Văn hóa

Du lịch Đồng Nai đầu thế kỷ 20

Không phải đến hiện nay các di tích, danh thắng ở Đồng Nai mới thu hút du khách, mà từ đầu thế kỷ 20 Đồng Nai đã nổi tiếng với các điểm du lịch hấp dẫn từ phong cảnh thiên nhiên cho đến văn hóa.

Cầu Ghềnh đầu thế kỷ 20, nơi có tuyến đường bộ lẫn đường sắt đi qua, thuận lợi cho du lịch.
Cầu Ghềnh đầu thế kỷ 20, nơi có tuyến đường bộ lẫn đường sắt đi qua, thuận lợi cho du lịch.

Trong Địa chí tỉnh Biên Hòa của M.Robert - nguyên là Phó tham biện Sở Dân sự của Đông Dương (biên soạn năm 1924), tác giả viết: “Tỉnh Biên Hòa có nhiều điều lý thú về mặt du lịch nhờ vẻ đẹp và sự đa dạng về phong cảnh cũng như đường đi dễ dàng. Mạng đường bộ của tỉnh rất tốt và tỏa đi rất xa, chỉ cách Sài Gòn vài giờ mà có những vùng hoàn toàn khác với miền Tây và miền Trung… Phương tiện vận chuyển thì đa dạng: đường bộ, đường sắt, đường thủy cho phép đi các vùng đó trong những điều kiện nhanh chóng và tiện nghi rất đầy đủ”.

* Phong phú tuyến du lịch

Có nhiều tuyến du lịch ở Đồng Nai: các thắng cảnh ở Biên Hòa, từ Biên Hòa theo quốc lộ hướng ra miền Trung qua các địa phương: Trảng Bom, Xuân Lộc; từ Xuân Lộc đi Võ Đắc (nay thuộc tỉnh Bình Thuận) hoặc đi Vũng Tàu (theo quốc lộ 56 hiện nay); từ khu vực ngã ba Trị An ngày nay đi Vĩnh Cửu, hoặc từ ngã tư Dầu Giây ngày nay đi Tà Lài (huyện Tân Phú); từ Sài Gòn đi Vũng Tàu…

Các tuyến điểm du lịch ở Biên Hòa vào đầu thế kỷ 20 không khác mấy so với ngày nay, có khác chăng là phong cảnh thiên nhiên và những nét văn hóa có nhiều thay đổi. M.Robert đặc biệt chú ý đến Cù lao Phố (nay thuộc xã Hiệp Hòa) được đánh giá là trù phú, trong đó có chùa Nhị Hòa (tức chùa Đại Giác) “nổi tiếng khắp cả Đông Nam kỳ và là nơi tụ tập sư sải cùng đông đảo tín đồ ở những buổi lễ hằng năm”.

Theo M.Robert, thời ấy có dịch vụ xe buýt công cộng và xe lửa nối liền Sài Gòn - Biên Hòa. Đường bộ chủ yếu sử dụng đường thuộc địa số 1 (quốc lộ 1K ngày nay) ngang qua núi Blanchy (tức núi Châu Thới, nay thuộc tỉnh Bình Dương. Núi này được chính quyền thuộc địa giao cho thanh tra Palasme de Champeauxe sau đó ông này bán lại cho Paul Blanchy ngày 17-10-1873, vì vậy người Pháp gọi là Mont Blanchy), có nhiều chuyến xe khởi hành thường xuyên trong ngày và đi đến tất cả các thị tứ trên đường thuộc địa số 1. Từ Sài Gòn đi Vũng Tàu (lúc đó cũng thuộc tỉnh Biên Hòa, nay thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) thì có đường thuộc địa 15. Xe lửa thì đã có tuyến đường sắt Sài Gòn - Biên Hòa như hiện nay, di chuyển mất 1 giờ.

