Văn hóa

Những địa danh xưa của Đồng Nai

Chính thức trở thành địa danh hành chính từ năm 1698, Đồng Nai - với tên gọi là Trấn Biên, trong 320 năm hình thành và phát triển trải qua nhiều lần thay đổi địa giới cũng như địa danh hành chính, vẫn còn khá nhiều địa danh hành chính các cấp được lưu giữ đến ngày nay.

Trung tâm TP.Biên Hòa đầu thế kỷ 20.
Trung tâm TP.Biên Hòa đầu thế kỷ 20.

Ở TP.Biên Hòa hiện nay có một số địa danh hành chính như: phường Tân Phong, phường Tân Mai, phường Bửu Long, phường Tân Hòa, xã Tân Hạnh… ít ai biết rằng những địa danh này đã có từ hàng trăm năm nay. Bên cạnh đó, một số địa phương có tên gọi trùng lặp một cách thú vị.

* Bảo tồn và “lên đời”

Một trong số địa danh xuất hiện khá sớm và còn lưu giữ đến nay là Tân Hạnh. Thôn Tân Hạnh ra đời từ triều Gia Long (trị vì năm 1802-1820), thuộc tổng Chánh Mỹ, huyện Phước Chánh, phủ Phước Long. Hiện nay Tân Hạnh là đơn vị hành chính cấp xã, là một trong 6 đơn vị vừa được HĐND tỉnh thông qua nghị quyết nâng lên cấp phường. Tương tự, Bình Đa là tên một làng thành lập từ thời Minh Mạng (trị vì từ năm 1820-1841), thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh, ngày nay Bình Đa là tên của một phường của TP.Biên Hòa.

4 thôn, làng xưa khác của huyện Phước Chánh giờ còn giữ địa danh hành chính cấp phường gồm: Tân Hòa, Tân Mai, Bửu Long, Tân Phong. Trong đó, thôn Tân Hòa thuộc tổng Chánh Mỹ, thành lập từ thời Gia Long; thôn Tân Mai thuộc tổng Phước Vĩnh, thành lập từ thời Gia Long; thôn Tân Phong thuộc tổng Phước Vĩnh, cũng thành lập dưới triều Gia Long; còn làng Bửu Long ra đời từ việc sáp nhập 2 làng Bình Điện và Bạch Khôi (năm 1897), thuộc tổng Phước Vĩnh Trung. Về địa danh Bình Điện, ca dao ở Đồng Nai có câu “Ngó lên Bình Điện, thấy miệng em cười/ Tơ duyên muốn kết, sợ người đà có đôi”.

Không riêng TP.Biên Hòa, các địa phương khác trong tỉnh cũng còn giữ được tên gọi của thôn làng xưa. Như thôn Cam Đường thuộc tổng An Viễn, huyện Long Khánh, phủ Phước Tuy, thành lập dưới triều Thiệu Trị (trị vì năm 1841-1847), người dân còn gọi là Cẩm Đường. Hiện nay Đồng Nai có xã Cẩm Đường, thuộc huyện Long Thành. Thuộc địa giới hành chính của huyện Định Quán có thôn Gia Canh cũng được thành lập từ thời Thiệu Trị, ngày nay là xã Gia Canh.

Đặc biệt, một số địa danh cấp cơ sở (thôn, làng) xưa hiện nay “lên đời” thành địa danh cấp huyện. Dưới thời Minh Mạng thứ 5 (năm 1824), Định Quán là tên của một thủ người dân tộc thiểu số. Đến năm 1838 thủ Định Quán nhập với 2 thủ Bình Lợi và Phước Vĩnh, chia làm 4 tổng: Phước Thành, Bình Sơn, Bình Tuy, Bình Cách. Thôn Định Quán thuộc tổng Bình Tuy, huyện Phước Bình, phủ Phước Long. Đến năm 1957, quận Định Quán ra đời thuộc tỉnh Long Khánh. Ngày nay, Định Quán là địa danh hành chính cấp huyện, đồng thời có thị trấn Định Quán.

