Văn hóa

Người đàn bà trên máy bay

Số ghế của tôi bị kẹp giữa ghế của hai người đàn bà. Khi nghiêng người lách vào chỗ của mình, tôi vụng về giẫm phải chân người đàn bà ngồi phía ngoài. Tôi vội xin lỗi chị ta và cúi người nhét chiếc túi du lịch nhỏ xuống dưới hàng ghế đằng trước. Người đàn bà vui vẻ nói bằng một giọng kim cao vót: "Không sao bá ạ. Sao bá lên máy bay trễ vậy?"...

Số ghế của tôi bị kẹp giữa ghế của hai người đàn bà. Khi nghiêng người lách vào chỗ của mình, tôi vụng về giẫm phải chân người đàn bà ngồi phía ngoài. Tôi vội xin lỗi chị ta và cúi người nhét chiếc túi du lịch nhỏ xuống dưới hàng ghế đằng trước. Người đàn bà vui vẻ nói bằng một giọng kim cao vót: “Không sao bá ạ. Sao bá lên máy bay trễ vậy?”. Tôi ậm ừ, tự nhủ lên trễ hay sớm thì liên quan gì đến nhà chị. Rõ hiếu sự. Máy bay tăng độ cao. Bên ngoài khung cửa nhỏ hiện ra những búng mây xanh lợt. Tôi lướt mắt nhìn xung quanh. Người đàn bà ngồi ghế trong cùng người mập tròn, váy ngắn phô ra cặp đùi màu bánh mật, tóc nhuộm hoe sành điệu. Chị ta đang dán mắt vào điện thoại, tay bấm lia lịa. Người phụ nữ giọng kim bịt kín mặt bằng chiếc khẩu trang vải hoa sặc sỡ. Phần trán chị ta lộ ra đầy nếp nhăn, mái tóc buộc sơ sài bằng cọng thun. Dù đang ngồi trên máy bay, chị ta vẫn mặc áo chống nắng, tay áo dài trùm kín bàn tay. Giọng kim lại vót lên:

- Bá về Sài Gòn hả bá?

- Tôi đi Biên Hòa. Chị về đâu?

- Em về nhà con gái ở Long Thành - Bình Dương

- Long Thành thuộc Đồng Nai, không phải Bình Dương - tôi cải chính. Giọng kim lộ vẻ bẽn lẽn.

- Vâng. Đồng Nai. Em dạo này lú lẫn quá. Hôm đưa ra xe ông xã cứ dặn đi dặn lại nhớ đừng quên cái gì.

Tôi mở giỏ xách, lấy ra cuốn truyện đọc giết thời gian. Người đàn bà im lặng. Hồi sau chị ta tiếp tục:

- Bá đi máy bay có say không. Chứ em là hơi chếnh choáng đấy. Lẽ ra em chưa muốn đi đâu. Việc nhà còn bề bề. Nhưng ông xã cứ bảo cậu đừng lo. Đi thăm con và nghỉ ngơi cho khỏe. Việc nhà tớ sẽ đảm đang tất.

Chị quay sang tôi, cười híp mắt sau lớp khẩu trang.

- Ôi giời. Ông ấy nói thế chứ đàn ông đàn ang, lại còn phải họp hành, vì chồng em là chủ tịch hội nông dân xã. Gớm. Đi lăng lắc suốt ngày. Việc nhà làm sao chu toàn được. Trang trại nhà em đang có bốn chục nái đẻ, bảy trăm con vịt. Vất lắm. Ở quê lúc nào cũng lắm việc bá ạ.

- Vậy chị là đại gia rồi. Vùng quê chị có nhiều nhà lập trang trại không?

Giọng kim im lặng một lúc rồi thở dài:

- Nhiều bá ạ. Dưng mà… làm ăn càng ngày càng khó. Hở tí là thất bại. Ối nhà mất cả vốn.

Lại im lặng. Hình như giọng kim lơ mơ ngủ.

