Văn hóa

Nhớ một nhà văn thầm lặng, tâm huyết…

Công lao to lớn xây dựng Hội Văn học nghệ thuật (VHNT) Đồng Nai từ buổi đầu thành lập, đầu tiên phải kể đến 2 nhà văn lớn của đất Đồng Nai là Lý Văn Sâm và Hoàng Văn Bổn.

Ký họa về nhà văn Hoàng Kim Chung
Ký họa về nhà văn Hoàng Kim Chung

Sau 2 ông, trong buổi đầu gây dựng phong trào sáng tác VHNT ở Đồng Nai không thể không nói đến Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Đồng Nai khóa I: Hoàng Kim Chung, bút danh Anh Hoàng.

* Trưởng thành từ cái nôi cách mạng

Hoàng Kim Chung sinh ra trong một gia đình cách mạng. Cha ông là chiến sĩ cộng sản Hoàng Bá Bích, hoạt động trong phong trào cách mạng ở Biên Hòa - Đồng Nai từ những năm 40 của thế kỷ trước. Ông Hoàng Bá Bích là một trong 5 đảng viên của Chi bộ cộng sản Nhà máy cưa BIF được gây dựng lại cuối năm 1943 sau cuộc Khởi nghĩa Nam Kỳ 1940 và chính chi bộ cộng sản này là nòng cốt lãnh đạo cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám 1945 ở Biên Hòa - Đồng Nai.

Nhớ về nhà văn Hoàng Kim Chung, chúng tôi nhớ về một người lãnh đạo Hội tâm huyết, chân tình, vô tư, trong sáng, một “chính ủy” VHNT nhiều tin cậy và yêu mến.

Thực dân Pháp đánh chiếm Sài Gòn, Biên Hòa, đồng chí Hoàng Bá Bích được cử làm Đoàn trưởng Thanh niên Cứu quốc tỉnh Biên Hòa (Bí thư Tỉnh đoàn), sau được cử  là Quyền Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh Biên Hòa. Đồng chí đã hy sinh ngày 15-3-1946, tại Chiến khu Đ. Lúc ấy Hoàng Kim Chung đang là học sinh, đã xung phong gia nhập Vệ Quốc đoàn Biên Hòa. Ông được phân công là thư ký riêng của Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính tỉnh kiêm Ủy viên quân sự (Chỉ huy trưởng quân sự) tỉnh Biên Hòa Huỳnh Văn Nghệ. Rồi Hoàng Kim Chung xung phong xuống đơn vị chiến đấu và trở thành Chỉ huy trưởng quân sự huyện Long Đất.

Sau Hiệp định Genève tháng 7-1954, tập kết ra Bắc, tham gia trại viết văn quân đội, ông được điều về Cục Binh địch vận Tổng cục Chính trị, chuyên tổ chức bài vở cho chương trình Gửi về Nam của Đài Tiếng nói Việt Nam. Ở đây, ông có cơ hội tiếp cận với các nhà văn, nhà thơ  lớn như: Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan, Nguyễn Đình Thi…

* Quan tâm đặc biệt đến những cây bút trẻ

Những năm đó, Hoàng Kim Chung sáng tác tập truyện thiếu nhi Vụ nổ trong tiệm rượu in ở Nhà xuất bản Kim Đồng. Năm 1981, nhà văn Lý Văn Sâm và nhà văn Hoàng Văn Bổn muốn củng cố bộ máy Hội VHNT Đồng Nai nên mời Hoàng Kim Chung vào. Lúc đó ông đang là Trung tá Quân đội nhân dân Việt Nam công tác ở Tổng cục Chính trị. Cởi áo lính, chuyển vùng và chuyển ngành về làm Phó chủ tịch thường trực Hội VHNT Đồng Nai, trở lại nơi in dấu tuổi thanh niên sôi nổi của mình, nơi thấm máu người cha liệt sĩ, thấm máu bao đồng đội đã từng sinh tử trong suốt cuộc kháng chiến chống Pháp.

