Văn hóa

Thăm ngôi nhà cổ độc đáo ở xứ Tây Đô

Những ngày đầu tháng 8 mưa dầm dề nhưng lượng du khách ghé thăm nhà cổ Bình Thủy (phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) vẫn khá đông. Ngôi nhà trên 100 tuổi này đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009 và được Liên hiệp các hội UNESCO Việt Nam công nhận là điểm đến ấn tượng Việt Nam vào năm 2013.

Nhà cổ Bình Thủy
Nhà cổ Bình Thủy

Điểm ấn tượng đầu tiên khi đặt chân đến ngôi nhà cổ Bình Thủy đó là hình ảnh của ngôi nhà này khá quen thuộc trên màn ảnh Việt, là bối cảnh quay nhiều bộ phim nổi tiếng như: Người đẹp Tây Đô, Nợ đời, Chân trời nơi ấy, Cây tre trăm đốt, Con nhà nghèo...

* Ấn tượng với nhà cổ hơn 100 năm

Ngay từ cổng nhìn vào, ngôi nhà cổ hơn 100 năm tuổi này (được xây dựng lần đầu tiên vào năm 1870) có tông màu vàng chủ đạo kèm các kiến trúc tinh xảo giống nhiều dinh thự Pháp khác. Tuy nhiên khi vào trong nhà, nhiều du khách khá thích thú với thiết kế độc đáo khi được trang trí theo phong cách Tây Âu nhưng vẫn giữ được mỹ thuật truyền thống và văn hóa phương Đông.

Nhà cổ Bình Thủy hiện là nhà thờ họ Dương tọa lạc trên thửa đất rộng khoảng 6 ngàn m2. Xung quanh nhà là vườn cây ăn trái, hoa kiểng quanh năm xanh tốt tạo không khí mát mẻ vừa thể hiện sự trù phú, bình dị nhưng tao nhã. Ngôi nhà 5 gian này có diện tích 352m2 (ngang 22m, sâu 16m) được chia làm 3 phần: nhà trước (nơi tiếp khách trong các nghi lễ trang trọng), nhà giữa (thờ cúng), nhà sau (dùng để tiếp khách nữ).

Nhà trước gồm 5 gian dùng làm nơi tiếp khách trong các nghi lễ quan trọng. Nền nhà được lát gạch bông nhập từ Pháp, trần đóng la-phông trang trí hoa văn, đèn treo Tây Âu...; đặc biệt còn có một chậu rửa mặt bằng men sứ trắng hoa xanh đặt trên bục gỗ và một máy hát đĩa của Pháp rất hiếm và có giá trị vào thời điểm bấy giờ.

Bộ khung nhà dựa trên 24 cột làm bằng gỗ căm xe và cà chất, cao từ 4-6m. Các cột, kèo trong nhà được thiết kế bởi một hệ thống giống các ngôi nhà truyền thống của Nam bộ. Trong căn nhà 5 gian này dành hẳn 3 gian trong được bố trí là nơi thờ tự, các bàn hương án, khánh thờ, liễu đối đều bằng gỗ khảm, xà cừ. Cách bày trí mang đậm nét thuần Việt khiến du khách vẫn cảm nhận được căn nhà mang đậm truyền thống Nam bộ.

Hình chủ nhân ngôi nhà này là ông Dương Chấn Kỷ cùng vợ của ông được treo trân trọng ở một góc tường trái trong nhà. Ông Dương Chấn Kỷ là một thương gia trí thức giàu có và là một điền chủ có óc mỹ thuật, thích tìm tòi cái mới, cái lạ của trào lưu Tây Phương, nhất là kiến trúc. Do đó, du khách rất dễ nhận thấy sự kết hợp giao thoa giữa 2 nền văn hóa Đông - Tây trong ngôi nhà cổ Bình Thủy do ông lên ý tưởng.

