Văn hóa

Ghi nhớ máu xương đổ xuống vì Tổ quốc

Có lẽ không nơi đâu trên địa cầu, một dân tộc phải liên tục đương đầu với nhiều cuộc chiến tranh nối tiếp suốt chiều dài lịch sử vì sự tồn tại, vì độc lập tự do của dân tộc mình, Tổ quốc mình như dân tộc Việt Nam. Văn chương, nghệ thuật đã có nhiều tác phẩm thể hiện phần nào sự hy sinh cao cả, vĩ đại ấy.

Đoàn văn nghệ sĩ, cựu chiến binh Việt Nam chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài quân tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Pênh
Đoàn văn nghệ sĩ, cựu chiến binh Việt Nam chụp ảnh lưu niệm bên tượng đài quân tình nguyện Việt Nam tại Phnôm Pênh

Ở bài viết nhỏ này, chúng tôi xin được điểm đến một số tác phẩm thơ, nhạc viết về 2 cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới phía Bắc, phía Tây Nam và thực hiện nghĩa vụ quốc tế của một số tác giả, trong đó có các tác giả Đồng Nai.

* Từ Gặp lại các em...

Một ngày của năm 2017, nhạc sĩ Trần Viết Bính đọc được bài thơ Gặp lại các em của nhà thơ quân đội Nguyễn Đình Chiến. Bài thơ viết năm 1981 trên chiến hào bảo vệ biên giới phía Bắc, đã được trao Giải A cuộc thi thơ năm 1982 của Báo Văn nghệ (Hội Nhà văn Việt Nam).

Những câu thơ viết từ máu, từ trái tim chiến sĩ về sự hy sinh cao cả cho Tổ quốc đã lay động Trần Viết Bính, truyền cảm hứng cho ông. Giai điệu và những nốt nhạc vụt đến trên phím piano, trầm hùng, da diết, sâu thẳm. Người đầu tiên được thể hiện bài hát Gặp lại các em là ca sĩ Ngọc Khoa, anh vừa hát vừa khóc. Bài hát dâng lên nghẹn ngào, xúc động trong tiếng hát hòa tiếng khóc mà cao cả, thiêng liêng, không bi lụy, yếu mềm: “Các em nằm yên nghỉ bên sông/ Những cánh hoa hồi phủ thơm mặt đất/ Anh về thăm mà khôn cầm nước mắt/ Trời biên cương xanh ngắt/ Mây trắng bồi hồi…/ Anh tìm các em trong nghi ngút nắng hè/ Để bóng anh trùm lên từng ngôi mộ/ Hàng bia nhỏ không còn nhìn rõ chữ/ Nhưng gương mặt nào anh cũng nhớ y nguyên… (Trích theo lời bài hát). Có thể xếp bài thơ Gặp lại các em của nhà thơ Nguyễn Đình Chiến và ca khúc phổ thơ cùng tên của nhạc sĩ Trần Viết Bính vào hàng những tác phẩm hay nhất về đề tài thương binh liệt sĩ.

* ...đến góp phần xoa dịu nỗi đau

Cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc kéo dài 10 năm (1979-1989). Trước đó, ở phía Tây Nam, ngay sau những ngày hòa bình, thống nhất non sông sau 21 năm chiến tranh khốc liệt, dân tộc ta đã phải đương đầu với cuộc tấn công xâm lấn biên giới, tàn sát đồng bào ta của bè lũ diệt chủng Pôn Pốt, tay sai của lũ quan thầy bành trướng. Quân diệt chủng tràn sang gây tội ác với đồng bào ta suốt dọc dải biên giới Tây Nam, gây ra những vụ thảm sát kinh hoàng, hàng trăm người, cả một làng, một xã, nhiều trường học...

