Văn hóa

Nhiếp ảnh Đồng Nai:"Lặn lội" đi tìm cái đẹp

Ảnh nghệ thuật Đồng Nai nhiều năm nay vẫn được giới nhiếp ảnh trong, ngoài tỉnh đánh giá cao về chủ đề tư tưởng, tính nghệ thuật, thể hiện qua nhiều giải thưởng khu vực, trong nước và quốc tế. Tên tuổi các nhiếp ảnh gia như Nguyễn Đình Quốc Văn, Bùi Viết Đồng, Lò Văn Hợp, Trần Hữu Cường, Phạm Quốc Hưng, Nguyễn Hòa, Lê Hòa, Nguyễn An… không xa lạ với giới nhiếp ảnh Đông Nam bộ.

Ảnh nghệ thuật Đồng Nai nhiều năm nay vẫn được giới nhiếp ảnh trong, ngoài tỉnh đánh giá cao về chủ đề tư tưởng, tính nghệ thuật, thể hiện qua nhiều giải thưởng khu vực, trong nước và quốc tế. Tên tuổi các nhiếp ảnh gia như Nguyễn Đình Quốc Văn, Bùi Viết Đồng, Lò Văn Hợp, Trần Hữu Cường, Phạm Quốc Hưng, Nguyễn Hòa, Lê Hòa, Nguyễn An… không xa lạ với giới nhiếp ảnh Đông Nam bộ.

Ban Nhiếp ảnh Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tác nghiệp tại TP.Đà Lạt
Ban Nhiếp ảnh Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai tác nghiệp tại TP.Đà Lạt

Nhưng trừ dân trong nghề, ít ai thấu hiểu sự vất vả, nhọc nhằn của nghề “săn” ảnh nghệ thuật. Tôi đã nhận ra điều này khi may mắn được theo chân các nghệ sĩ nhiếp ảnh đi tác nghiệp ở TP.Bảo Lộc (Lâm Đồng) vào một ngày đầu mùa mưa 2019.

* Vượt khó khăn vì đam mê

Chuyến đi có trên 20 tay máy, trong đó chỉ 1 người thuộc “phái đẹp” là nhiếp ảnh gia Nguyễn Thị Tỉnh. Nhìn bề ngoài cả đoàn na ná nhau: quần và áo gile đầy túi, lưng đeo ba lô, cổ đeo máy ảnh, có người vác cả chân máy hay flycam… Buổi tác nghiệp đầu tiên ở Mái ấm nuôi trẻ mồ côi, khuyết tật. Với sự giúp đỡ của các Sœur ở trại trẻ, anh chị em tản ra, mỗi người chọn một góc. Để chụp được hình ảnh những cô bé, cậu bé thiểu năng trí tuệ đang tưới rau, chăm sóc giàn hoa phong lan, chăm vật nuôi như heo, thỏ, các nhiếp ảnh gia phải “thị phạm” cho các em rất nhiều lần. Nhìn nụ cười ngây ngô của “người mẫu” và những giọt mồ hôi của người thợ ảnh mới thấy nhiếp ảnh nghệ thuật quả là công việc đòi hỏi phải nhẫn nại hết nấc chứ không hề là “làm chơi ăn thật”.

Ở Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, Ban Nhiếp ảnh nghệ thuật là một tập thể có tay nghề cao, nhiều tay máy giỏi, đề tài ảnh cũng khá phong phú: phản ánh con người Đồng Nai trong lao động sản xuất, chiến đấu, vẻ đẹp đa dạng, sinh động của thiên nhiên, các sự kiện lịch sử trọng đại… Dù phải “ tự bơi” là chính, 46 tay máy (3 nữ), trong đó hội viên chuyên ngành Trung ương gồm 20 người, bằng tài năng và tâm huyết đã luôn tìm tòi, khám phá, sáng tạo, ghi được những bức ảnh giàu tính nhân văn, góp phần tôn vinh những vẻ đẹp của đời sống.

Ấn tượng nhất đối với tôi là khi các nhiếp ảnh gia tập trung chụp cảnh đánh bắt cá trên một đoạn thung lũng vốn là hồ nước nhưng đã khá cạn, những cái đăng bắt cá ken dày trên lòng hồ. Từ trên sân một ngôi nhà, hơn 20 ống kính cùng chĩa xuống lòng hồ, nơi 1 người đàn ông đang mải mê lắc thuyền đuổi cá, chiếc áo đỏ của anh ta nổi bật như một ngọn lửa di động. Nhiếp ảnh gia Kiều Tân còn chụp ảnh trong tư thế ngồi chênh vênh trên chiếc thang sắt mang theo từ nhà.

