Văn hóa

Nhớ con sông quê hương…

Xứ Đồng Nai nổi tiếng quanh năm mát lành, khí hậu ôn hòa, đó là nhờ có dòng sông Đồng Nai cùng với hệ thống sông, suối, hồ trên địa bàn không chỉ tạo thành "máy điều hòa thiên nhiên", cung cấp nước sinh hoạt mà còn giúp người dân thuận lợi trong phát triển giao thông đường thủy cũng như khai thác thủy sản.

Xứ Đồng Nai nổi tiếng quanh năm mát lành, khí hậu ôn hòa, đó là nhờ có dòng sông Đồng Nai cùng với hệ thống sông, suối, hồ trên địa bàn không chỉ tạo thành “máy điều hòa thiên nhiên”, cung cấp nước sinh hoạt mà còn giúp người dân thuận lợi trong phát triển giao thông đường thủy cũng như khai thác thủy sản.

Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố (TP.Biên Hòa).
Sông Đồng Nai đoạn chảy qua Cù lao Phố (TP.Biên Hòa).

Theo Gia Định thành thông chí (Trịnh Hoài Đức), sông Đồng Nai là tên gọi dân gian theo địa danh xứ sở, còn tên gọi hành chính là Phước Long giang, bởi vì “là một sông lớn ở phủ Phước Long, nên lấy tên phủ đặt tên sông, sau phần đông phỏng theo như thế… Phát nguyên của sông Đồng Nai rất sâu xa, suối vực sâu rộng, xuất phát từ suối Thần Quy chảy ra… Dòng nước mênh mông, chảy xuống hướng đông cho đến Tiểu Giang (sông Bé), xóm Sa Tân (Bến Cát), một hướng chảy về thác đá lởm chởm, nước chảy hung hãn hiểm ác nên ghe thuyền không lưu thông được; nước thủy triều chỉ lên tới đây là dừng, thuyền buôn cũng đậu tại đây rồi lên trạm thuế giao dịch với người Thượng”.

* Con sông hiền hòa

Tuy ra đời cách đây khoảng 200 năm trong điều kiện khảo sát còn hạn chế, nhưng Gia Định thành thông chí đã mô tả chính xác về sông Đồng Nai. Đây là con sông nội địa dài nhất Việt Nam, lớn thứ nhì Nam bộ về lưu vực; bắt nguồn từ phía Bắc cao nguyên Lâm Viên, phía Nam dãy Trường Sơn, chảy qua các tỉnh: Lâm Đồng, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, TP.Hồ Chí Minh với chiều dài 610km, trong đó đoạn chảy qua Đồng Nai dài nhất, khoảng 260km (tính từ ranh giới huyện Tân Phú đến Trị An là 110km, từ Trị An đến ngã ba sông Lòng Tàu - Nhà Bè là 150km).

Đồng Nai còn một số sông, suối lớn như: sông Lá Buông, sông Thao, suối Cả, suối Gia Ui, suối Gia Huynh, suối Le, suối Trầu, suối Quýt… chảy qua địa phận nhiều huyện trong tỉnh. Sông, suối, hồ, đầm ở Đồng Nai chiếm khoảng 9,1% diện tích tự nhiên của tỉnh (khoảng trên 29 ngàn hécta) với trữ lượng nước lớn đủ cung cấp cho nông nghiệp, sinh hoạt. Một số sông suối có độ dốc lớn, mức độ tập trung nước cao nên thuận lợi để khai thác thủy điện và công trình thủy lợi.

Sông Đồng Nai phía thượng nguồn có tên là Đa Dung, còn gọi là Đạ Đờng (tiếng cổ nghĩa là sông cái, tức là sông lớn), ở đoạn hợp lưu với sông Đa Nhim thì vượt khỏi khu vực núi chảy xuống bình nguyên ở Tà Lài (huyện Tân Phú). Sau khi gặp sông Bé, sông Đồng Nai thành ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai (huyện Vĩnh Cửu) ở tả ngạn - và Bình Dương (huyện Bắc Tân Uyên) ở hữu ngạn. Từ đây, sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc - Nam ôm lấy cù lao Thạnh Hội, cù lao Bạch Đằng (Bình Dương) và cù lao Phố (Đồng Nai). Cù lao Phố trên sông Đồng Nai trở thành thương cảng sầm uất của cộng đồng người Hoa trong gần 1 thế kỷ (17-18) chính là nhờ vị trí giao thương thuận lợi của sông Đồng Nai.

