Văn hóa

Những vần thơ ca ngợi niềm vui bất tuyệt

Cách mạng tháng Tám thành công như một cuộc cải tử hoàn sinh, đem lại niềm vui bất tuyệt cho dân tộc. Văn chương cách mạng Việt Nam đã kịp thời ghi lại những ngày tháng, những "phút giây thần thánh" ấy.

Cách mạng tháng Tám thành công  như một cuộc cải tử hoàn sinh, đem lại niềm vui bất tuyệt cho dân tộc. Văn chương cách mạng Việt Nam đã kịp thời ghi lại những ngày tháng, những “phút giây thần thánh” ấy.

ác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu
Bác Hồ với học sinh Trường Trung học Trưng Vương (Hà Nội) năm 1956. Ảnh tư liệu

Là người lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa ở Huế (là Chủ tịch Ủy ban Khởi nghĩa Thừa Thiên - Huế), nhà thơ cách mạng Tố Hữu dù bận rộn trăm công ngàn việc của những ngày tháng ấy vẫn dành những phút giây hiếm hoi ghi lại cảm xúc của mình về sự kiện này. Đây là niềm hồi hộp, khấp khởi đợi chờ cách mạng, như đợi chờ một tình yêu lớn: “Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác/ Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau/ Chân nôn nao như khách đi mong tàu/ Bước dò bước, không biết sau hay trước?/ Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước/ Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?/ Mắt sáng ngời, như la hay như sao?/  Người hay mộng? Ngoài vào hay trong tới?” (Huế tháng Tám).

Cả nửa thế kỷ đấu tranh và nổi dậy, mười lăm năm chiến đấu dưới ngọn cờ của Đảng, bao máu xương đã đổ “bao anh hùng lên máy chém lúc hoàng hôn. Roi vọt Côn Lôn, ngục tù Phú Quốc” (Chế Lan Viên), tất cả để có ngày quyết liệt này khi thời cơ đến: “Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn/ Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại!... Dân là chủ, không làm nô lệ nữa! Hãy mở mắt: Quanh hoàng cung biển lửa/ Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao/ Mở mắt trông: Trời đất bốn phương chào/ Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!” (Tố Hữu).

Ngày vĩ đại, thời khắc vĩ đại đã đến với toàn dân tộc, từ kiếp nô lệ, ngựa trâu về lại kiếp người tự do, niềm vui lớn ấy nhà thơ Tố Hữu gọi là “vui bất tuyệt”: “Chừ đây Huế, Huế ơi! Xing gông xưa đã gãy/ Hãy bay lên! Sông núi của ta rồi! Nước mắt ta trào, húp mí, tràn môi/ Cổ ta ré trăm trận cười, trận khóc!/ Ta ôm nhau, hôn nhau từng mái tóc… Ai dám cấm ta say, say thần thánh? Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay cơn gió mạnh/ Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời”.

Nhà thơ Xuân Diệu reo vui cùng khúc khải hoàn ca cách mạng, khi lá cờ đỏ sao vàng, lá cờ đã thấm máu đào của hàng vạn người Việt Nam yêu nước, ngự trên đỉnh Cột cờ Hà Nội và đỏ thắm cả non sông: “Gió reo, gió reo, gió Việt Nam reo; Gió hát trên đồng: máu đỏ cao treo/ Gió bay đi, mà nhc cũng bay theo/ Đưa tin mới khắp trên trời nước Việt. … Cờ Việt Nam oanh liệt gió mừng bay!...Nước cũ bốn nghìn năm/ Theo cờ mới, trẻ như hai mươi tuổi” (Ngọn Quốc kỳ - Xuân Diệu).

“Dù phải đốt cháy cả  dãy Trường Sơn cũng quyết giành tự do, độc lập cho dân tộc” ý chí ấy của lãnh tụ thiên tài Hồ Chí Minh đã truyền sức mạnh toàn dân tộc vùng dậy tổng khởi nghĩa “đem sức ta giải phóng cho ta”. Hình ảnh Bác Hồ, người nhạc trưởng vĩ đại của cách mạng Việt Nam cũng được thơ ca kết hoa ca ngợi trong vầng hào quang chói ngời của những ngày tháng hào hùng, sôi sục ấy: “Hồ Chí Minh!/ Ngưi lính già/ Đã quyết chiến hy sinh/ Cho Việt Nam độc lập/ Cho thế giới hòa bình/ Vì nhân loại/ Người quyết dâng xương máu/ Vì giang sơn/ Người quyết dứt gia đình/… Người đã quyết/ Mặc phong ba giá tuyết/ Mặc gươm súng xing gông/… Trên đầu ta, ngọn cờ dân tộc/ Trăm thế kỷ trong tên Người: Ái Quốc/ Bạn muôn đời của thế giới đau thương” (Tố Hữu).

Và phút giây tự hào nhất của toàn dân tộc là phút giây của “mùa Thu xanh ngát sáng Tuyên ngôn”, thay mặt Nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Chủ tịch Hồ Chí Minh trịnh trọng tuyên bố với toàn thế giới: “Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn tám mươi năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phe Đồng Minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do! Dân tộc đó phải được độc lập! Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do độc lập và sự thật đã thành một nước tự do độc lập”:

Hôm nay sáng mùng hai tháng chín.

Thủ đô hoa vàng nắng Ba Đình.

Muôn triệu tim chờ, chim cũng nín.

Bỗng vang lên tiếng hát ân tình:

- Hồ Chí Minh! Hồ Chí Minh!

Người đứng trên đài lặng phút giây.

Trông đàn con đó, vẫy hai tay.

Bao nhiêu năm trước từng mơ ước.

Độc lập bây giờ mới thấy đây!

            (Theo chân Bác - Tố Hữu)

Đàm Chu Văn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  799,210       3/1,171