Văn hóa

Đưa gốm vào trường học

Trước sự mai một của nghề gốm truyền thống, nhiều trường học trên địa bàn Đồng Nai đã phối hợp với Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai và các cơ sở làm gốm tích cực tổ chức nhiều chương trình tìm hiểu, học tập đưa gốm đến gần học sinh, sinh viên.

ThS.Nguyễn Trường Giang, phụ trách Khoa Gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai giới thiệu quá trình hình thành phát triển của gốm Biên Hòa cho học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Na
ThS.Nguyễn Trường Giang, phụ trách Khoa Gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai giới thiệu quá trình hình thành phát triển của gốm Biên Hòa cho học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa). Ảnh: L.Na

Điều này góp phần vào việc bảo tồn và phát huy di sản ở thế hệ trẻ, giáo dục các em biết trân quý những giá trị văn hóa của ông cha để lại.

* Thích thú trải nghiệm

Có dịp đến một buổi học làm gốm của Câu lạc bộ Mỹ thuật Trường THPT Lê Quý Đôn (phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) mới cảm nhận không khí háo hức, say mê tìm hiểu nghề gốm của học sinh. Hơn 30 em trong câu lạc bộ chăm chú nghe giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai kể những câu chuyện về quá trình hình thành và phát triển của gốm Biên Hòa. Ngoài ra, các em còn được trực tiếp thực hành trên bàn xoay gốm.

TS.Nguyễn Văn Quyết, giảng viên Trường đại học Đồng Nai cho biết: “Mặc dù xã hội ngày càng phát triển và hiện đại nhưng nghề truyền thống, đặc biệt là nghề gốm vẫn luôn có giá trị riêng. Đưa trải nghiệm gốm vào trường học là một hình thức giáo dục hiệu quả, gắn lý thuyết với thực tiễn, tạo hiệu ứng tốt cho học sinh khi tìm hiểu văn hóa của địa phương. Từ đó, giúp các em biết trân trọng những giá trị truyền thống và chủ động định hướng nghề cho tương lai”.

Em Kiều Kim Oanh, lớp 11B2 bày tỏ: “Đây là buổi thứ 2 trong tháng 10 em tham gia lớp học làm gốm. Sau bài học lý thuyết, các thầy cô cho em trải nghiệm thực tế, tự làm các bình hoa, cốc nước rồi vẽ hoa văn lên nó. Sản phẩm làm ra tuy chưa hoàn hảo nhưng em rất thích. Học làm gốm giúp em hiểu thêm về nghề truyền thống lâu đời của Đồng Nai để thêm tự hào, có thêm cảm xúc cũng như sự trân trọng với những ngành nghề thủ công”.

Cô Vũ Thị Ni Na, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn cho biết, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã phối hợp với Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai mở lớp hướng dẫn năng khiếu mỹ thuật, trong đó chú trọng thực hành làm gốm cho học sinh. Giảng viên Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã mang bàn xoay gốm vào lớp học, dạy cho các em những kiến thức cơ bản nhất. Hoạt động này không chỉ giúp học sinh có thêm những hiểu biết về gốm Biên Hòa mà còn góp phần định hướng nghề tương lai.

Theo Phó giám đốc Nhà thiếu nhi Đồng Nai Trương Hải Thi, xây dựng chương trình trải nghiệm nghề gốm Biên Hòa cho học sinh các khối lớp năng khiếu là điều nhà thiếu nhi rất chú trọng. “Hằng năm, chúng tôi đã đưa thanh thiếu nhi đến Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí tham quan, học làm gốm và đi trải nghiệm ở làng gốm. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng tổ chức những buổi sinh hoạt chuyên đề, các cuộc thi tìm hiểu văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai, để học sinh tự đi thực tế và viết bài thuyết trình. Hầu hết các em chưa từng thấy quy trình làm sản phẩm gốm nên rất thích thú và hào hứng tham gia” - anh Thi nói.

Học sinh thích thú trải nghiệm làm men gốm tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ảnh: L.Na
Học sinh thích thú trải nghiệm làm men gốm tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai. Ảnh: L.Na

ThS.Nguyễn Trường Giang, phụ trách Khoa Gốm Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai cho biết, trong chiến lược quảng bá hình ảnh, tạo dấu ấn để thu hút sinh viên, nhà trường đã phối hợp với các trường tiểu học, trung học, trường giáo dục thường xuyên… trên địa bàn tỉnh để giới thiệu các ngành nghề, trong đó đặc biệt chú trọng nghề gốm truyền thống.

“Thời gian qua, chúng tôi đã đến các trường như: THPT Vĩnh Cửu (huyện Vĩnh Cửu), tiểu học Trịnh Hoài Đức, THCS Trần Hưng Đạo, THCS Hiệp Hòa (TP.Biên Hòa); THPT Long Khánh (TP.Long Khánh)... nói chuyện cũng như hướng dẫn cách làm gốm cho học sinh. Vào dịp hè chúng tôi còn mở các lớp dạy học làm gốm (1 tháng, 3 tháng) cho những người yêu thích gốm. Sau mỗi buổi học và giao lưu, các em đã có những phản hồi tích cực và mong muốn được trải nghiệm thực tế nhiều hơn” - thầy Nguyễn Trường Giang chia sẻ.

* Để gốm đến gần với người trẻ

Tuy nhiên, theo ThS.Nguyễn Trường Giang, mặc dù có đông học sinh yêu thích và muốn tìm hiểu về gốm, song trong tuyển sinh của Khoa Gốm tại Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai vài năm trở lại đây rất ít người đăng ký theo học. Nếu như trước năm 2010, số lượng sinh viên theo học chuyên ngành gốm (hệ cao đẳng) khá đông (trên khoảng 30 sinh viên/năm) thì mấy năm nay, chỉ có trên dưới 10 em theo học.

Lý giải về điều này, thầy Giang cho rằng do xu hướng chọn nghề hiện nay là ra trường phải dễ tìm việc. Bên cạnh đó, bản thân học sinh ít có sự tìm hiểu cặn kẽ về gốm truyền thống, gia đình các em cũng không mặn mà để có định hướng cho con cái. Điều này khiến nghề gốm truyền thống của Biên Hòa ngày càng ít người trẻ kế cận, dần mai một.

“Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường phối hợp với các trường học trên địa bàn tỉnh giới thiệu nghề gốm, truyền lửa cho học sinh. Chúng tôi luôn tạo điều kiện để các em đến Trường cao đẳng mỹ thuật trang trí Đồng Nai, được trải nghiệm làm gốm với hệ thống máy móc, trang thiết bị tốt nhất. Việc này không chỉ giúp quảng bá gốm Biên Hòa - Đồng Nai mà còn tạo niềm tin yêu với người trẻ, giữ gìn và phát huy giá trị di sản văn hóa mà cha ông ta đã trao truyền” - thầy Giang nhấn mạnh.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  624,783       1/296