Văn hóa

Ai cho miễu lớn hơn đình...

"Ai cho miễu lớn hơn đình/ Bậu có chồng mặc bậu, bậu vẫn gọi mình là anh". Câu ca dao xưa bỏ qua nghĩa bóng về mối quan hệ nam - nữ nào đó, còn lại đã phân định rõ vị trí, thứ bậc giữa 2 loại hình cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian là đình và miễu (còn gọi là miếu).

“Ai cho miễu lớn hơn đình/ Bậu có chồng mặc bậu, bậu vẫn gọi mình là anh”. Câu ca dao xưa bỏ qua nghĩa bóng về mối quan hệ nam - nữ nào đó, còn lại đã phân định rõ vị trí, thứ bậc giữa 2 loại hình cơ sở thờ tự tín ngưỡng dân gian là đình và miễu (còn gọi là miếu).

Người dân dâng hương ở miếu Ngũ Hành nương nương trong khuôn viên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa).
Người dân dâng hương ở miếu Ngũ Hành nương nương trong khuôn viên đình Tân Lân (TP.Biên Hòa).

Miếu là một loại hình cơ sở tín ngưỡng dân gian khá đặc biệt của người Việt. Theo Phan Kế Bính trong Phong tục Việt Nam, trong khi đình là nơi thờ thần hoàng của làng và cũng làm nơi cho dân hội họp thì miếu là chỗ quỷ thần an ngự.

* Chốn thiêng gởi gắm niềm tin

Chính vì đặc tính này, do sợ làm “kinh động” đến quỷ thần nên miếu thường được chọn xây dựng ở nơi có “tính thiêng”, có linh khí như vùng đất cao, gần sông hồ, đặc biệt là nơi có cổ thụ, nhất là cây đa. Theo quan niệm về tâm linh của người Việt, dưới gốc đa thường có một vị thần cai quản có thể chở che, đem đến cuộc sống an lành, giải trừ vận hạn, thậm chí  “trừ gian diệt ác” giúp dân lành.

Một miếu thờ Ông Đá ở TP.Biên Hòa
Một miếu thờ Ông Đá ở TP.Biên Hòa

Quan niệm này có thể bắt nguồn từ một giai thoại của Phật giáo rằng có một lần các lực lượng tà đạo đánh nhau với chính đạo, đến phá hoại một cây đa cổ thụ. Thần đa đã hiển linh tiêu diệt thế lực xấu. Từ đó, người ta coi cây đa cũng như một vị thần linh thiêng. Miếu thờ và cây đa đều là sự vật mang tính thiêng, đặt cạnh nhau tạo nên sự liên kết vững chãi càng làm tăng thêm sự thiêng liêng, trở thành nơi để con người giải tỏa tâm lý, cầu mong vào những lực lượng siêu nhiên từ đó ước vọng vào những điều tốt đẹp trong cuộc sống. Niềm tin ấy trải qua thời gian sẽ thành tín ngưỡng mạnh mẽ.

Tùy thuộc vào đối tượng thờ của mỗi miếu mà trong năm có những ngày cúng khác nhau. Thông thường, các ngày Sóc (mùng Một), ngày Vọng (Rằm) trong tháng, ngày tết... các miếu được mở cửa cúng một lễ nhỏ bằng nhang, đèn, bông, bánh trái. Các miếu ở trong khuôn viên đình thì được thắp nhang trong những ngày đình tổ chức lễ. Thậm chí, một số miếu được cúng tế với lễ phẩm là một trong những nghi thức bắt buộc theo lệ. Có những miếu có đối tượng thờ giống nhau nhưng ngày vía khác nhau.

Những lớp di dân khi đến Đồng Nai tụ cư, khẩn hoang ngoài việc xây dựng đình làng thì cũng lập miếu thờ đáp ứng nhu cầu tâm linh. Ở Đồng Nai có 2 loại miếu thờ: một dạng gắn liền trong phạm vi của đình làng và một dạng miếu thờ độc lập gắn với những vườn nhà, xóm ấp, khu dân cư. Đối tượng thờ cúng ở miếu khá đa dạng với tập hợp nhiều thần hiệu chính danh, nhưng cũng có những thần hiệu có tính chất ý niệm chung, thường được thể hiện ở tên gọi của miếu. Ví dụ: miếu Cô, miếu Cậu (qua đó biết được đối tượng thờ mang tính nam hay tính nữ), miếu thờ thần núi (sơn thần), miếu thờ thần nước (Hà Bá hoặc thủy thần).

Một số miếu gắn liền với tên gọi cụ thể của đối tượng thờ như: miếu Ngũ Hành hay Ngũ Hành nương nương, miếu Thổ Thần, miếu Ông Cọp, miếu Thần Hổ, miếu Bà Chúa Xứ, miếu Bà Mụ... Hoặc tên miếu gắn với đối tượng thờ và địa danh làng, ấp như: miếu Bà Bàu Hang, miếu Bà Tân Hiệp, miếu Đắc Phước, miếu Bà Cái Vạn... Cũng có khi tên miếu gắn với đặc điểm tiêu biểu nơi miếu hiện tồn: miếu Bà Cây Cám, miếu Cây Quăn, miếu Cây Thị, miếu Cây Chôm, miếu Bà Dên Dên...