Trước đó, bè lũ Khmer đỏ còn là bạn cùng chiến hào chiến đấu chống kẻ thù chung với ta nên lúc đầu chúng ta bị bất ngờ, phải qua đau xót, mất mát to lớn mới nhận ra: “Mảnh tang trắng trên tay đồng đội. Thành ánh sáng cho chúng tôi nhìn rõ kẻ thù” (Văn Lê). Thơ viết về người lính thời này thô ráp, trần trụi hơn như đời sống thực, như cuộc chiến đấu thực, dai dẳng với một kẻ thù, kẻ phản bội man rợ, khát máu - một thứ phát xít mới. Hình ảnh những người lính tình nguyện Việt Nam: “Có lớp lính vừa qua tuổi Đội viên, lông tơ còn trên mặt/ Còn làm nũng, giận hờn rất đỗi hồn nhiên/ Những đồng đội khi tham gia trận đánh đầu tiên/ Còn bật khóc khi thấy người bên cạnh mình ngã xuống/ Gặp con gái Campuchia cười, tay chân còn luống cuống” (Phạm Sĩ Sáu).

Những người lính ấy, những thanh niên mới bước vào đời ấy lẽ ra được học tập, lao động để xây dựng lại đất nước vừa bước ra khỏi cuộc chiến tranh dài ngày, tàn khốc, nhưng họ lại phải cầm súng như bao lớp cha anh trước đó “Chiến trường rồi lại chiến trường. Người về rồi lại trên đường ra đi” (Văn Lê), cầm súng để bảo vệ mái nhà, cánh đồng, tổ quốc mình. Họ chuẩn bị cho mình một tâm thế bình thản và quyết tâm: “Mẹ ơi, có thể trong cuộc chiến đấu này/ Con sẽ ngã xuống? Ngã xuống bình thường như bao đồng đội của con? Để mái nhà gianh mẹ được yên ả? Dưới sắc nắng vàng…” (Trần Đăng Khoa).

Cuộc chiến đấu này bắt đầu từ năm 1977, kéo dài đến năm 1989. Hàng vạn chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam đã hy sinh vì sự nghiệp giữ nước và thực hiện nghĩa vụ quốc tế cao cả: “Bao người lính trẻ quê đâu/Máu xương gửi lại địa đầu Tây Ninh… Với tay cột mốc gần sao/ Còn in ngực bạn ghì vào đất thiêng” (Đàm Chu Văn).

Hy sinh vì sự toàn vẹn lãnh thổ, vì hòa bình cho Tổ quốc mình, các anh còn đổ máu vì bảo vệ nhân dân bạn: “Một chiến sĩ Việt Nam dắt em xuống bến/ từng loạt đạn quân thù bắn đuổi theo/ dòng sông sâu xoáy nước hiểm nghèo/ người chiến sĩ Việt Nam che cho em luồng đạn/ bằng người anh/ lồng ngực của anh” (Thu Bồn).

40 năm qua rồi, biên giới Tây Nam đã một dải yên bình, hữu nghị, đất nước bạn đã hồi sinh, phát triển mạnh mẽ, nhưng còn nhiều chiến sĩ quân tình nguyện Việt Nam hy sinh trên đất bạn chưa được hồi hương, quy tập. Sau rất nhiều cố gắng và sẽ còn rất nhiều cố gắng phối hợp tìm kiếm, đưa các anh trở lại quê hương.

Thơ ca, âm nhạc cũng góp phần băng bó, ràng rịt nỗi đau xót, mất mát to lớn ấy: “Tà áo dài muốt trắng/ Em mang đến Xiêm Riệp, Bát tam bang... tìm anh/ bốn mươi năm/ chiến trường xưa/ khô nồng nắng đổ/ ngày ấy anh ra đi mang theo lời hẹn áo dài”, “Anh không về/ màu áo trắng để tang lời thề hẹn… Bốn mươi năm em vẫn mang áo dài trắng tìm anh/ biết lòng mình còn trong trắng/ những người lính Tình nguyện năm xưa theo hương áo tìm về” (Đàm Chu Văn).

Phước Long Giang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  628,377       1/1,223