Văn hóa

Bùi Cát Vũ: Chiến tướng viết văn từ Chiến khu Đ

Mỗi lần trở về Chiến khu Đ, tôi thấy như đâu đây thấp thoáng bóng dáng những vị tiền bối mà cuộc đời và sự nghiệp từng gắn liền với vùng đất đặc biệt này, trong đó có Bùi Cát Vũ, người sát cánh với Huỳnh Văn Nghệ chỉ huy Chi đội 10 làm nên chiến thắng La Ngà vang dội từ thời kỳ đầu kháng chiến 9 năm chống Pháp.

Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ với các kỷ vật. Ảnh: T.L
Thiếu tướng, nhà văn Bùi Cát Vũ với các kỷ vật. Ảnh: T.L

Kỷ niệm 95 năm ngày sinh của Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ (1924-2019), chúng tôi về Chiến khu Đ cùng bao ký ức về ông…

* Sát cánh cùng Huỳnh Văn Nghệ và ký ức trận La Ngà

Lịch sử thật kỳ diệu khi mang đến cho Chi đội 10 hai vị chỉ huy chiến trường, đồng thời cũng là 2 cây bút tài hoa. Bấy giờ, nếu như thi tướng Huỳnh Văn Nghệ là Chỉ huy trưởng thì nhà văn Bùi Cát Vũ là Giám đốc binh công xưởng. Trưởng thành từ Chiến khu Đ, Bùi Cát Vũ đã đi suốt hai cuộc kháng chiến chống phương Tây xâm lược và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tên tuổi Bùi Cát Vũ gắn liền với những biệt danh “Võ Tòng Chiến khu Đ”, “Trùm đại bác Đông Dương” và những chiến công cùng đồng đội trong nhiều trận đánh như: La Ngà, Bình Giã, Đồng Xoài, Phước Long, Xuân Lộc, Phnôm Pênh…

Theo Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ: “Mỗi tác phẩm được đến với độc giả, thính giả đối với tôi là một tấm huân chương chiến công thầm lặng. Khi đứng trước những sự kiện lịch sử lớn lao của nhân dân, tôi nghĩ rằng đến cây gỗ mục cũng phải rung động huống chi tôi là con người, mà lại là người biết viết, ham viết nữa! Nếu không viết thì không ai biết và cũng chẳng để lại được gì cho đời sau”.

Theo lời của Thiếu tướng Bùi Cát Vũ lúc sinh thời, trận đánh La Ngà diễn ra ngày 1-3-1948 là trận giao thông chiến lớn nhất Nam bộ thời bấy giờ, làm rúng động cả nước Pháp và thế giới. Đoàn xe quân sự đông đảo của Pháp đã lọt vào trận địa của ta, bị đánh bất ngờ chúng hoàn toàn trở tay không kịp. Trận đánh diễn ra đúng như kế hoạch của ta, chỉ sau gần một tiếng đồng hồ, ta đã phá hủy 59 xe quân sự, diệt gần 150 binh lính hộ tống, 25 sĩ quan, bắt sống Trung úy Joeffrey - chỉ huy đại đội hộ tống, thu rất nhiều vũ khí, quân trang quân dụng. Có 2 viên Đại tá Pháp bị tử trận là De Sérigué (chỉ huy Lữ đoàn Lê Dương thứ 13) và Paruit (Phó tham mưu trưởng thứ nhất quân đội Pháp ở Nam Đông Dương).

Nhờ chiến thắng La Ngà, Tư lệnh Nam bộ Nguyễn Bình đã thay mặt Trung ương trao Huân chương Quân công hạng Nhất cho các đơn vị tham gia. Ông Huỳnh Văn Nghệ được Huân chương Chiến công hạng Nhì, còn ông Bùi Cát Vũ nhận Huân chương Chiến công hạng Ba.

Thiếu tướng Bùi Cát Vũ tâm sự rằng: “Huỳnh Văn Nghệ không chỉ là vị chỉ huy quân sự tài ba mà còn là nhà thơ được kính trọng. Buổi đầu kháng chiến chống Pháp, tôi với anh luôn chiến đấu bên nhau. Sau thắng lợi trận La Ngà, ngoài việc được thưởng Huân chương Chiến công, Huỳnh Văn Nghệ còn được Quốc hội và Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi vào tặng chiếc áo trấn thủ màu nhung đỏ đính cờ. Và có lẽ, chúng tôi là những người lính đầu tiên được tặng Huân chương Chiến công trong lịch sử quân đội ta”.

* Câu chuyện “Võ Tòng Chiến khu Đ”

Một thời gian sau trận đánh La Ngà, tại Chiến khu Đ có con cọp ăn thịt người. Bùi Cát Vũ được giao nhiệm vụ trừ cọp. Mới vừa nhận lệnh, ở binh công xưởng do ông làm giám đốc lại có một người bị cọp về bắt lúc đang làm việc. Đó là ông Sáu Lùn đang giữ lò than. Mọi người theo dấu máu đã tìm được phần xác còn lại của ông Sáu mà con cọp để... dành bữa trưa.

