Văn hóa

Nghiên cứu địa lý học lịch sử trong các công trình sử học ở Đồng Nai

Địa lý học lịch sử là một môn khoa học quan trọng trong nghiên cứu sử học. Các công trình sử học địa phương cũng đã đặt vấn đề nghiên cứu trên khía cạnh này.

Một số công trình sử học nghiên cứu về địa lý học lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: M.Khôi
Một số công trình sử học nghiên cứu về địa lý học lịch sử vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai. Ảnh: M.Khôi

Tỉnh Đồng Nai từ khi được thành lập đến nay đã có nhiều công trình nghiên cứu sử học dưới góc độ địa lý học lịch sử được ra mắt mà chủ yếu là về sự thay đổi trong địa lý hành chính. Trong đó có các tác phẩm tiêu biểu như: Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử Đồng Nai do ThS.Trần Quang Toại làm chủ biên; Địa chí Đồng Nai gồm 5 tập của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Đồng Nai phối hợp chỉ đạo và thực hiện (nhiều tác giả) và còn có công trình nghiên cứu Địa chí tỉnh Biên Hòa của M.Robert (2 tác giả Nguyễn Văn Phúc và Lê Tùng Hiếu biên dịch).

Công trình nghiên cứu Địa danh hành chính - văn hóa - lịch sử Đồng Nai do ThS.Trần Quang Toại chủ biên được Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2013. Tác phẩm tập trung khai thác sự thay đổi của những địa danh hành chính từ cấp xã, phường trở lên cũng như các địa danh văn hóa, địa danh lịch sử qua các thời kỳ. Công trình là một kho tài liệu quý báu cho các học giả khi nghiên cứu về khía cạnh địa lý học lịch sử của tỉnh Đồng Nai.

Về công trình nghiên cứu Địa chí Đồng Nai (nhiều tác giả), gồm 5 tập do Nhà xuất bản Đồng Nai ấn hành năm 2001. Bộ sách khảo cứu về các lĩnh vực đa chiều gồm: địa lý, kinh tế, lịch sử, văn hóa xã hội của tỉnh Đồng Nai qua các thời kỳ lịch sử. Trong đó tập 2: Địa lý có thể coi là bộ bách khoa toàn thư về địa chí tỉnh nhà, chứa đựng nguồn thông tin phong phú, đa dạng về sự hình thành và phát triển của mảnh đất Biên Hòa - Đồng Nai sau 300 năm.

Công trình nghiên cứu Địa chí tỉnh Biên Hòa của M.Robert do 2 tác giả Nguyễn Văn Phúc và Lê Tùng Hiếu biên dịch và ra mắt vào năm 2015. Công trình này dịch từ nguyên bản Monographic de la province de Biên Hoa của M.Robert xuất bản từ năm 1924, tức không nằm trong phạm vi tỉnh Đồng Nai thời hiện đại, tuy nhiên đây được xem là một nguồn tài liệu quý giá, góp phần bổ trợ cho nhiều công trình sử học địa phương sau này.

Công trình đã phác họa một bức tranh toàn cảnh của tỉnh Biên Hòa xưa trên đầy đủ các khía cạnh từ địa lý tự nhiên cho đến quá trình lịch sử của vùng đất. Cùng với đó tập trung làm rõ khía cạnh kinh tế của tỉnh Biên Hòa: từ các hoạt động nông, lâm, ngư nghiệp cho đến việc phát triển kỹ nghệ cũng như tiềm năng du lịch của vùng đất. Qua đó, nhấn mạnh yếu tố không gian địa lý để phỏng chiếu về hoạt động của con người Biên Hòa thời điểm đó. Đây cũng là nét đặc trưng khi đặt vấn đề nghiên cứu dưới góc độ địa lý học lịch sử. 

Ngoài ra, không thể không kể đến một số công trình nghiên cứu quan trọng khác như: Biên Hòa sử lược toàn biên của tác giả Lương Văn Lựu in năm 1972-1973; Nghiên cứu địa bạ Triều Nguyễn: Biên Hòa của tác giả Nguyễn Đình Đầu do Nhà xuất bản TP.Hồ Chí Minh ấn hành năm 1994...                                                          

Minh Khôi

Đồng Nai

© 2021 FAP
  802,136       4/1,103