Sông Đồng Nai chảy qua TP.Biên Hòa, rồi chảy dọc theo ranh giới giữa Đồng Nai (2 huyện Long Thành, Nhơn Trạch) và TP.Hồ Chí Minh (quận 9, các huyện: Nhà Bè, Cần Giờ), giữa Bà Rịa - Vũng Tàu (huyện Tân Thành) và TP.Hồ Chí Minh (huyện Cần Giờ). Dòng chính sông Đồng Nai đoạn từ chỗ sông Sài Gòn hợp lưu đến chỗ phân lưu thành Soài Rạp và Lòng Tàu, thường gọi là sông Nhà Bè. Tên gọi này tương truyền xuất phát từ tích ông Võ Thủ Hoằng - một người giàu có ở Đồng Nai đã dựng các nhà bè chứa sẵn gạo, nước, mắm miễn phí cho những người đi lại trên sông bị lỡ con nước. 

Trong Gia Định thành thông chí, tác giả Trịnh Hoài Đức đánh giá sông Đồng Nai từ đoạn chảy qua Đồng Nai “sông rộng nước sâu, nước ngọt trong veo, là thứ nước có tiếng tốt nhất thành Gia Định để dùng gội đầu hay pha trà, dù nước suối Trung Linh ở Kim Sơn (ở tây bắc huyện Trấn Giang, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc, tương truyền nước rất ngon ngọt) hay Bạch Hạc ở Ba Lăng (huyện Nhạc Dương, tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc, cũng nổi tiếng nước trong ngọt, nấu trà rất ngon) cũng không hơn được. Chảy xuống một quãng nữa thì cùng sông Tân Bình hợp lưu thành ra sông Phước Bình (tức Nhà Bè), rồi chảy xuống hướng đông ra cửa biển lớn Cần Giờ. Thường đến tháng 8 hàng năm nước lụt đổ xuống, rửa sạch bao xú uế, lan tỏa khắp ruộng nương, tuy lụt có lớn nhỏ nhưng không sợ nạn tràn ngập mênh mông, người chết nhà trôi bởi vì sông này có nhiều nhánh rút chảy ra biển rất nhanh”.

* Ngọt lành mát rượi phù sa

Ngoài sông Đồng Nai, xứ Đồng Nai còn hệ thống sông suối phong phú, trong đó phải kể đến sông La Ngà - phụ lưu lớn nhất bên tả ngạn sông Đồng Nai. Theo Gia Định thành thông chí, “La Nha giang (tức sông La Ngà) ở phía bắc thượng lưu Phước Long giang, sông này phát nguyên từ núi Phố Chiêm chảy ra phía bắc gọi là sông Dã Dương rồi vòng quanh núi Cộp Cộp (nước sông chảy xiết cọ vào đá, tiếng kêu cộp cộp nên còn gọi là núi Sông Bập), chảy xuống đông rồi hợp lưu với nguồn Bàn Thạch ở trấn Phú Yên”.

Trong thực tế, sông bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh (TP.Bảo Lộc, tỉnh Lâm Đồng), nơi hợp lưu của 3 con suối: Rơ Nha, Đac Toren và Đac No. Lưu vực sông (vùng đất mà trong phạm vi đó nước mặt, nước dưới đất chảy tự nhiên vào sông và thoát ra) gồm phần lớn diện tích của TP.Bảo Lộc, huyện Tánh Linh (Bình Thuận) và 2 huyện Tân Phú, Định Quán (Đồng Nai). Chiều dài sông từ thượng nguồn về đến đoạn hợp lưu với sông Đồng Nai là 210km.

Sông có nhiều chi lưu, chỉ tính riêng đoạn chảy qua Đồng Nai đã có khoảng 20 nhánh lớn nhỏ, trong đó đáng kể nhất là suối Tam Bung (xã Phú Túc, huyện Định Quán) có chiều dài 23km. Sông La Ngà nguồn nước dồi dào, nguồn lợi thủy sản phong phú, không chỉ thích hợp với nuôi trồng thủy sản mà còn là nguồn tưới tiêu quan trọng cho nông nghiệp. Phong cảnh thiên nhiên của sông La Ngà rất đẹp, có một số ghềnh thác thích hợp phát triển du lịch.

Đình Dũng - Thanh Thúy

Đồng Nai

© 2021 FAP
  786,718       3/968