Văn hóa

Campuchia trên trang viết một nhà văn quân đội

Năm 1979, nhà văn - nhà biên kịch, Thiếu tá Hoàng Văn Bổn thuộc Xưởng phim Quân đội được cử sang Campuchia để thực hiện phim tư liệu. Ông và các đồng đội nằm trong đội ngũ bộ đội tình nguyện Việt Nam, "những người đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng" như cách nói của Thủ tướng Hunsen và nhân dân Campuchia.

Năm 1979, nhà văn - nhà biên kịch, Thiếu tá Hoàng Văn Bổn thuộc Xưởng phim Quân đội được cử sang Campuchia để thực hiện phim tư liệu. Ông và các đồng đội nằm trong đội ngũ bộ đội tình nguyện Việt Nam, “những người đã giúp giải phóng Campuchia khỏi chế độ diệt chủng” như cách nói của Thủ tướng Hunsen và nhân dân Campuchia.

Với tình cảm của một nhà văn quân đội, một người dân Việt Nam, nhà văn Hoàng Văn Bổn đã để lại nhiều trang viết xúc động về những ngày tháng ấy.

* Xoa dịu những vết thương

Khi xuất bản tập ký Vũ trụ (1991), nhà văn Hoàng Văn Bổn đã kể lại câu chuyện đoàn làm phim được điều động đến Campuchia trên chiếc xe Jeep cuộn đầy bụi đỏ, trên đường vẫn còn tàn tích chiến tranh và những người họ gặp không thể phân biệt được là bạn hay là thù. Tất cả đều phải lăm lăm vũ khí phòng thân song những người lính tình nguyện Việt Nam thì ngay lập tức nhận ra nhau và chia sẻ thông tin, nhiệm vụ. Đoàn làm phim đi vào phum sóc, đi gặt lúa, đập lúa với nhân dân Campuchia và bộ đội 2 nước, hòa mình vào cuộc sống mới của đất nước Campuchia, đồng thời hối hả dốc toàn lực để thực hiện bộ phim.

Câu chuyện được kể nhanh gọn, mang đầy tình yêu và lòng nhiệt tình của người lính như muốn xoa dịu những vết thương của đất nước, của con người nước bạn. Hoàng Văn Bổn kể về những thanh niên, phụ nữ, sinh viên, bác sĩ… trở về từ cõi chết, ông đặc tả ánh mắt, cử chỉ của họ để miêu tả nỗi đau tinh thần và thể xác mà họ từng phải gánh chịu.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn tên thật là Huỳnh Văn Bản (1930-2006) sinh tại ấp Long Chiến, xã Bình Long, quận Tân Uyên, tỉnh Biên Hòa nay là huyện Vĩnh Cửu, tỉnh Đồng Nai. Ông là nhà văn tiêu biểu của 2 cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, là nhà văn lớn của đất Đồng Nai và cả Nam bộ.

Nhà văn Hoàng Văn Bổn

Đó là những trang viết như làn gió thổi nhanh qua đau thương, để đuổi theo những khát vọng sống của một thời kỳ mới, thời kỳ đất nước Campuchia hồi sinh. Có ai biết được chính nhà văn Hoàng Văn Bổn và đoàn làm phim của ông phải nén lòng, phải giấu đi những điều kinh khủng nhất mà chế độ diệt chủng Pol Pot để lại.

Đại tá - nhà biên kịch Phạm Minh Lợi, một đồng đội trẻ tuổi của nhà văn Hoàng Văn Bổn sau này kể lại: Những gì mắt thấy, tai nghe trên đất nước Campuchia khủng khiếp hơn rất nhiều mọi người thấy trong phim, vì có những cái độc ác hơn những điều độc ác, những cái chết thảm khốc hơn mọi thứ thảm khốc và những hình ảnh hãm hiếp phụ nữ man rợ hơn những thứ man rợ nhất... Vì vậy, tuy thời gian đòi hỏi gấp rút, nhà văn Hoàng Văn Bổn vẫn phải bỏ ra 2 ngày để “tránh cảm xúc giả” rồi mới có thể hoàn thành được kịch bản phim và đó là bộ phim Đất nước sống lại (trích bút ký Chín tháng mười ngày).