Máy bay hơi tròng trành. Tiếng tiếp viên hàng không vang lên, thông báo máy bay đang đi qua vùng thời tiết xấu. Tiếng một đứa trẻ chợt khóc váng lên. Giọng kim lại mở choàng mắt:

- Con nít nhà nào khóc thế nhỉ. Rõ khổ. Đi máy bay mà mang con nít theo thì vất lắm.

Nói xong, chị ta cúi xuống, lục lọi gì đó trong chiếc túi
ny-lông để dưới chân. Lục xục một hồi, chị ngồi thẳng lên, bỏ khẩu trang che mặt. Lúc này tôi mới nhìn rõ mặt người đàn bà. Chừng ngót nghét năm chục, da mặt sạm đen, gò má cao. Nhưng vẫn có chút duyên ngầm toát ra từ khuôn miệng gọn, cặp mắt dài hơi xếch. Tiếng đứa trẻ vẫn khóc ngằn ngặt, át cả tiếng người mẹ dỗ con. Người đàn bà chép miệng:

- Lúc trước cháu nhà em còn bé, em cũng vất vả thế vậy. Thằng cu nhà em năm nay mười lăm. Từ ngày xuống Hà Nội học trường chuyên mới thôi ngủ chung với mẹ. Bố nó cứ mắng mẹ mày quá nuông con.

- Con chị học trường chuyên à. Giỏi thế - tôi góp chuyện. Nét mặt người đàn bà tươi lên:

- Vâng. Chả giấu gì bá. Cháu học giỏi mà còn hát hay. Năm ngoái đi thi hát toàn thành phố, được cái giải… gì nhỉ, à, giải khúc khích. Thật tức cười. Là giải khuyến khích. Nhưng chị em nó cứ gọi là giải khúc khích. Em gọi theo cũng quen miệng. Chứ bá được mấy anh chị…?

- Tôi  à… Tôi... hai đứa.

- Bá ở với các anh chị à?

- Không. Con tôi một đứa du học Australia. Một đứa làm ở Đà Nẵng.

- Thế cũng buồn. Y như nhà em. Độc có hai đứa con mà cũng mỗi đứa mỗi nơi. Chuyến này em vào Nam là để thăm đứa gái lớn. Nó vào làm công nhân may mấy năm rồi. Bảo ở nhà giúp bố mẹ quản trang trại nhưng nó không nghe, cứ thích bay nhảy. Nó mới mua được xe tay ga. Em cũng mừng. Hôm nay nó đi đón em cùng với người yêu.

Dừng một lát để suy nghĩ. Rồi người đàn bà lại rỉ rả:

- Ở quê, nhà hai con như nhà em ít lắm. Tuyên truyền kế hoạch mãi rồi mà người ta vẫn cứ đẻ sòn sòn. Để kiếm con giai. Có nhà một lũ năm sáu đứa.

- Thời nay mà còn lạc hậu. Con nào chả là con - người phụ nữ ngồi phía trong lại xen vào, vẻ bực bội.

Giọng kim thở dài:

- Thì thế. Nhưng không có con giai cũng ức. Phải ngồi chiếu dưới. Mà lúc già biết cậy ai ? Nông dân chúng em làm gì có lương hưu. Con gái phận làm dâu, nó còn phải lo cho nhà chồng. Cho nên có chết người ta cũng phải cố đẻ bằng được con giai. Bá ạ.

Câu nói của người đàn bà khiến tôi đắng lòng. Từ bao đời nay, chuyện đời sống của người già ở thôn quê vẫn là bài toán hóc búa thách thức cả xã hội. Có lẽ phải rất lâu nữa may ra mới có lời giải.

Lại im lặng. Người phụ nữ sành điệu phía trong ngả đầu vào thành máy bay, nhắm mắt như ngủ. Chợt một nữ hành khách người châu Âu đi qua hàng ghế của chúng tôi. Tóc vàng. Mắt xanh. Một chiếc túi vải thêu hoa quàng chéo qua người. Mùi nước hoa găn gắt tỏa ra từ người cô ta. Giọng kim đưa ngón tay khều khều tôi:

- Cô này người nước nào mà cao thế chị nhỉ. Khiếp. Cao hơn đàn ông.

