Văn hóa

Nhớ Bác Hồ, thăm di tích thờ Người

Mỗi dịp Quốc khánh, tại các di tích thờ Bác Hồ như: Văn miếu Trấn Biên (TP.Biên Hòa), đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch)... lại thu hút nhiều người dân, du khách tìm đến tham quan, tưởng nhớ Người.

Học sinh Trường THCS Phước Thiền chụp ảnh lưu niệm khi tham quan, tìm hiểu tại di tích đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch) Ảnh: Ly Na
Học sinh Trường THCS Phước Thiền chụp ảnh lưu niệm khi tham quan, tìm hiểu tại di tích đình Phú Mỹ (huyện Nhơn Trạch) Ảnh: Ly Na

Để tưởng nhớ về Bác, trong những năm tháng chiến tranh, tại các ngôi đình ở Biên Hòa - Đồng Nai, bà con ở nhiều làng, ấp đã lập nên những đền thờ Bác và dần đã trở thành tín ngưỡng. Dù quy mô và hình thức xây dựng khác nhau nhưng đều có một điểm chung là rất trang trọng, giản dị và gần gũi - như minh chứng cho tấm lòng của người dân đối với vị lãnh tụ kính yêu - Hồ Chí Minh.

* Tỏ lòng thành kính Bác

Theo lời kể của Trưởng ban quý tế đình Phú Mỹ Lê Duy Quang, năm 1969, sau khi nghe tin Bác Hồ mất, nhân dân Phú Hội nói riêng và cả nước nói chung đều mang nỗi đau quặn thắt trong tim. Những bô lão xã Phú Hội thường xuyên kể các câu chuyện về công đức của Người mỗi khi đến đình hội họp, cúng thần. Nhưng làm gì để công đức của Người ai ai cũng được dâng hương tưởng nhớ, noi theo trong khi xung quanh đâu đâu cũng có quân địch mà chỉ cần một sơ hở nhỏ thì sẽ bị bắt tù đày.

“Để tưởng nhớ công ơn của Bác Hồ, ông Chín Phường - một thầy thuốc Đông y giỏi chữ Nho ở Phú Hội đã thao thức suy nghĩ, cân nhắc lựa chọn từ trong hàng ngàn câu kinh thi để rút ra 3 câu đúng với nội dung: “Hồ nhiên nhi thiên/ Chí vọng thâm ân/ Minh hoài hậu đức”. Điểm đặc biệt là ba chữ đầu ghép lại thành tên Người - Hồ Chí Minh, đọc lên ai cũng hiểu. Sau đó, các bô lão trong làng vận động quyên góp tiền bạc từ dân để thực hiện ba bức hoành phi trên nền đỏ chữ vàng rồi rước linh vị Bác vào đình thờ phụng” - ông Lê Duy Quang bồi hồi kể lại.

Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ ấp 2 (xã Phú Hội, huyện Nhơn Trạch) Nguyễn Ngọc Lệ cho biết, cứ đến Ngày Quốc khánh, sinh nhật Bác và lễ cúng Kỳ yên, bà con trong xã đều tụ họp về đình, mang theo lễ vật đơn sơ là những sản vật của địa phương, tỏ lòng thành kính Bác Hồ mong Bác phù trì cho gia đình, cho quê hương ấm no, hạnh phúc.

Đặt chân đến đình Phú Mỹ sẽ khó quên được cái cảm giác thanh tịnh của làng quê giữa lòng phố thị. Nơi đây thường xuyên tổ chức các hoạt động dâng hương lên bàn thờ Bác, tham quan, tìm hiểu di tích.

Một địa điểm khác cũng để lại dấu ấn đặc biệt đối với người dân và du khách khi đến Biên Hòa - Đồng Nai là Di tích cấp quốc gia Văn miếu Trấn Biên. Không chỉ là địa điểm thờ Bác Hồ mà nơi đây còn thờ các bậc tiền nhân, danh nhân văn hóa. Đây được xem là di sản tinh thần to lớn mà Đảng bộ và nhân dân Đồng Nai vinh dự có trách nhiệm giữ gìn, phát huy. Hiện nay, rất nhiều người dân ở khắp mọi miền đất nước và bạn bè gần xa tới thăm viếng, dâng hương lên Người, nhất là với những ngày lễ, tết và ngày giỗ Bác.

* Thêm dịp tìm hiểu và học tập theo Bác

Có thể nói, trong tín ngưỡng Á Đông và tục thờ phụng của các làng quê Việt Nam, để ghi ơn những người có công với dân với nước, tập quán truyền thống là lập đền thờ. Vì thế, đền thờ Bác Hồ có mặt ở hầu khắp mọi nơi. Phó chủ tịch Hội Làm vườn tỉnh Đồng Nai Nguyễn Phan Biên kể rằng, sau ngày Bác mất, các nhà vườn ở Biên Hòa - Đồng Nai đều thờ Bác Hồ ở đền thờ, miếu mạo. Các nhà vườn luôn nhớ lời răn dạy của Bác, luôn cố gắng, nỗ lực trong cuộc sống và xây dựng quê hương.

“Còn nhớ, khi miền Bắc bắt tay xây dựng lăng Bác, đồng bào miền Nam đã gửi nhiều cây quý ra miền Bắc, trong đó có cây bưởi Tân Triều của Vĩnh Cửu. Ðiều đó thể hiện tấm lòng của người Ðồng Nai nói riêng và người miền Nam nói chung với Bác Hồ. Đặc biệt, đến các điểm thờ Bác hay các di tích trong Ngày Quốc khánh, tôi vô cùng xúc động và tự hào. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, điểm thờ Bác Hồ vẫn luôn là biểu tượng cho lòng tôn kính Bác của bao thế hệ người dân”- ông Nguyễn Phan Biên bộc bạch.

Dù đã nhiều lần đến Văn miếu Trấn Biên dâng hương Bác Hồ nhưng lần nào cựu chiến binh Hoàng Sinh Tản (phường Bửu Long, TP.Biên Hòa) cũng cảm xúc dạt dào. Ông Tản chia sẻ: “Mỗi lần đến đây, tôi có cảm giác rất thân thuộc, gần gũi như được nhìn thấy Bác. Bản thân là người lính Cụ Hồ từng cầm súng trên chiến trường, tôi nguyện tiếp tục học tập và làm theo những lời Bác dạy, làm gương cho con cháu noi theo”.

Hiện nay, ở Biên Hòa - Đồng Nai có nhiều điểm thờ Bác Hồ, đó là chưa kể bàn thờ Bác trong mỗi gia đình. Tại các điểm thờ Bác, những nhân chứng từng tham gia các sự kiện lịch sử có người đã hy sinh, nhiều người đã mất và hiện chỉ một số ít người còn sống. Thế nhưng, những câu chuyện về Bác vẫn đang ngày càng được giới thiệu, đã trở thành bảo tàng sống động cho thế hệ trẻ tìm hiểu, học tập. Bởi, ở mỗi một đền thờ là một tình cảm thiêng liêng của người dân dành cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  628,038       1/1,212