Tương tự, xã Cam Mỹ được thành lập từ đời Thiệu Trị (thuộc tổng Bình Lâm Thượng), người dân còn gọi là Cẩm Mỹ. Và tên gọi này đã được đặt cho địa danh hành chính cấp huyện thành lập năm 2003, đó là huyện Cẩm Mỹ ngày nay. Vĩnh Cửu dưới thời Thiệu Trị là tên của một thôn thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, huyện Phước Chánh; ngày nay Vĩnh Cửu là tên của một huyện.

* Trùng lặp thú vị

An Bình là tên một phường của TP.Biên Hòa, thành lập từ tháng 1-1976. Trong thực tế, tên gọi này xuất phát từ việc sáp nhập 2 thôn An Hảo và Bình Đa từ năm 1897, ghép tên lại thành làng Bình An, và khi thành lập phường thì trở thành An Bình. Thôn An Hảo được thành lập cùng lúc với Bình Đa, tên gọi An Hảo hiện nay không còn là địa danh hành chính nhưng được đặt cho cây cầu nối liền xã Hiệp Hòa với phường An Bình, ngoài ra còn có một tên gọi là bến đò An Hảo.

Đoạn đường trước Thành Biên Hòa đầu thế kỷ 20, nay là đường Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa)
Đoạn đường trước Thành Biên Hòa đầu thế kỷ 20, nay là đường Phan Đình Phùng (phường Quang Vinh, TP.Biên Hòa)

Thế nhưng, An Bình còn là tên gọi của một thôn thuộc tổng Bình Cách, huyện Phước Bình, phủ Phước Long, thành lập dưới triều Minh Mạng. Thôn An Bình này hiện nay thuộc huyện Phú Giáo, tỉnh Bình Phước. Cũng dưới triều Minh Mạng, tỉnh Biên Hòa còn có tổng An Bình (thuộc huyện Bình An, phủ Phước Long, nay thuộc quận Thủ Đức, TP.Hồ Chí Minh) thành lập năm 1837.

An Hòa cũng là một thôn thành lập khá sớm, từ triều Gia Long (thuộc tổng Long Vĩnh, huyện Long Thành, phủ Phước Long). Hiện nay An Hòa là xã thuộc TP.Biên Hòa. Dưới triều Minh Mạng cũng có thành lập một xã An Hòa, thuộc tổng Bình Chánh Tây, huyện Bình An, phủ Phước Long, nay thuộc khu vực TP.Thủ Dầu Một.

Tương tự, ngày nay ai cũng biết xã Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa) là tên gọi của Cù lao Phố trước đây. Đầu năm 1928, làng Hiệp Hòa ra đời trên cơ sở sáp nhập 3 làng cổ có từ thời Gia Long là: Nhứt Hòa, Nhị Hòa và Tam Hòa (thuộc tổng An Thủy, huyện Bình An, phủ Phước Long, nay là 3 ấp của xã Hiệp Hòa), và từ năm 1976 được đổi thành xã. Tuy nhiên, tỉnh Biên Hòa dưới thời Minh Mạng cũng có thôn Hiệp Hòa thuộc tổng Phước Hưng Hạ, huyện Phước An, phủ Phước Tuy. Thôn Hiệp Hòa này hiện thuộc huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Cũng như vậy, nhắc đến cái tên Long Bình, nhiều người sẽ nhớ đến Tổng kho Long Bình (trước năm 1975), Khu công nghiệp Long Bình và phường Long Bình đông dân nhất TP.Biên Hòa. Thực tế, tỉnh Biên Hòa có địa danh này từ khá sớm, đó là làng Long Bình thuộc tổng Long Vĩnh Thượng. Thế nhưng, thời Thiệu Trị tỉnh Biên Hòa cũng có thôn Long Bình thuộc tổng Bình Long, huyện Bình An, phủ Phước Long, ngày nay khu vực này thuộc địa bàn TP.Thủ Dầu Một.