Phó tư lệnh Quân đoàn 4 bên bờ sông La Ngà trước khi bước vào trận đánh Xuân Lộc tháng 4-1975. Ảnh: T.L
Phó tư lệnh Quân đoàn 4 bên bờ sông La Ngà trước khi bước vào trận đánh Xuân Lộc tháng 4-1975. Ảnh: T.L

Bùi Cát Vũ quyết định lấy dây cột chặt xác ông Sáu Lùn lại, rồi cùng 2 người nữa trèo lên chạc cây ngồi rình. Ông nhớ lại: “Nhìn xác anh Sáu phơi trong nắng, tôi ứa nước mắt, thầm khấn: “Anh Sáu ơi! Anh có khôn thiêng thì dụ nó về đây để tôi trả thù cho anh!”. Con ác thú xuất hiện. Một con cọp lông vàng lừng lững dài hơn 2m, phần dưới cổ và bụng trắng như bông. Mò đến cách xác anh Sáu chừng 5-6m, nó thu mình ngồi xuống trong thế thủ, rồi lừ lừ ngước nhìn lên chạc cây chúng tôi ngồi. Đoàng! Cây súng Calip hai nòng của anh Sáu Mẹo, một tay thợ săn lão luyện nổ vang trời. Một vệt sáng màu vàng vụt qua trước mặt tôi. Con cọp biến mất. Hụt! Đem thi thể anh Sáu về chôn cất, nước mắt chúng tôi cứ chực trào ra. Tối hôm đó, cọp lại mò về đơn vị tôi vồ hụt một con heo. Tôi cho gài hai quả mìn tự tạo vào con heo để nhử. Hôm sau nó lại về. Và 2 trái mìn phát nổ. Heo chết, cọp chẳng hề gì. Thật cay đắng!”.

Thế rồi cuối cùng, với 4 quả mìn, Bùi Cát Vũ cũng đã hạ thủ được con cọp dữ. Khi ruột gan của con cọp đã bị bung ra ngoài rồi, nó vẫn còn gầm thét cố kéo lê gần cả trăm mét nữa mới chịu gục xuống bằng một loạt đạn cuối cùng vào đầu. Nỗi sợ cọp bắt ở Chiến khu Đ từ đó mới hoàn toàn được giải tỏa.

Chiến tướng say mê viết văn

Bùi Cát Vũ sinh năm 1924 ở Trà Vinh. Thời chống Mỹ, ông là Tư lệnh Pháo binh, Tham mưu phó Bộ Tư lệnh quân giải phóng miền Nam, Phó tư lệnh Quân đoàn 4, cùng với tướng Hoàng Cầm chỉ huy trận quyết chiến Xuân Lộc mở toang “cánh cửa thép” cho đại quân tiến vào giải phóng Sài Gòn. Sau ngày đất nước thống nhất, ông tham gia chỉ huy Quân đoàn 4 sang giúp nước bạn Campuchia rồi trở về nước nhận nhiệm vụ Phó tư lệnh Quân khu 7.

Là tướng chiến trường, Bùi Cát Vũ còn là cây bút viết nhiều tác phẩm giá trị, trong đó thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh nóng hổi mùi chiến trận được Bộ Quốc phòng trao giải thưởng. Cuốn tự truyện viết cho thiếu nhi Gió bụi Sài Gòn của ông cũng gây ấn tượng, được nhận Giải thưởng Hội Nhà văn TP.Hồ Chí Minh và Hội Nhà văn Việt Nam năm 1993.

Là tướng chiến trường, tiến sĩ khoa học quân sự, Bùi Cát Vũ đồng thời còn là nhà báo, nhà văn với nhiều tác phẩm giá trị. Vào tháng 3-2002, Thiếu tướng - nhà văn Bùi Cát Vũ đã qua đời tại TP.Hồ Chí Minh, để lại một sự nghiệp nhiều dấu ấn đáng trân trọng về khoa học, nghệ thuật quân sự và sáng tác văn học. Tên ông xứng đáng đặt cho các con đường và trường học tại những nơi mà ông từng gắn bó, cống hiến để giáo dục thế hệ sau, đặc biệt là miền Đông đất đỏ với Chiến khu Đ mà ông gắn bó phần lớn cuộc đời.

Đầu năm 1979, ngay sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh tiền phương Quân đoàn 4 đánh tan quân Khmer Đỏ, tiến vào giải phóng thủ đô Phnôm Pênh, Bùi Cát Vũ đã tranh thủ lúc rảnh rỗi viết ngay thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh và gửi về đăng nhiều kỳ trên Báo Sài Gòn giải phóng. Nhiều tư liệu quý từ cuộc chiến này đã được cây bút tài hoa của ông ghi lại, chia sẻ một cách trung thực, khách quan và đầy cảm xúc.

Thiên ký sự Đường vào Phnôm Pênh ghi dấu ấn của một tài năng tay súng tay bút mang đậm phong cách Nam bộ. Trong phần cuối của tác phẩm mang hơi thở chiến trường này, ông còn xác tín: “Mỗi một bước đi trên đất nước bạn, chúng tôi càng khẳng định tính chất chính nghĩa của công việc mình làm. Đến đây tôi lại nhớ lời quyết tâm của chiến sĩ binh đoàn trước ngày khởi đầu chiến dịch phản công chiến lược 23-12-1978: “Nếu phải đổi lấy việc ta làm hôm nay bằng mười kiếp sống, thì chúng tôi cũng xin sẵn sàng”.

Nguyễn Phan Huỳnh

Đồng Nai

© 2021 FAP
  624,931       1/297