Trào lưu cosplay là hóa trang, hành động mô phỏng theo nhân vật mình yêu thích trong một game online, truyện tranh hay phim hoạt hình Nhật Bản, đang là trào lưu của nhiều bạn trẻ Việt Nam yêu thích nền văn hóa xứ sở hoa anh đào.
Một “tín đồ” cosplay hóa trang thành nàng Fiona trong game online Vindictus tại sân chơi hóa trang của lễ hội. |
Mới đây, chương trình Japan Expo Vietnam 2018, một trong những sự kiện có quy mô lớn hiếm hoi của cộng đồng cosplay được tổ chức tại TP.Hồ Chí Minh thu hút hàng trăm “tín đồ” cosplay từ nhiều nơi. Lạc vào “thế giới” cosplay mới thấy sân chơi độc, lạ và tốn kém này đang là niềm đam mê của khá nhiều bạn trẻ.
* Hóa thân với thời trang độc, lạ
Tham dự lễ hội này, phần lớn là giới trẻ ở TP.Hồ Chí Minh nhưng cũng có không ít đến từ các tỉnh lân cận như: Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu. Đơn cử như Phan Hoài Văn cùng nhóm 3 người bạn ở Trường THPT Hàm Tân (tỉnh Bình Thuận) đã kịp đáp chuyến xe tốc hành đến TP.Hồ Chí Minh để tham dự sự kiện Japan Expo.
Cosplay là từ viết tắt của “costume” và “roleplay”, có nghĩa là “trang phục” và “hóa thân”. Thông qua trang phục, hóa trang, các bạn trẻ nhập vai mô phỏng lại nhân vật trong truyện tranh, phim giả tưởng, các nhân vật trong game hay bất kỳ nhân vật nào mà mình yêu thích. |
Để tham gia sự kiện này, rất nhiều “tín đồ” cosplay hào hứng chuẩn bị từ nhiều tháng trước trong đó có Vũ Anh Dũng (học sinh lớp 8 của một trường THCS ở TP.Biên Hòa), một fan hâm mộ hoạt hình Anime của Nhật Bản. Em đã thuyết phục được mẹ đưa đến dự sự kiện tại TP.Hồ Chí Minh với những người bạn trong thế giới cosplay của mình.
Vũ Anh Dũng nói: “Được tham gia lễ hội, đứng giữa các cosplay thần tượng, em có cảm giác như mình đang được sống trong những phim hoạt hình đó. Lễ hội là một dịp để em được trải nghiệm cùng những nhân vật yêu thích. Ở nhà, em đã sưu tập gần đủ bộ Figure - tượng mô hình những nhân vật trong phim hoạt hình Anime”.
Trong thế giới cosplay, ai yêu thích nhân vật nào thì hóa trang theo nhân vật đó, bất kể là nam hay nữ. Vì thế không lạ khi có những bạn trai hóa thân vào nhân vật nữ ca sĩ ảo Miku, nàng mèo Spiral Cats, Angel girl, nàng thỏ Supper Sonico rất đẹp, đồng thời cũng có bạn nữ lại hóa trang thành những nhân vật kỳ dị như Vô diện (người không mặt), ác quỷ Devil trong One Piece…
Mang theo niềm đam mê cosplay, Hoài Văn đã hóa thân vào nàng mèo Spiral Cats xinh đẹp trong game 3D Monarch. Nàng mèo là con gái, nhưng vì yêu thích nhân vật này, Văn đã phải “chịu đựng” vẽ mặt, hóa trang độn ngực, cột tóc (giả), đi bốt cao gót và đeo vô số phụ kiện lỉnh kỉnh khác trên người, nhưng Hoài Văn cảm thấy rất thích thú, liên tục chụp hình cùng các bạn với đủ mọi kiểu dáng.
Nguyễn Trúc Linh, sinh viên Trường đại học nông lâm TP.Hồ Chí Minh cùng một người bạn thiết kế bộ trang phục theo nhân vật Fiona trong game online Vindictus. Trúc Linh cho biết ngoài bộ trang phục, giày, tóc và phụ kiện của nhân vật mua với giá 1,2 triệu đồng, thì riêng bộ cánh được làm mất gần 1 tháng với nhiều chất liệu khác nhau để hôm nay Trúc Linh có được bộ cosplay hoàn hảo bước vào sân chơi.