Lúc đó, lứa chúng tôi ngoài nhà văn Nguyễn Thái Hải (Khôi Vũ) đã có thành tựu sáng tác cho thiếu nhi từ trước giải phóng còn đều mới có tác phẩm in báo và chập chững vào nghề viết. Nghiêm khắc và ân cần, rất tôn trọng nguyên tắc, không chấp nhận những hiện tượng “lèm nhèm”, tiêu cực trong đời sống cũng như trong hoạt động sáng tác là ấn tượng của chúng tôi về ông. Đặc biệt, ông rất chú ý đến lớp trẻ và vui mừng khi nhận được các sáng tác tiến bộ của họ. Dịp đó, Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh tổ chức lớp bồi dưỡng lực lượng viết văn trẻ khóa II, thời gian 6 tháng. Lãnh đạo Hội VHNT Đồng Nai trong đó có phần tác động tích cực của ông đã giới thiệu chúng tôi được tham gia lớp bồi dưỡng. Đấy là một dịp tuyệt vời, được học với các nhà thơ, nhà văn thời tiền chiến, lớp chống Pháp, chống Mỹ còn khỏe, còn sung sức! Sau khóa học, nhiều người sáng tác tiến bộ, thành danh trong văn chương.

Những năm ấy, ở Đồng Nai, ngoại trừ 2 nhà văn Lý Văn Sâm, Hoàng Văn Bổn, những người sáng tác có tác phẩm in thành sách rất ít. Năm 1983, ông Hoàng Kim Chung xuất bản tiểu thuyết đầu tay Thuở ban đầu với bút danh Anh Hoàng. Tiểu thuyết được Nhà xuất bản Văn nghệ TP.Hồ Chí Minh xuất bản. Đây là tập tiểu thuyết đầu tiên của tác giả Đồng Nai không là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam được xuất bản. Tiểu thuyết viết về cuộc chiến đấu anh hùng của quân và dân Biên Hòa - Đồng Nai trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp - cuộc chiến đấu mà người lính Vệ Quốc đoàn - tác giả Hoàng Kim Chung trực tiếp tham gia từ những ngày đầu. Sau này ông còn xuất bản 2 tập truyện ngắn nữa cùng nhiều tác phẩm in rải rác trên các báo. Văn phong ông chặt chẽ, khúc chiết, giàu chất liệu đời sống.

Thời điểm đó, lực lượng tham gia Hội VHNT Đồng Nai rất giàu nhiệt huyết, nhiều người thể hiện năng khiếu sáng tác ở từng mức độ khác nhau. Ông Hoàng Kim Chung rất quan tâm đến công tác phong trào cả diện rộng và chiều sâu, tích cực phát hiện, bồi dưỡng những năng khiếu VHNT. Ông tuyên bố dành thời gian để “lo cho anh em” (sáng tác), còn phần sáng tác cá nhân được thế cũng là quý rồi và không có ý định vào Hội Nhà văn Việt Nam (mặc dù số lượng cũng như chất lượng tác phẩm của ông đủ để xét kết nạp Hội Nhà văn Việt Nam).

Nhiều cây bút trẻ Đồng Nai ở các ngành, ở các địa phương trong tỉnh, dưới huyện xa được ông giới thiệu, động viên, tạo điều kiện thể hiện. Ông Hoàng Kim Chung còn tuyên bố, đúng năm 59 tuổi ông sẽ làm đơn xin thôi công tác quản lý Hội, về nghỉ ngơi, sáng tác. Và ông làm đúng như vậy, rất khẳng khái. Những năm sau này, ông lặng lẽ sáng tác, tham gia sinh hoạt Hội, chân tình đóng góp những ý kiến quý báu về quản lý, xây dựng Hội cho lãnh đạo Hội lớp sau.

Đàm Chu Văn

Đồng Nai

© 2021 FAP
  796,382       1/828