Văn hóa

Chữ "hiếu" trong mùa lễ Vu Lan

Lễ Vu Lan hay còn gọi là mùa báo hiếu diễn ra vào rằm tháng 7 âm lịch hằng năm.

Phật tử chùa Viên Giác (TP.Biên Hòa) cài bông hồng vàng cho hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trong mùa Vu Lan 2018 tại chùa Tỉnh hội ngày 21-8.
Phật tử chùa Viên Giác (TP.Biên Hòa) cài bông hồng vàng cho hòa thượng Thích Nhật Quang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh trong mùa Vu Lan 2018 tại chùa Tỉnh hội ngày 21-8.

Ngày nay, lễ Vu Lan không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa về mặt tôn giáo ca ngợi lòng hiếu thảo mà đã trở thành lễ hội văn hóa, mang tính nhân văn của dân tộc.

* Báo hiếu cha, mẹ

Chị Nguyễn Thu Phương (ngụ phường Long Bình, TP.Biên Hòa) chia sẻ, mỗi mùa Vu Lan đến là dịp để những người con tưởng nhớ đến công ơn tổ tiên, cha mẹ, nhắc nhở bổn phận làm con của mỗi người phải “Một lòng thờ mẹ, kính cha - Cho tròn chữ hiếu mới là đạo con”. Chị Phương không may mắn còn cha mẹ như bao người khác nên mỗi dịp Vu Lan đến, chị thường đến chùa cầu siêu.

Thượng tọa Thích Huệ Khai, Phó ban thường trực Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh cho biết, lễ Vu Lan là lễ hội văn hóa tâm linh đã có mặt lâu đời ở nước ta, phản ánh đúng truyền thống, đạo lý “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” của dân tộc ta.

Vì cha mẹ đã mất nên đến chùa dịp này, chị Phương không quên cài lên ngực trái bông hồng màu trắng đầy nâng niu mà nước mắt lại tuôn rơi. Chị nói: “Những ai may mắn còn cha mẹ, được cài lên ngực bông hồng màu đỏ trong dịp lễ Vu Lan thì đó là niềm hạnh phúc vô bờ bến. Nếu hiếu kính với cha mẹ, luôn làm cho cha mẹ vui, đừng để đến khi cha mẹ mất phải hối hận...”.

Phật tử Diệu Hương, Tổ đình Quốc Ân Kim Cang (xã Tân Bình, huyện Vĩnh Cửu) thì bộc bạch: “Cuộc mưu sinh tất bật khiến chúng ta có lúc thiếu quan tâm đến cha mẹ. Mùa Vu Lan này, chúng ta hãy sống chậm lại, suy ngẫm, thể hiện thành tâm báo hiếu đấng sinh thành. Việc báo hiếu không phải bằng những thứ thật to tát, đắt tiền mà bằng những cử chỉ, hành động nhỏ nhất, từng ngày, chứ không chỉ đợi đến ngày Vu Lan mới báo hiếu”.

* Sống có trách nhiệm với cộng đồng

Vu Lan không chỉ là dịp báo hiếu với tổ tiên, cha mẹ mà còn là dịp để các đệ tử báo hiếu các vị tu sĩ. Các vị tu sĩ đã rời bỏ niềm vui, hạnh phúc riêng tư của bản thân để xuất gia, cứu độ chúng sinh.

Thay vì cài bông hồng màu đỏ hay màu trắng, người tu sĩ còn có cha mẹ rộng lớn hơn là tất cả chúng sinh, vì thế tu sĩ cài bông hồng màu vàng để thể hiện rõ lý tưởng cao quý này.

Lễ Vu Lan còn nhằm tri ân, đền ơn đáp nghĩa các anh hùng liệt sĩ, các thương bệnh binh, các bà mẹ Việt Nam anh hùng, những người có công với đất nước; giúp đỡ các hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống.

Sư cô Thích nữ Huệ Hiếu, Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh, Trưởng ban Văn hóa Giáo hội Phật giáo huyện Nhơn Trạch, trụ trì chùa Long Hoa (xã Hiệp Phước, huyện Nhơn Trạch) cho biết, trong dịp lễ Vu Lan này, nhà chùa tổ chức rất nhiều hoạt động, trong đó đã phóng sinh 200kg cá giống xuống sông Sài Gòn; tặng 300 phần cơm chay cho bệnh nhân Trung tâm y tế huyện Nhơn Trạch. Đồng thời, vào ngày 26-8 (tức 16-7 âm lịch) sẽ tặng 200 phần quà và 100 suất học bổng cho người nghèo và học sinh hiếu học của xã Hiệp Phước (Nhơn Trạch). Hiện nay, nhà chùa đang phối hợp với một số bác sĩ Bệnh viện Chợ Rẫy (TP.Hồ Chí Minh) chuẩn bị tổ chức đợt khám chữa bệnh và cấp thuốc miễn phí cho khoảng 200 người nghèo ở địa phương.

Phương Hằng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  629,351       2/1,051