây cho chiếc đồng hồ quả lắc trên 80 năm tuổi.

ông Hòa cho biết: “Những đồ cổ, đồ xưa khác như: đồ gốm, đồ đá, tượng đồng, vũ khí kim loại… chỉ để trưng bày, nhìn ngắm và có chăng là lau chùi cho bớt bụi mà ít khi đụng tay vào. Riêng thú chơi đồng hồ rất khác là người chơi được tham gia để chỉnh sửa, tác động vào quá trình vận hành của những chiếc đồng hồ”.

* Những chiếc đồng hồ đặc biệt

Điểm đặc biệt của gần 100 đồng hồ nằm trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Văn Hòa là tất cả đồng hồ đều không sử dụng pin, điện mà chạy bằng cách lên dây cót. Trong đó, có chiếc đồng hồ tạ váy dài được sản xuất tại Pháp và xuất hiện ở Việt Nam trước năm 1917. Để đồng hồ hoạt động, đều đặn mỗi tháng một lần ông Hòa phải kéo dây tạ lê lên sát hộp đồng hồ. Khi dây lê bị kéo hết cũng là lúc người chủ kéo dây lên lại. Hay chiếc đồng hồ úp ly của Đức có tuổi đời 80 năm, mỗi năm ông Hòa lên dây cót 1 lần. Dù đến thời điểm hiện tại, đồng hồ tuổi đời ít nhất trong bộ sưu tập của ông Hòa cũng đã ngót nghét trên 80 năm, còn cái “già” nhất phải trên 100 tuổi nhưng tất cả đều chạy tốt.

Bên cạnh việc tìm kiếm, sưu tập cho riêng mình, ông Hòa còn nghiên cứu để tự tìm cách sửa chữa khi đồng hồ hỏng hóc - một công việc đòi hỏi sự chỉn chu, tỉ mỉ và kiên nhẫn, hoàn toàn trái ngược với vẻ ngoài bụi bặm, mái tóc dài quá vai của một người đàn ông 42 tuổi.

Điểm độc đáo khác trong bộ sưu tập đồng hồ của ông Hòa là tất cả đều được làm hoàn toàn thủ công. Chỉ tay vào chiếc đồng hồ cúc cu hiệu Odo 111 do Pháp sản xuất trước năm 1900, ông Hòa cho hay: “Bộ máy bên trong chiếc đồng hồ được ráp thủ công và đến nay hầu hết các chi tiết của máy vẫn hoạt động rất tốt. Riêng phần hộp đồng hồ được làm từ gỗ sồi, dù trải qua thời gian dài nhưng vẫn còn rất cứng cáp, nước sơn chưa có dấu hiệu phai màu. Những chi tiết trang trí nổi và chìm trên từng cái đồng hồ như: dây leo, chùm nho, hoa, chim… vẫn còn nguyên vẹn”.

Để có được bộ sưu tập độc đáo này, ông Hòa phải dành rất nhiều thời gian để tìm kiếm, di chuyển đến nhiều tỉnh, thành trong cả nước và nhất là bỏ ra một số tiền không nhỏ để trở thành chủ sở hữu. “Gia đình tôi trước đây làm nghề mua bán đồ cổ, đồ xưa. Tôi cũng có 20 năm theo cha làm nghề này. Có lần đến Bình Định nhìn thấy chiếc đồng hồ quả lắc đánh lên tiếng nhạc khi báo giờ, tôi mê lắm và muốn sở hữu để hằng ngày được nghe tiếng. Tôi hỏi mua và chốt giá 8 triệu đồng. Ở thời điểm 1995, đây là một số tiền rất lớn nhưng tôi đã mua được. Từ đó, sau mỗi chuyến đi theo cha sưu tầm đồ vật, nếu có đồng hồ độc đáo là tôi đều mua và để dành riêng cho mình. Lâu dần tôi có được số lượng lớn và không biết mình “ghiền” thú chơi thời gian từ bao giờ” - ông Hòa nói.

* Người “bắt” khoảnh khắc

Ngoài đam mê đồng hồ, ông Hòa còn đam mê nhiếp ảnh. Theo Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai Nguyễn Khánh Hòa, ông Nguyễn Văn Hòa là một trong số ít những tay máy khá nổi bật của nhiếp ảnh Đồng Nai khi có những góc máy lạ, chịu khó tìm tòi cái mới.

…Và đang tự sửa máy cho một chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập. Ảnh: V.TRUYÊN
…Và đang tự sửa máy cho một chiếc đồng hồ trong bộ sưu tập. Ảnh: V.TRUYÊN

Đặc biệt, tay máy này rất chịu khó thực hiện những chuyến đi sáng tác ảnh trên xe máy. Những địa danh dọc theo chiều dài đất nước đã được ông tìm đến để ghi lại khoảnh khắc sinh hoạt của người dân lao động, phong cảnh thiên nhiên kỳ thú với một góc nhìn khác lạ. “Khoảnh khắc trong nhiếp ảnh cũng như thời gian trên mỗi chiếc đồng hồ đã qua sẽ không trở lại. Do vậy, tôi cố gắng lưu giữ những hình ảnh của thời gian, không gian như là thú vui của cuộc sống” - tay máy Nguyễn Văn Hòa chia sẻ.

Với những cố gắng của mình, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Hòa đã được nhiều giải thưởng trong các liên hoan, cuộc thi nhiếp ảnh, trong đó có huy chương bạc Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực Đông Nam bộ lần thứ 25-2017; giải ba cuộc thi ảnh Đường sắt trong tôi chào mừng kỷ niệm 70 năm Ngày truyền thống đường sắt Việt Nam vào năm 2016; cúp đồng cuộc thi ảnh nghệ thuật màu Xuân Bính Thân 2016 do Hội Nghệ sĩ nhiếp ảnh TP.Hồ Chí Minh tổ chức…

Văn Truyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  787,178       1/947