Ông Dương Đăng Khoa (ngụ phường Bình Thủy, Quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) hướng dẫn du khách tham quan ngôi nhà cổ của dòng họ
Ông Dương Đăng Khoa (ngụ phường Bình Thủy, Quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) hướng dẫn du khách tham quan ngôi nhà cổ của dòng họ

Tuy nhà được xây dựng cách đây hơn 100 năm, nhiều vật dụng trong nhà cũng đã nhuốm màu thời gian nhưng về tổng thể ngôi nhà được giữ gìn khá cẩn thận. Các bức tường, cây cột trong nhà vẫn còn khá chắc chắn, những nét hoa văn trên tường vẫn còn nét tinh xảo. Nhiều vật dụng cổ vẫn còn nguyên vẹn như chùm bạch đăng thế kỷ 18 hay cặp đèn treo tường thế kỷ 19 (cả 2 đều được thắp sáng bằng dầu hỏa).

* Hấp dẫn du khách

Để ngôi nhà cổ Bình Thủy vẫn được như ngày nay là do các đời con cháu dòng họ Dương ở Cần Thơ thay nhau gìn giữ. Ông Dương Đăng Khoa (ngụ phường Bình Thủy, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ) cho biết, ông gọi ông Dương Chấn Kỷ là ông cố. Hiện ngôi nhà cổ đã được công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2009 nên thuộc quyền quản lý của Nhà nước nhưng địa phương vẫn giao lại cho gia đình họ Dương thay nhau gìn giữ, chăm sóc.

“Chúng tôi rất vinh dự khi ngôi nhà của họ Dương được Nhà nước công nhận xếp hạng di tích cấp quốc gia. Chúng tôi đã cam kết cùng chính quyền địa phương, các ngành chức năng kết hợp gìn giữ, tôn tạo và bảo tồn ngôi nhà này, tránh xuống cấp theo thời gian, góp phần giữ gìn di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia, cũng như giữ gìn kỷ niệm của ông cha” - ông Khoa bộc bạch.

Cũng theo ông Khoa, những ngày thường, ngôi nhà cổ Bình Thủy đón từ 70-80 du khách đến tham quan. Riêng những ngày cuối tuần, lễ, tết, lượng du khách tăng lên 50-100%, trong đó có rất nhiều du khách là người nước ngoài.

Anh Nguyễn Anh Vũ, hướng dẫn viên du lịch tự do ở TP.Cần Thơ cho biết, các du khách nước ngoài rất thích kiến trúc độc đáo của ngôi nhà này. Họ luôn trầm trồ khi nhìn thấy phòng khách bày trí theo phong cách Tây Âu nhưng nơi trang trọng nhất trong phòng khách là gian thờ lại thuần Việt. Điều này cho thấy có sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây một cách hài hòa, chọn lọc, thể hiện thị hiếu thẩm mỹ, tinh tường của chủ nhân.

Du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu văn hóa, kiến trúc của nhà cổ Bình Thủy
Du khách nước ngoài tham quan, tìm hiểu văn hóa, kiến trúc của nhà cổ Bình Thủy

Nhà cổ Bình Thủy là mẫu nhà cổ hiếm hoi còn sót lại khá nguyên vẹn nên có nhiều nhà nghiên cứu, khảo cổ học, sinh viên đến tìm hiểu đời sống sinh hoạt, văn hóa cũng như quá trình phát triển của nét văn hóa dưới sự tồn tại qua 2 thời kỳ cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.

Em Trần Thị Thanh Trang, sinh viên năm 1, ngành Quan hệ công chúng Trường cao đẳng thực hành FPT (TP.Cần Thơ) cho biết, khi làm các bài tập cuối khóa, nhiều sinh viên của trường thường chọn ngôi nhà cổ Bình Thủy để giới thiệu, thuyết trình trước lớp.

“Dù việc xây dựng ngôi nhà cổ Bình Thủy chịu ảnh hưởng không nhỏ của nghệ thuật phương Tây nhưng cách trang trí trong nhà vẫn không làm mất đi truyền thống của dân tộc trong không khí thờ cúng tổ tiên, trong sử dụng hoa văn, họa tiết trang trí. Ở đây sự giao tiếp văn hóa Đông - Tây được chọn lọc, tiếp thu và vận dụng một cách tài tình, hợp lý tạo cho di tích một phong cách riêng, sang trọng nhưng bình dị, không lạc lõng giữa khung cảnh làng quê yên ả. Em hy vọng đây là một chủ đề thuyết trình khá hấp dẫn giúp bài tập của em đạt hiệu quả cao” - Thanh Trang chia sẻ.

Ngọc Thư

Đồng Nai

© 2021 FAP
  800,364       35/1,395