Có lẽ sự thành công của các “tín đồ” cosplay không chỉ ở việc khoác lên người những bộ trang phục, phụ kiện, tạo dáng, thể hiện phong thái sao y bản chính nhân vật thần tượng của mình, mà còn có sự đóng góp rất lớn bởi những chuyên viên hóa trang.
Chị Hà Kiều Hạnh, 1 trong 3 chuyên viên hóa trang được mời đến lễ hội cho biết hóa trang cho những người tham gia trình diễn cosplay không cần phải quá cầu kỳ, kỹ lưỡng, nhưng cần nhất là tô vẽ cho thật giống nhân vật là được. Thường thì các “tín đồ” cosplay đưa ảnh nhân vật để chị vẽ theo, giá khoảng 200 ngàn đồng/lượt vẽ đơn giản, 300 ngàn đồng với mặt tô vẽ cầu kỳ. Trong khi đó, một số người tham gia sự kiện lại thích tự hóa trang cho mình và bạn bè.
* Đam mê sự nhập vai
Phong trào cosplay được khởi nguồn từ cuối thập niên 1960 tại Mỹ, sau đó lan ra nhiều nước. Tuy nhiên, khi đến Nhật Bản, cosplay đã trở thành môn nghệ thuật được người dân xứ hoa anh đào đón nhận nhiệt tình và phát triển mạnh mẽ ở các nước châu Á trong đó có Việt Nam. Lễ hội văn hóa trường học Nhật Bản với tên gọi Japan Expo Vietnam 2018 đã được tổ chức tại Trường đại học Văn Hiến (quận Tân Phú, TP.Hồ Chí Minh) nhằm kết nối toàn bộ cộng đồng những người yêu mến văn hóa Nhật Bản.
Thời tiết TP.Hồ Chí Minh nóng như đổ lửa, nhưng cả trăm “tín đồ” cosplay với đủ kiểu trang phục từ hở hang, mát mẻ đến trùm kín từ đầu tới chân. Tuy nhiên, với niềm đam mê, nhiều người bất chấp sự bất tiện của thời tiết vẫn tham gia trình diễn trước cộng đồng cosplay, mặc cho mồ hôi túa ra làm khuôn mặt hóa trang bóng nhẫy, son phấn, màu, sơn chảy trôi loang lổ, chốc chốc lại phải dặm lại.
Một cuộc thi cosplay nho nhỏ diễn ra trong sự kiện với giải thưởng là những bộ trang phục hàng Nhật chính hiệu, cuộc thi không chỉ là sân chơi quy tụ các bạn trẻ đam mê cosplay, mà còn là dịp để nhiều fan thỏa sức sáng tạo với đam mê nhập vai. Nguyễn Ngọc Đan Thư, sinh viên Trường đại học mỹ thuật TP.Hồ Chí Minh cho biết: “Tôi bắt đầu yêu thích cosplay khi tham gia lễ hội văn hóa Nhật Bản tại Hà Nội cách đây 3 năm. Hóa trang đứng giữa những “tín đồ” cosplay, tôi thấy mình như lạc vào thế giới của hoạt hình, thần thoại”.
Theo anh Nguyễn Quang, chủ shop online Kizuma cosplay (quận Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh), chuyên bán và cho thuê đồ cosplay hàng Nhật Bản nhập và hàng Việt nhái thì những năm gần đây “tín đồ” cosplay có xu hướng đông lên. Khá am hiểu trào lưu này, anh Quang nói mỗi bộ trang phục cosplay khi được khoác trên người mang một câu chuyện, một tính cách, một đặc điểm của riêng nhân vật mà người mặc nó phải thể hiện ra được. Ngoài ra, các “tín đồ” cosplay còn phải diễn “chuẩn” các hành động, dáng đi, dáng đứng, quan trọng nhất là thể hiện thần thái, nội tâm của nhân vật mà mình hóa thân.
Trong mắt người không biết, không đam mê thì cosplay là trò hóa trang quái dị, thậm chí phản cảm, nhưng với những “tín đồ” cosplay là một sân chơi nghệ thuật - nơi giới trẻ được thỏa sức sáng tạo và thể hiện cá tính của riêng mình trong mỗi nhân vật mà họ chọn.
Phương Liễu