M.Robert mô tả Biên Hòa lúc đó vừa qua khỏi khu vực Vườn Mít hiện nay là đến khu rừng cao su lớn, và qua khỏi Bệnh viện tâm thần Biên Hòa (nay là Bệnh viện tâm thần trung ương 2) thì tiến vào khu rừng lớn dài khoảng 25km cho đến Trảng Bom, sừng sững như 2 bức tường thành ở 2 bên đường, rừng cây to, cao lớn và tối sầm với vẻ bí hiểm do dây leo chằng chịt dưới tán rừng và tre nứa. Hết đoạn rừng này là công trường bao la của Công ty B.I.F. Đi đến một đoạn nữa, xuất hiện một thung lũng sâu được bao quanh bởi những cánh đồng cỏ xanh tươi xinh đẹp, phong cảnh “gợi nhớ lại một cách kỳ lạ một số thung lũng của vùng Jura (Pháp)”. Khu vực này ngày nay thuộc xã Suối Tre (TX.Long Khánh).

Hành trình được M.Robert đánh giá độc đáo, thú vị nhất là từ Biên Hòa theo đường Huỳnh Văn Nghệ hiện nay đi về hướng Vĩnh Cửu đến Tân Uyên (nay thuộc tỉnh Bình Dương), ngang qua các làng Bến Cá, Bình Lợi trù phú, phì nhiêu và hình thể rất đa dạng. Dọc theo con sông Đồng Nai là những cù lao lớn nhỏ, cây cối um tùm, đồng bằng thấp và ruộng lúa xanh mơn mởn chia cắt bởi lũy tre, vườn tược tươi tốt trong đó có những cây dừa cong vẹo với những chiếc lá khổng lồ, xen lẫn với lá lưa thưa và mảnh khảnh của cây cau.

Nhiều cây rậm rạp như cây sồi, cây thốt nốt với thân to và phình ở gốc, chỏm lá hình quạt trên đỉnh; bên cạnh là những loại cây ăn trái thường gặp ở Nam bộ như: me, bưởi, cam, chuối, đu đủ, mãng cầu… Rải rác đây đó là những ngôi chùa hoặc nhà cửa nằm trong khuôn viên quen thuộc với những hàng cây sao, mù u. Từ Tân Uyên có thể đi xa hơn nữa đến Bà Rá, Bù Đốp (nay thuộc tỉnh Bình Phước).

Với tuyến du lịch từ Sài Gòn đi Vũng Tàu, ngoài đường thuộc địa 15 (tức quốc lộ 51 hiện nay) còn có lối đi bằng phà qua sông Sài Gòn và sông Đồng Nai ở tổng Thành Tuy Hạ (huyện Nhơn Trạch ngày nay) và tổng Thành Tuy Thượng (huyện Long Thành ngày nay). Theo M.Robert, đầu thế kỷ 20 phà Cát Lái đã có nhưng nhỏ và di chuyển rất chậm, không đáp ứng kịp so với tốc độ phát triển. Tuy nhiên tuyến đường này lý thú vì đi ngang qua các làng: Phước Lý, Tân Tường, Mỹ Hội với những cánh rừng đã bị khai thác một phần để trồng cao su, với ngôi nhà thờ nằm trên gò cao có rừng bao quanh và những vườn tược, đồng ruộng, sông suối hữu tình ở Rạch Đông, Phước Thiền, Đồng Môn (huyện Nhơn Trạch).

