Văn hóa

Hoàng Đình Nguyễn phiêu du với Đường đến chân trời

Đường đến chân trời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019) là cuốn du ký mới "ra lò"của Hoàng Đình Nguyễn (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai), sau chuyến chu du đến các quốc gia phát triển ở cả châu Á lẫn châu Âu của anh. Có thể nói, đây là một "cuộc rong chơi" thật sự nhưng là một cuộc rong chơi có ý thức của một cây bút luôn nặng lòng với trách nhiệm văn nghệ sĩ của mình.

Bìa sách Đường đến chân trời
Bìa sách Đường đến chân trời

Đường đến chân trời (Nhà xuất bản Hội Nhà văn - 2019) là cuốn du ký mới “ra lò”của Hoàng Đình Nguyễn (hội viên Hội Văn học nghệ thuật Đồng Nai), sau chuyến chu du đến các quốc gia phát triển ở cả châu Á lẫn châu Âu của anh. Có thể nói, đây là một “cuộc rong chơi” thật sự nhưng là một cuộc rong chơi có ý thức của một cây bút luôn nặng lòng với trách nhiệm văn nghệ sĩ của mình.

Đặt chân đến nhiều quốc gia như: Pháp, Đức, Bỉ, Nga, Nhật… bằng cái duyên viết du ký, Hoàng Đình Nguyễn đã giúp bạn đọc mở mang tri thức, tăng thêm vốn hiểu biết về thế giới bao la, về sự kỳ diệu của con người. Anh không “gặp gì viết nấy” mà chắt lọc những nét tinh túy nhất, ấn tượng nhất về những nơi anh đi qua.

Từ cuốn sách, bạn đọc có thể hình dung rõ nét về một nước Pháp xinh đẹp có thủ đô Paris “kinh đô của ánh sáng”, có nhà thờ Đức Bà gắn với tên tuổi văn hào Victor Hugo, có Viện bảo tàng Louvre, tháp Eiffel và dòng sông Saine thơ mộng. Nước Đức kiêu hãnh với rất nhiều thành phố cổ kính đẹp đẽ, ghi dấu ấn kiến trúc nhà thờ đặc sắc thời trung cổ, một quốc gia thịnh vượng nơi người dân rất coi trọng đồng tiền dù mệnh giá nhỏ nhất, không phải vì quá tiết kiệm mà vì đây là nét văn hóa thể hiện thái độ tôn trọng sức lao động.

 Những bài viết của Hoàng Đình Nguyễn về nước Bỉ “trái tim của châu Âu” cũng rất thú vị, quốc gia này nổi tiếng với bia và tuy nhỏ bé nhưng lại là “đại bản doanh” của nhiều cơ quan đầu não của Liên minh châu Âu.  Hà Lan - vương quốc hoa tuy líp, cối xay gió và TP.Amsterdam với những con kênh đào thơ mộng đồng thời cũng là nơi phát xuất những phát minh khoa học đầy tính sáng tạo, là nơi thịnh hành “văn hóa xe đạp” vì quốc gia này đi lại chủ yếu bằng xe đạp.

Về giao thông, có một chi tiết thú vị: Nhật Bản là quốc gia sản xuất xe ô tô, nhưng trên đường phố rất ít ô tô, người Nhật đi lại bằng tàu điện ngầm, tàu cao tốc, xe đạp hoặc đi bộ, chính vì vậy mà… không bị tắc đường. Thêm một nét đáng yêu của đất nước Phù Tang là người dân ở đây sử dụng 4 thứ tiếng khi chỉ dẫn cho du khách, nhờ đó tác giả đã đọc được một câu chính hiệu tiếng Việt: “Hãy ăn các loại trái cây ngon của Nhật Bản”.

Phần viết của Hoàng Đình Nguyễn về nước Nga rất dài, nhiều chi tiết và đặc biệt phong phú. Có lẽ vì anh là lưu học sinh từng sống thời thanh xuân ở nước Nga tươi đẹp, thêm vào đó nước Nga có nền văn hóa “khủng” với rất nhiều danh nhân, thi sĩ, đại văn hào… Những địa danh nổi tiếng như: Saint Petersburg, Moscow, cung điện Kremlin, dòng sông Neva… đều được Hoàng Đình Nguyễn mô tả tỉ mỉ với rất nhiều cảm xúc. Ký ức về nước Nga trong Hoàng Đình Nguyễn vô cùng ấm áp và sâu đậm, chi tiết anh đứng rất lâu nghe các nghệ sĩ đường phố say sưa thổi kèn bài Hành khúc Việt Nam khiến ta cảm động trước tình cảm của nhân dân Nga dành cho Việt Nam.

Sức hấp dẫn ở các tập du ký của Hoàng Đình Nguyễn là như thế: anh không chỉ nhìn sự vật, hiện tượng bằng mắt mà còn “nhìn” bằng trái tim. Vì vậy, những bài viết của anh về văn hóa, nếp sống, phong tục, tập quán tại các quốc gia anh đặt chân đến luôn giàu cảm xúc và chứa đựng những thông điệp nhân văn. Chỉ qua trang sách người ta có thể nhìn ngắm cả thế giới, cảm nhận được niềm vui, nỗi buồn của con người, nghe được cả những âm thanh xao động tinh tế nhất của thiên nhiên…

Đam mê trải nghiệm, ham hiểu biết, thích khám phá lại có tri thức về văn hóa, lịch sử, có óc quan sát sắc sảo, cộng thêm tính cẩn thận, chỉn chu, “nói có sách mách có chứng” bằng hình ảnh sinh động, với Đường đến chân trời, Hoàng Đình Nguyễn thêm một thành công ở thể loại du ký.

Hoàng Ngọc Điệp

Đồng Nai

© 2021 FAP
  624,786       1/296