Văn hóa

Mai Hân Hạnh: Hồn thơ ngụ trong tiếng sáo

Nhà thơ Mai Hân Hạnh được biết đến như một người luôn say với thơ và say với tiếng sáo, dù anh luôn tự nhận mình là người không chuyên trong cả hai lĩnh vực này. Có nghe nhà thơ tâm sự mới hiểu được hồn thơ của anh xuất phát từ đâu và cuộc đời anh được tiếng sáo và những câu thơ gắn bó, nâng đỡ như thế nào…

Tập thơ Hương đất của Mai Hân Hạnh
Tập thơ Hương đất của Mai Hân Hạnh

Nhà thơ Mai Hân Hạnh được biết đến như một người luôn say với thơ và say với tiếng sáo, dù anh luôn tự nhận mình là người không chuyên trong cả hai lĩnh vực này. Có nghe nhà thơ tâm sự mới hiểu được hồn thơ của anh xuất phát từ đâu và cuộc đời anh được tiếng sáo và những câu thơ gắn bó, nâng đỡ như thế nào…

* Trưởng thành từ tiếng sáo, lời thơ

Nỗi bất hạnh trong chiến tranh, cũng là cơ duyên đã mang đến cho anh cả hồn thơ và tiếng sáo, khi người anh duy nhất của Mai Hân Hạnh hy sinh ở chiến trường, kỷ vật gửi về trong ba lô cũ nát chỉ còn một cây sáo và đôi dòng thơ cháy xém, sau này anh luôn nhắc lại như một tiếng gọi thiêng liêng của cuộc đời:

“Nhớ như những lúc nhớ nhà

Thương là thương nhất, thương bà, thương em”

Cuộc đời côi cút từ tấm bé, sự hy sinh của anh trai quả không có gì bù đắp được. Nhưng nhờ cây sáo và đôi câu thơ ấy mà người thiếu niên đã trưởng thành và vững bước trên đường đời, đó cũng là một kỷ niệm đáng trân trọng. Mai Hân Hạnh đã học tập và trở thành sĩ quan công an tại Thanh Hóa. Những năm 1990, rời quê nhà, vợ chồng anh đến Đồng Nai mưu sinh rất vất vả, nhưng nhờ vậy các con lần lượt nên người, hầu hết theo nghề giáo viên của mẹ. Hồn thơ và tiếng sáo vẫn đeo đẳng, đồng hành với cuộc đời anh.

Năm 2014, tập thơ Chiếc bóng ra đời được nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo tặng những dòng đầy cảm xúc: “Đọc thơ Mai Hân Hạnh, ta chia sẻ nỗi lòng người xa quê như than lửa vùi trong tro trấu, như trái tim ủ ấm trái tim… Với hồn thơ mộc mạc, chân thành, lúc ghìm sâu, lúc bay bổng…” Năm 2015, Mai Hân Hạnh trở thành hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai, và từ đây, thơ ca đã thực sự gắn kết anh với phong trào, giúp anh tìm được những người thầy, người bạn đúng nghĩa.

* Nét duyên riêng

Anh đặc tả chân dung họa sĩ Đào Tấn Hưng, người chiến sĩ đặc công rừng Sác năm xưa bằng sự rung động sâu xa:

“Đặc công không giống văn công

Khi vào trận đánh má hồng lọ lem

Tháp, đồn giặc cháy rực đêm

Má hồng anh lại lọ thêm má hồng

Chiến khu khói lửa mịt mùng

Luồn sâu, đánh hiểm vang lừng chiến công

Suối reo khúc nhạc tưng bừng

Rừng xanh che chở điệp trùng quân đi

Đặc công gian khổ quản gì

Biết bao chiến sĩ ra đi không về

Máu hồng đổ, giữ đất quê

Hồn anh làm sóng vỗ về non sông”

(Yêu anh má hồng lọ lem)

Có lẽ cảm hứng làm thơ của Mai Hân Hạnh được khởi đi bằng cảm xúc, và cũng hướng đến tình cảm yêu thương, chia sẻ, nên thơ anh luôn dạt dào tình cảm. Đối với con người là thế. Còn đối với những miền đất, nhất là quê hương Đồng Nai, thơ anh luôn tìm được những nét “duyên” riêng trong một tổng thể xinh đẹp, giàu sức sống:

“Chiến khu Đ, giờ xanh rừng sinh quyển

Xanh cho em

Xanh trong tôi

Xanh muôn nơi

Xanh nghìn sau…

Máu liệt sĩ tươi hồn cây dân tộc”

(Vùng đất thiêng)

“Chiến tranh đã đi qua

Mã Đà thành chân lý

Mất mát thấu lòng nhau

Mã Đà thành tri kỷ…”

(Buổi sáng ở Mã Đà)

Dự trại sáng tác ở tỉnh Khánh Hòa, anh viết bài Nha Trang biển gọi:

“Tổ quốc tôi, nơi Nha Trang đằm thắm

Xanh mặn mà, trong vắt lòng nhau

Ta xa biển

cồn cào sóng vỗ.

Biển nhớ ta

tím vỡ hoàng hôn”

Đi du lịch ở nước Nga, Mai Hân Hạnh có sự liên tưởng đáng quý:

“Em gái Nga,

        chân nhấn ga.

Tiếng máy reo

        chiều hối hả

Nụ cười rộn rã

Ơn bột mì Nga

Ấm lòng ta thời đánh Mỹ

Ân tình bao tri kỷ

Bánh mì Nga

Trái tim tôi

Hà Nội, Moskva”

Đó là những câu thơ được viết nên từ tâm hồn có cái nhìn rộng mở, nhiệt tình với cuộc sống và biết trân trọng tình yêu, cái đẹp. Sự xuất hiện của Mai Hân Hạnh vẫn luôn gắn với cây sáo đáng yêu nhờ những bài sáo giúp vui văn nghệ, những câu thơ ứng tác đầy hứng khởi, và nhờ vào tác phong thoải mái trẻ trung. Vì vậy, ít ai biết nhà thơ đã bước vào tuổi thất thập và không ít người băn khoăn không biết anh lấy đâu năng lượng để vui sống, sáng tác và hòa mình vào với thơ đến như vậy. Mai Hân Hạnh không “đóng khung” mình trong tuổi tác, vẫn khiêm tốn, miệt mài với những vần thơ và hiện còn tập tành viết thư pháp.

Nhà thơ Mai Hân Hạnh trong một buổi biểu diễn thơ cùng tiếng sáo
Nhà thơ Mai Hân Hạnh trong một buổi biểu diễn thơ cùng tiếng sáo

Gắn bó với thơ và tiếng sáo từ thuở thiếu thời, nhưng đến với phong trào sáng tác của tỉnh Đồng Nai khá muộn, Mai Hân Hạnh là một phong cách và tiếng thơ riêng trong hành trình không mệt mỏi của chính anh. Trong 5 năm qua, anh đóng góp thêm cho tỉnh nhà thêm một tập thơ (Hương đất, Nhà xuất bản Hội Nhà văn 2018), một số giải thưởng thơ trong tỉnh. Và điều đáng mừng là sự tín nhiệm để gánh vác vai trò Chủ nhiệm Câu lạc bộ thơ của phường Tân Mai (TP.Biên Hòa), Ủy viên Ban Kiểm tra của Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai.

Tấm gương phấn đấu của nhà thơ Mai Hân Hạnh và những người cùng thế hệ chính là sự cổ vũ sinh động cho tình yêu lớn lao dành cho thơ ca và cuộc sống.

Mai Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  800,993       5/891