* Nhiều điểm đến hấp dẫn

Những điểm du lịch ở Đồng Nai đầu thế kỷ 20 được M.Robert mô tả rất sinh động, lý thú. Một trong những địa điểm hấp dẫn du khách ở thời điểm ấy, theo M.Robert, chính là sông Đồng Nai: “…Biên Hòa là mục tiêu đi dạo thường xuyên đối với người Sài Gòn, chiều chủ nhật, vào lúc hoàng hôn. Vẻ đẹp của phong cảnh, đặc biệt ở đoạn đi qua của sông Đồng Nai, lúc đó được tôn lên nhờ sự thần diệu của những màu sắc tinh tế nhất và hiếm có nhất có thể tưởng tượng ra được, và đó là một cảnh tượng thật sự hùng vĩ khi màn nước bao la của dòng sông lan tỏa với tất cả hào quang của một mặt trời lặn tuyệt đẹp. Mỗi phút trôi qua là một sự phối hợp của màu sắc, một sự thay đổi cảnh tượng trước mắt mỗi lần nhìn qua. Tiếp theo màu vàng ối, màu xanh lá cây và màu đỏ tía rực rỡ nhất là màu hoa cà và màu tím với sắc thái đặc biệt của xứ sở, sau đó tất cả tối sầm thành màu nâu và xanh đen là màu sắc thật sự của nước khắc đồng, đây đó có vài vệt dài màu đỏ nhạt xuyên thủng màn đêm. Cảnh tượng bầu trời giông bão gom tụ các đám mây trên sông Đồng Nai và bờ sông cực kỳ yên lặng cũng ngoạn mục không kém”.

Đường thuộc địa số 1 đi qua Biên Hòa đầu thế kỷ 20.
Đường thuộc địa số 1 đi qua Biên Hòa đầu thế kỷ 20.

Một địa điểm du lịch khác cũng được M.Robert nhiều lần nhắc đến là núi Chứa Chan (nay thuộc huyện Xuân Lộc). Ông nhận xét, nên đi núi vào mùa khô để tránh những con đỉa nhung nhúc trên đường mòn lên núi (có lẽ thực tế là con vắt) cũng như không bị sương mù che khuất cảnh vật vốn tuyệt đẹp. Hành trình leo núi có thể thực hiện bằng cách đi bộ hoặc cưỡi ngựa, mất khoảng 3-4 giờ và rất thú vị. Toàn bộ con đường mòn lên núi trải dài dưới tán cây dày đặc che phủ núi Chứa Chan từ chân núi lên tới đỉnh, khúc khuỷu, ngổn ngang đá và bụi rậm, đẹp như tranh vẽ, thỉnh thoảng một lỗ hổng trong đám lá xanh cho phép liếc nhìn cảnh xanh tươi bát ngát trải ra trên đồng bằng. Các tảng đá granite lớn bám vào sườn núi xen lẫn với dòng chảy của dung nham chứng tỏ nguồn gốc núi lửa của vùng đất. Vào mùa mưa, hàng ngàn thác nước chảy trên triền núi, đôi khi cắt cả đường mòn và ngõ lên núi. M.Robert cũng mô tả tỉ mỉ ngôi chùa trong hang động nằm ở độ cao 2/3 núi.

Tuyến du lịch rừng ở Biên Hòa đầu thế kỷ 20 đã hình thành, trong đó có loại hình ngày nay không khuyến khích nhưng lúc ấy khá thịnh hành trong giới quan chức, thượng lưu, người giàu có, đó là săn bắn. Khối rừng rộng lớn từ khu vực Vĩnh Cửu trải dài đến Bình Phước, Lâm Đồng với hệ động thực vật vô cùng phong phú không chỉ là địa điểm đi săn lý tưởng mà còn hấp dẫn những người yêu thích thiên nhiên, có máu mạo hiểu, phiêu lưu khám phá. M.Robert mô tả khu rừng với những cây bằng lăng lớn khiến người ta liên tưởng đến những cây cột ở thánh đường, những vòm cây rừng dày đặc xen lẫn với “rừng tre khốn nạn” có gai và lá cắt như dao lam (kiểu rừng hỗn giao); có những con gà rừng kiếm ăn trong thung lũng hoặc con mang chạy trốn dưới tán lá rừng, cặp chim công len lỏi trong bụi cây dọc bìa rừng cùng vô số chim ngói, bồ câu xanh, vẹt xanh nô đùa, vút tiếng hót như trong buổi hòa âm vọng đưa xa từ rừng trống này đến rừng trống khác. Nhiều loài cây có hương thơm và cây cối đa dạng tỏa mùi hương ngạt ngào đây đó.

Nguyễn Văn Phúc

Đồng Nai

© 2021 FAP
  785,938       5/1,036