 Câu nói của người đàn bà làm tôi buồn cười. Chị ta thật vui tính và hay chuyện. Người đàn bà bỗng che miệng ngáp. Chị ta nói, giọng buồn buồn:

- Em ốm lần này lâu phết. Hôm nay cũng chưa khỏi hẳn. Bữa đi bệnh viện tỉnh khám, bác sĩ bảo em sốt siêu vi, bắt nằm viện. Dưng mà em không nằm. Nhà neo người. Em nằm bệnh thì ở nhà ai lo. Nên em lại trốn viện về. Ông xã em bảo cậu lo bò trắng răng. Cứ vứt phớ ra đấy mà đi. Con gái em cũng bảo mẹ vào chơi, nghỉ ngơi ít bữa cho khỏe. Cả đời đầu gio mặt muội. Em đi mà người vẫn lâng châng.

Nói tới đó, chị ta lại cúi xuống mớ đồ dưới chân. Tôi hỏi chị đựng cái gì trong túi ny-lông thế. Chị cười ngượng ngùng:

- Em mua con trắm đen bốn cân tươi. Cá đầm. Để ở nhà cái đầu cho ông ấy nấu ám, còn thì mang vào cho con gái.

Tôi giật mình:

- Chị mang cả cá lên máy bay sao?

- Vâng. Dưng mà em gói kỹ lắm. Con gái em nó thèm cá trắm quê, cứ bảo mẹ mang vào cho con một khúc. Chiều nay mấy mẹ con có món canh chua cá đầm ăn rồi.

Tiếp viên thông báo máy bay đang hạ độ cao để chuẩn bị hạ cánh. Người đàn bà gần như choài qua người tôi, nhìn qua ô cửa nhỏ ở thân máy bay. Giọng chị ta reo vui:

- Nhanh thật. Máy bay có khác. Nói bá đừng cười. Em mới đi máy bay lần này là lần đầu. Cứ nghĩ khôn nghĩ dại, sợ nhỡ có thế nào thì… Rõ lẩn thẩn bá nhỉ. Bây giờ biết cái anh máy bay này rồi thì em đỡ lo, mai sau có đi đâu cũng tiện.

Chị ngồi lại như cũ, đưa tay vuốt những sợi tóc mai lòa xòa.

- Không biết bá sao chứ em thích đi đây đi đó lắm. Xem người ta sống thế nào. Nhưng mà gần hết đời em mới đi được một chuyến. Mà cũng mới biết miền Nam chứ chẳng phải Tây, Tàu gì.

Giọng chị ta chùng xuống, nghe như một tiếng thở dài. Từ lúc đó trở đi, chị im lặng, không nói thêm lời nào. Tôi cũng không hỏi thêm.

Máy bay hạ cánh. Khách xuống cầu thang rồi lên xe buýt hàng không. Xuống xe, người đàn bà lụt cụt bước đi, tay khư khư giữ cái túi đựng khúc cá trắm quê. Ra cửa sân bay, một chiếc tắc-xi xịch tới. Đôi nam nữ chắc là con gái và chàng rể tương lai của người đàn bà mở cửa xe bước xuống. Họ tíu tít bỏ hành lý của mẹ vào cốp xe. Người đàn bà chợt nhìn thấy tôi, vội giơ tay lên chào tạm biệt. Tôi cũng vẫy tay chào lại. Gương mặt khắc khổ với đôi gò má cao rám đen của người đàn bà bừng sáng trong niềm hạnh phúc được gặp con gái. Nhìn chị chui vào tắc-xi, tôi vừa vui, vừa chợt thấy có cái gì đó nhói trong ngực…

Hoàng Ngọc Điệp

Minh họa: Đào Sỹ Quang

Đồng Nai

© 2021 FAP
  796,746       7/1,650