Với tư cách là những chứng nhân lịch sử, đoàn làm phim Xưởng phim Quân đội đã chọn cách nghĩ, cách làm nhân văn nhất, đó là cùng nhân dân nước bạn hướng tới tương lai, quên đi mọi hy sinh, mất mát của quân đội mình, cùng chung tay xây dựng lại cuộc sống đầy đau thương đã qua.

* Đồng hành cùng sự hồi sinh

Những câu chuyện, hình ảnh về nạn diệt chủng vẫn còn ám ảnh, được tái hiện nhiều lần trong các tác phẩm khác của nhà văn Hoàng Văn Bổn, mặc dù sau năm 1980 ông chia tay “phố nhà binh”, cùng gia đình trở về Đồng Nai. Đó là cách một người lính, một nhà văn lựa chọn để đồng hành với sự hồi sinh của nước bạn, cũng là để giữ gìn và thắt chặt tình đoàn kết, hữu nghị giữa Việt Nam - Campuchia.

Người đọc có thể tìm thấy sự ám ảnh ấy trong hồi ký Ngôi sao nhớ ai, trong những truyện ngắn của tập Người điên kể chuyện người điên, hay ở tác phẩm cuối cùng, tiểu thuyết Nhớ người xưa... Tất cả những nỗi đau, sự xót thương, dù là dành cho đồng bào mình hay người nước bạn, đều được diễn tả một cách gián tiếp, tế nhị. Có khi là ở chi tiết những cô gái đẹp nhất đất Đồng Nai cũng không thể biết người anh hùng của mình đi đâu, chỉ biết là đến Campuchia để làm “nhiệm vụ đặc biệt”, có khi là lời thổ lộ của chính nhà văn: “Tôi đã hàng trăm lần nói dối, chối quanh trước những câu hỏi rất “đơn giản” như thế. Với nhà tôi, với các con tôi, tôi vẫn phải hàng trăm lần nói dối như thế: “Mặt trận nơi ấy thuộc loại phụ, loại xoàng thôi mà, lo gì. Năm nay anh khỏi đi mặt trận, phải làm loại phim tổng kết tại bàn dựng, xào xáo phim tư liệu thôi… Nhịn đói 4-5 ngày liền, vẫn cứ bảo là rất đầy đủ, nhiều món thịt rừng ngon lắm. Bị sốt rét hành hạ đến ngã quỵ, vẫn cứ là: anh vẫn mạnh khỏe, vẫn thấy lên cân…”.

Đến nay, cuộc chiến tranh biên giới Tây Nam đã lùi xa hơn 40 năm, nhiều người từng trực tiếp đến với nước bạn Campuchia trong những ngày đau thương nhất cũng không còn... Chúng ta chợt nhận ra trong văn học Việt Nam chưa có nhiều tác phẩm viết về thời kỳ này, về những người lính tình nguyện Việt Nam và những hy sinh, mất mát để bảo vệ nền hòa bình chung. Ngoài những trang viết của nhà văn Hoàng Văn Bổn, cùng thời ông có những bài thơ của nhà thơ Phạm Tiến Duật, Phạm Sỹ Sáu...

Gần đây, nhà văn Nguyễn Hiệp (Bình Thuận) xuất bản tiểu thuyết Từ thời gian khác nói về nạn diệt chủng ở góc độ con người thời hậu chiến. Hoặc cây bút nữ Bích Trà (Dương Thu Hường - Đồng Nai) mới giới thiệu tập bút ký Tuyệt đỉnh Phnom Penh mang dáng dấp du ký về một vùng đất… Tuy ít ỏi nhưng rất đặc biệt, đó là những tác phẩm để lại dấu ấn sâu đậm về vóc dáng, tư thế và tình cảm của những người lính Việt Nam tình nguyện và đất nước Campuchia đầy gắn bó, thân thương.   

Mai Sơn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  802,422       4/1,033