Khi chụp ảnh vùng chè Bảo Lộc, nắng rất gắt. Những đồi chè vòng cung thật nên thơ nhưng công nhân hái chè lại ở tít dưới thung lũng, các nhiếp ảnh gia thì đứng trên đồi. Mọi người chật vật tìm vị trí, chỉnh máy, chiếc flycam bay vèo vèo trên đầu. Trong khi anh chị em mải mê tác nghiệp, tôi chui vào gốc cà phê ngồi, mồ hôi vã như tắm. Giờ mới hiểu vì sao mỗi lần đi chụp hình, tay máy Nguyễn Thị Tỉnh thường trùm khăn áo kín như bưng, chỉ hở 2 con mắt, hóa ra là để tránh nắng.

Hôm sau, đoàn lên Đà Lạt, trời mưa, thời tiết xấu. Tuy vậy, chỉ trừ số nghệ sĩ cao tuổi ở lại nhà nghỉ, nhóm hơn chục anh chị em trẻ vẫn thuê xe ôm đi tác nghiệp. Những chiếc xe máy “hầm hố” khởi hành lúc trời chưa sáng, đường mưa trơn trượt, bùn quánh vào bánh xe nên trầy trật mãi các nhiếp ảnh gia mới lên được địa điểm chụp là một mỏm đồi cao. Sương mù dày đặc, chiếc  đèn pin mang theo chỉ lóe lên chút ánh sáng nhỏ nhoi như đèn đom đóm không đủ để soi rõ cảnh trí. Vậy là loay hoay một lúc rồi tất cả đành lên xe… quay về. Một nhiếp ảnh gia trong khi dùng vải, túi
ny-lông cẩn thận bọc kín máy ảnh vui vẻ bảo tôi, anh sẵn sàng chịu mưa nhưng đồ nghề thì phải giữ thật an toàn, vì máy ảnh chính là nguồn sống, là phương tiện thỏa mãn sở thích của anh.

* Nghề lắm công phu

Chụp ảnh nghệ thuật công phu nhưng không phải chuyến đi nào cũng thành công. Tác nghiệp ở khu công nghiệp thật sự là thử thách lớn đối với các nhà nhiếp ảnh. Vào được nhà máy, xí nghiệp đã may mắn, nhưng nếu người lao động trong khi làm việc không đội mũ bảo hộ, không mặc đồng phục thì không thể chụp hình vì có chụp, bức ảnh cũng không có giá trị.

 Tương tự như vậy, nơi sản xuất thực phẩm chỉ cần vô tình dính một con ruồi là bức ảnh buộc phải hủy, vì không thể dùng photoshop loại bỏ con ruồi. Nhưng khó khăn không làm các nhà nhiếp ảnh chùn bước bởi trong tim họ cháy bỏng niềm đam mê vẻ đẹp của ánh sáng, đường nét, bố cục, góc nhìn, cộng thêm ý thức trách nhiệm với nghề nghiệp. Mỗi bức ảnh nghệ thuật không phải chỉ “chụp cho vui” mà đều chuyển tải một thông điệp của đời sống.  Đó có thể là lời nhắc nhở phải bảo vệ môi trường, lời cảnh tỉnh tai nạn giao thông hay là bài thơ bằng hình ca ngợi vẻ đẹp của tình người…

Nhiếp ảnh gia Lò Văn Hợp đã may mắn thu vào ống kính khoảnh khắc những công nhân đang sửa đường ray sau sự cố tàu hỏa đâm xe tải trên cầu Ghềnh, tác phẩm Chung sức của anh mô tả cái đẹp trong lao động đã giành được huy chương vàng duy nhất của Liên hiệp các hội văn học nghệ thuật Việt Nam năm 2018. Đó là ví dụ điển hình về sự nhạy cảm của nhà nhiếp ảnh và hiệu ứng xã hội của một tác phẩm nghệ thuật.

Hoàng Ngọc Điệp

Đồng Nai

© 2021 FAP
  803,273       1/961