Văn hóa

Hát bội không lời

Tuần qua, tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, Nhà hát nghệ thuật hát bội TP.Hồ Chí Minh giới thiệu đến công chúng vở hát bội Sanh vi tướng, tử vi thần. Đây là vở diễn nhà hát giới thiệu với mong muốn phục vụ khách du lịch.

Một cảnh trong vở Sanh vi tướng, tử vi thần. Ảnh: Duyên Phan
Một cảnh trong vở Sanh vi tướng, tử vi thần. Ảnh: Duyên Phan

* Để khán giả trẻ, khách du lịch dễ cảm, dễ hiểu

Sanh vi tướng, tử vi thần diễn thêm suất lúc 19 giờ 30 ngày 4-10 tại Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang. Trước giờ diễn, người xem sẽ được ngắm hình ảnh, trang phục, đạo cụ… của bộ môn hát bội được trưng bày trước sảnh nhà hát; xem các diễn viên hóa trang, vẽ mặt theo đặc trưng của nghệ thuật hát bội, chụp ảnh lưu niệm, giao lưu cùng các nghệ sĩ…

Sanh vi tướng, tử vi thần (tác giả: NSƯT Hữu Danh - Anh Kiệt, đạo diễn: NSND Trần Ngọc Giàu) được nhà hát dàn dựng bản đầy đủ 120 phút vào khoảng năm 2007, cũng đã đưa đi tham gia Liên hoan sân khấu thể nghiệm lần 1 tại Hà Nội. Sau đó, nhà hát mong muốn kết nối các công ty du lịch để giới thiệu đến khán giả, thế nhưng mọi việc không thuận lợi. Sau 12 năm, với những cân nhắc, trăn trở, nhà hát quyết định làm lại Sanh vi tướng, tử vi thần với hình thức mới.

Vở dài khoảng 55-60 phút. Không lời thoại, chỉ dùng hình thức vũ đạo tiêu biểu của loại hình nghệ thuật hát bội, trình thức ước lệ xuyên suốt từ đầu tới cuối vở, phối hợp với âm nhạc, âm thanh, ánh sáng… Sanh vi tướng, tử vi thần là bản hùng ca về cuộc chiến đấu ngoan cường chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Bao lớp người thà hy sinh để bảo vệ Tổ quốc chứ không chịu khuất phục, dù người sống hay anh linh người đã khuất nguyện một lòng đánh đuổi kẻ thù cho xứng với câu “Sanh vi tướng, tử vi thần”.

Sanh vi tướng, tử vi thần phiên bản 2019 ra đời với mong muốn hát bội sẽ gần gũi hơn với công chúng, dễ tiếp cận với người trẻ, khách du lịch. Trong đêm công diễn, nhà hát đã mời nhiều đơn vị du lịch, các khán giả trẻ đến xem để mong nhận được góp ý của công chúng, đặc biệt là các đơn vị du lịch, từ đó chỉnh sửa và hoàn thiện vở diễn, phục vụ công chúng tốt nhất.

Dự kiến, nếu mọi việc thuận lợi, vở diễn sẽ được đưa vào phục vụ khách du lịch khoảng đầu năm 2020 tại các địa điểm gắn kết du lịch của thành phố như: Lăng Ông Bà Chiểu, đền thờ Vua Hùng ở Bảo tàng lịch sử TP.Hồ Chí Minh…

* Hứa hẹn một thế hệ trẻ

Với vở diễn này, dàn diễn viên trẻ được đôn lên vào những vai chính để có cơ hội rèn luyện và thử thách khả năng của mình. Các nghệ sĩ kỳ cựu của nhà hát làm dàn bao nâng đỡ đàn em. Vở có sự tham gia của 22 diễn viên và 7 nhạc công. Các nghệ sĩ đã tập luyện ròng rã 2 tháng trời để hy vọng đem đến cho khán giả một vở diễn hay. Vì không có lời thoại nên các trình thức biểu diễn, diễn xuất từ ánh mắt, cơ mặt, vũ đạo… phải được chăm chút và “nặng” hơn gấp đôi những vở diễn bình thường để người xem có thể hình dung những gì đang diễn ra trên sân khấu. Âm nhạc được nhạc sĩ Hồ Văn Thành chăm chút, kết hợp giữa nhạc truyền thống và đương đại khiến tiết tấu của vở diễn được đẩy nhanh và nghe rất lạ tai.

Cảnh trí, đạo cụ trong Sanh vi tướng, tử vi thần khá giản lược nên muốn hiểu được câu chuyện, hành động của các nhân vật, diễn viên phải vận dụng nhiều trình thức mang tính chất ước lệ của nghệ thuật hát bội để chuyển tải đến người xem. Lao động của nghệ sĩ, đặc biệt là của các diễn viên trẻ khiến không ít người xem cảm thấy xúc động. Bộ môn hát bội hiện tại không có trường đào tạo, người cứng nghề bắt đầu già đi, trong khi lớp trẻ thì không có. Vì vậy, nhà hát đã nỗ lực tìm kiếm mọi nguồn, từ con em nghệ sĩ, đến “chiêu dụ” diễn viên trẻ tốt nghiệp Khoa Kịch hát dân tộc Trường đại học sân khấu - điện ảnh TP.Hồ Chí Minh về đào tạo lại. Và sự thể hiện của các bạn trẻ với đa số vai chính trong Sanh vi tướng, tử vi thần đã chứng tỏ sự cố gắng hết mình.

Những giọt mồ hôi lấm tấm trong các phân đoạn cần sự phối hợp hài hòa giữa các hình thức vũ đạo và diễn xuất tâm lý nhân vật trong cảnh lắt lẻo trên chiếc thuyền thúng mỏng manh, cảnh thủy chiến, cảnh hình nhân tìm chiếc đầu bị chặt trong rừng sâu… đã khiến người xem, người làm nghề có một cái nhìn đầy hy vọng về một thế hệ diễn viên trẻ có khả năng tiếp nối ngọn lửa nghề của bộ môn hát bội.

Trí Trọng

Đồng Nai

© 2021 FAP
  796,642       11/1,809