Văn hóa

"Cởi trói" cho kinh doanh karaoke

Ngày 1-1-2019 tới đây, Luật Quy hoạch bắt đầu có hiệu lực. Khi đó kinh doanh karaoke sẽ không còn nằm trong quy hoạch bao nhiêu điểm/ấp, khu phố như trước mà sẽ được thực hiện theo nhu cầu của người dân.

Cán bộ Công an tỉnh kiểm tra điều kiện an toàn cháy nổ tại một cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.Biên Hòa. ảnh: V.Truyên
Cán bộ Công an tỉnh kiểm tra điều kiện an toàn cháy nổ tại một cơ sở kinh doanh karaoke ở TP.Biên Hòa. ảnh: V.Truyên

Điều này sẽ tạo thêm điều kiện cho những ai muốn kinh doanh loại hình văn hóa này nhưng trước đây chưa làm được do hết chỉ tiêu theo quy định, nhưng đồng thời cũng đặt ra yêu cầu cao hơn trong công tác quản lý của cơ quan nhà nước. 

* Nhu cầu lớn

Theo quy hoạch karaoke, vũ trường trên địa bàn tỉnh (từ năm 2013-2020), mỗi ấp, khu phố được bố trí lần lượt không quá 3-5 cơ sở kinh doanh karaoke. Song cách đây 3 năm, vào năm 2015, chỉ tiêu phân bố cơ sở kinh doanh karaoke đối với ấp, khu phố đã hết dù nhu cầu muốn mở thêm loại hình dịch vụ này của người dân, nhất là tại những nơi tập trung đông dân cư, công nhân lao động sinh sống đông vẫn còn rất cao.

Ông Phạm Ngọc Tuấn, Phó chủ tịch HĐND tỉnh cho hay: “Việc bỏ quy hoạch karaoke là tạo điều kiện cho người dân tham gia kinh doanh dịch vụ văn hóa, góp phần làm sôi động thêm hoạt động văn hóa của tỉnh. Khi không còn quy hoạch karaoke thì trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước sẽ tăng. Do vậy các đơn vị liên quan cần tăng cường công tác thanh kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh nếu có sai phạm nhằm đảm bảo phát triển văn hóa lành mạnh”.

Do vậy trong năm 2018 này, UBND tỉnh tiếp tục phê duyệt quy hoạch karaoke trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đối với ấp được tăng từ 3 lên 6 cơ sở và khu phố sẽ là 10 cơ sở thay cho chỉ có 5 cơ sở karaoke như trước kia. Tuy nhiên thời điểm này, người dân vẫn rất mong mỏi được tăng thêm số điểm được phép kinh doanh karaoke.

Tại TP.Biên Hòa, dù đã có đến hơn 380 cơ sở kinh doanh trong tổng số hơn 1 ngàn cơ sở kinh doanh karaoke trong toàn tỉnh song nhu cầu mở thêm điểm kinh doanh karaoke của thành phố vẫn rất nhiều, đặc biệt là ở các phường, xã: Thống Nhất, Tam Hiệp, Tam Phước…

Theo ông Nguyễn Tấn Hiếu, Phó chủ tịch UBND phường Thống Nhất, hiện toàn phường có 15 cơ sở kinh doanh karaoke hoạt động, trong đó tập trung nhiều nhất ở KP.7. Thời gian qua có không ít người tìm đến hỏi tiêu chí để mở điểm kinh doanh karaoke mới tại khu phố. Khi biết hết chỉ tiêu mở điểm kinh doanh karaoke, người dân đành chuyển sang kinh doanh loại hình khác.

* Quản lý cần chặt hơn

Theo thông tin từ Công an tỉnh, hiện Đồng Nai có hơn 1 ngàn cơ sở kinh doanh karaoke, trong đó chiếm phần lớn vẫn là kinh doanh theo kiểu hộ gia đình, ít có doanh nghiệp. Những cơ sở kinh doanh hộ gia đình chủ yếu cải tạo lại nhà ở để làm phòng hát, nên các tiêu chí về phòng cháy chữa cháy, cách âm… thường rất hạn chế, từ đó tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với người hát, chủ cơ sở kinh doanh karaoke.

Cũng theo Công an tỉnh, có một thực tế đang diễn ra tại không ít điểm kinh doanh karaoke là việc sử dụng nhân viên nữ nhiều hơn so với quy định. Khi cơ quan chức năng phát hiện, khách đến hát thường nhận là bạn đi cùng nên rất khó xử lý. Ngoài ra, thời gian qua cơ quan chức năng của tỉnh cũng phát hiện nhiều vụ việc các đối tượng lợi dụng phòng hát karaoke để tổ chức sử dụng trái phép ma túy. Vì vậy đây cũng là môi trường dễ phát sinh các tệ nạn nếu như công tác quản lý lỏng lẻo.

Giám đốc Sở Văn hóa - thể thao và du lịch Lê Kim Bằng cho hay, cứ 2 đêm/tuần, Đội Kiểm tra liên ngành trong lĩnh vực văn hóa thông tin và tệ nạn xã hội (814) tỉnh đi kiểm tra hoạt động kinh doanh văn hóa. Tuy nhiên, Đội 814 tỉnh không thể đi kiểm tra hết 1 ngàn cơ sở kinh doanh karaoke trong tỉnh mà trách nhiệm trước tiên từ chính quyền địa phương. Trên thực tế, nhiều nơi còn buông lỏng quản lý, không làm nghiêm. Do vậy, rất cần sự chung tay, đẩy mạnh thanh, kiểm tra hoạt động kinh doanh karaoke để hạn chế những biến tướng xảy ra trong môi trường này.

Võ Tuyên

Đồng Nai

© 2021 FAP
  628,958       5/1,045