Tỉnh Biên Hòa cũng có 2 địa danh Long Hưng: thôn Long Hưng thuộc tổng Thành Tuy, huyện Long Thành, phủ Phước Long, thành lập từ thời Gia Long, ngày nay là xã Long Hưng thuộc TP.Biên Hòa; một thôn Long Hưng khác thuộc tổng Phước Hưng, huyện Phước An, phủ Phước Long, cũng thành lập từ triều Gia Long, ngày nay nằm trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu. Tương tự, có một xã Long Tân nằm trên địa bàn huyện Nhơn Trạch ngày nay và một xã Long Tân nằm trên địa bàn huyện Đất Đỏ, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Ngoài ra cũng có đến 2 địa danh Xuân Lộc. Đó là thôn Xuân Lộc thuộc tổng Thành Tuy Thượng, huyện Long Thành, phủ Phước Long, thành lập dưới triều Minh Mạng. Thôn này trải qua nhiều lần thay đổi, sáp nhập, nay thuộc khu vực thị trấn Gia Ray, huyện Xuân Lộc. Ngoài ra còn có làng Xuân Lộc thuộc tổng Phước Vĩnh Hạ, năm 1928 sáp nhập với làng Bình Lợi thành làng Bình Quới, nay thuộc tỉnh Bình Dương.

Ước mong nơi quê mới

Thời mở cõi, phần lớn lưu dân vào Đồng Nai là người nghèo, đánh liều tìm đến vùng đất mới với hy vọng đổi đời, có cuộc sống thịnh vượng, trù phú hơn. Mong mỏi ấy được thể hiện qua việc đặt tên thôn, làng nơi quê mới.

Buổi đầu, khá nhiều thôn, làng ở Đồng Nai được bắt đầu với từ “Long”, như: Long An (xã Long An ở huyện Long Thành), Long Bình, Long Tân, Long Điền, Long Đức, Long Phước, Long Giao, Long Hưng, Long Khánh, Long Thành, Long Thọ… Theo PGS-TS.Huỳnh Văn Tới, từ “long” ở đây không có nghĩa là “rồng” như nhiều người vẫn nghĩ, mà trong tiếng Hán có nghĩa là hưng thịnh.

Cũng với mong ước tương tự, nhiều địa danh đã được bắt đầu với từ “Phú”, nghĩa là giàu có như: Phú An, Phú Bình, Phú Cường, Phú Điền, Phú Hòa, Phú Hội, Phú Hưng, Phú Hữu, Phú Lạc, Phú Lập, Phú Lợi, Phú Mỹ, Phú Ngọc, Phú Thạnh…

Đồng Nai hiện có 2 địa danh Hố Nai, là phường Hố Nai (TP.Biên Hòa) và xã Hố Nai 3 (huyện Trảng Bom).

Trong thực tế, đã từng có đến 4 địa danh Hố Nai. Đó là xã Hố Nai thuộc tổng Phước Vĩnh Thượng, quận Châu Thành (sau thuộc quận Đức Tu), thành lập năm 1956. Đến năm 1976 tách thành 2 xã: Hố Nai 1 (nay là phường Hố Nai); Hố Nai 2 (ngày nay là 2 phường Tân Hòa, Tân Biên của TP.Biên Hòa).

Còn xã Hố Nai 3 cũng thành lập từ năm 1976 trên cơ sở tách ra từ xã Hố Nai và nhập thêm ấp Quảng Biên (lúc đó thuộc xã Trảng Bom 1). Ngoài ra còn có xã Hố Nai 4 (thuộc huyện Thống Nhất cũ), đến năm 1994 nhập thêm một phần ấp Quảng Biên để thành lập thị trấn Trảng Bom (huyện Trảng Bom).

Hà Lam

Đồng Nai

© 2021 FAP
  803,662       1/961