Cũng có miếu thờ những người chết “bất đắc kỳ tử” nhưng linh ứng, trong đó có các anh hùng liệt sĩ, người có nhân cách cao được lập miếu thờ, như miếu Bình Hòa lập từ năm 1837 thờ 7 vị công thần chết trận trong cuộc binh biến của Lê Văn Khôi; miếu cô hồn ở Dốc Sỏi (nay là Bửu Hưng tự, phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa) thờ 9 vị nghĩa sĩ Lâm Trung trại khởi nghĩa chống Pháp bị xử tử.

Ngoài ra, cũng phải nhắc đến những ngôi miếu lẻ ven đường, ven sông hoặc dưới bóng cây, gò đất. Đa phần đây là miếu cô hồn, thờ những vong hồn linh thiêng nhưng không nơi nương tựa.

* Muôn màu cuộc sống

Ban đầu, miếu thường được xây dựng với quy mô nhỏ, thấp. Tùy từng cụm dân cư, làng xã với yêu cầu chung mà sau đó miếu được mở mang, tôn tạo, trùng tu qua nhiều thời kỳ. Tuy vậy, so với đình, miếu thường có kiến trúc đơn giản hơn. Việc bài trí trong miếu thờ cũng vậy.

Lễ cúng ở các miếu tại Đồng Nai, nhất là miếu Bà, thường có hát Bóng rỗi cùng chặp Địa nàng - một loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở vùng Biên Hòa - Đồng Nai xưa
Lễ cúng ở các miếu tại Đồng Nai, nhất là miếu Bà, thường có hát Bóng rỗi cùng chặp Địa nàng - một loại hình nghệ thuật truyền thống phổ biến ở vùng Biên Hòa - Đồng Nai xưa

Nhìn chung, đối tượng thờ ở các miếu tại Đồng Nai khá đa dạng. Ngoài những đối tượng thờ cúng chính với tên gọi, thần hiệu cụ thể, có thể nói, có sự tích hợp đa dạng trong đối tượng thờ cúng ở nhiều miếu. Điều này phản ánh tính dung hợp tín ngưỡng dân gian, chịu sự tác động, ảnh hưởng các tôn giáo khác mà Phật giáo thể hiện khá rõ nét.

Một số miếu có tượng thờ. Đối tượng thờ “Ông” ở một số miếu như: miếu Cổ Thạch (đình Tân Lân, phường Hòa Bình), miếu Ông Đá (phường Bửu Long), miếu Đắc Phước (phường Tân Vạn) có tảng đá được phủ vải đỏ. Phổ biến hơn là các miếu thờ “Bà”. Đối tượng thờ là Bà Chúa Xứ thì bài trí một tượng, đối tượng thờ là Ngũ Hành nương nương thì tùy thuộc từng miếu: có miếu bài trí một tượng chung, nhưng cũng có miếu bài trí 5 pho tượng Bà với sắc diện trang phục ứng với từng đặc điểm thân vị mỗi Bà: vàng (hành Thổ), đỏ (hành Hỏa), đen (hành Thủy), xanh (hành Mộc), trắng (hành Kim).

Tục thờ Bà ở Đồng Nai gắn liền với những lưu dân Việt, Hoa trong quá trình đến mở đất, khai khẩn và cả sự tích hợp trong quá trình cộng cư. Có nhiều vị nữ thần được thờ có gốc tích từ quê gốc của lưu dân Việt (Bắc bộ, Trung bộ), nhập cư của người Hoa hoặc sự dung hợp trong tín niệm với các nữ thần của dân tộc Chăm để rồi “dung hợp”, trở thành một tín niệm, sinh hoạt tín ngưỡng phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tế của cộng đồng cư dân mang tính chất của địa phương.

Qua khảo sát, các đối tượng được thờ trong cơ sở miếu, đền ở Đồng Nai như sau: Thổ thần, Ngũ Hành nương nương (Ngũ Hành thánh mẫu, Thánh phi, Tiên nương... hay cách gọi dân gian là năm Bà), Bà Chúa Xứ,  Linh Sơn thánh mẫu,  Bà Thủy Long (Thủy Long thần nữ), Bà Thiên Hậu (Thiên Hậu thánh mẫu), Bà Mụ Trời (người đỡ đẻ nổi tiếng), thần Hổ (Ông Hổ, chúa Sơn lâm, Mãnh hổ đại tướng quân), Ông Đá...

Nam Hà - Đinh Huyền

Đồng Nai

© 2021 FAP
  629,883       1/1,013