Văn hóa

Sưu tầm và phát huy giá trị hiện vật ở bảo tàng

Công tác sưu tầm và phát huy giá trị hiện vật tại Bảo tàng Đồng Nai thời gian qua đã có nhiều chuyển biến tích cực. Đó là minh chứng về sự nỗ lực không ngừng nghỉ của đội ngũ cán bộ, nhân viên bảo tàng, đặc biệt là những người làm công tác sưu tầm.

Cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm, ghi chép di sản văn hóa phi vật thể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tân Phú. Ảnh: M.Ny
Cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Đồng Nai sưu tầm, ghi chép di sản văn hóa phi vật thể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại huyện Tân Phú. Ảnh: M.Ny

Bằng các hoạt động trưng bày chuyên đề, trải nghiệm về văn hóa, Bảo tàng Đồng Nai đã và đang hướng đến xây dựng một bảo tàng đời sống, phản ánh sinh động về đời sống lịch sử, văn hóa của đất và người Đồng Nai.

* Sưu tầm, tìm kiếm hiện vật

Năm 2019, Bảo tàng Đồng Nai đã sưu tầm và nhập kho  được gần 100 hiện vật liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó có mảng văn hóa các dân tộc. Nổi bật là bộ sưu tầm kỷ vật của bà mẹ Việt Nam anh hùng và giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc Mạ, Chơro, Mường. Số hiện vật này đang bảo quản ở nhiều loại chất liệu khác nhau như: đá, giấy, vải, kim loại.

Phó trưởng phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Đồng Nai Trần Minh Trí cho biết, để có được số lượng hiện vật nói trên, ngoài việc thường xuyên đi về các địa phương khảo sát thực địa, sưu tầm còn phải đến từng nhà vận động người dân đóng góp, hiến tặng hiện vật cho bảo tàng. Bên cạnh hiện vật sưu tầm theo chủ đề đã lên kế hoạch trong năm, còn có các hiện vật trôi nổi, khi người dân trình báo, cán bộ sưu tầm sẽ xuống địa bàn, tra rõ lai lịch, thỏa thuận thời gian và giá cả (nếu có), rồi làm thủ tục tiếp nhận.

“Riêng với các di sản văn hóa phi vật thể trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thông thường bà con ít khi nghĩ đến việc lưu giữ, bảo tồn nên rất nhiều giá trị chủ yếu được truyền miệng, không còn nguyên gốc. Việc sưu tầm vì thế cũng mất rất nhiều công sức và thời gian. Nhưng đổi lại, động lực cho quá trình đi sưu tầm là đa số bà con các địa phương nhiệt tình, tích cực phối hợp. Khi được giải thích, hiểu ý nghĩa của việc lưu trữ, gìn giữ giá trị văn hóa, bà con rất ủng hộ” - ông Trí bày tỏ.

Theo cán bộ Phòng Nghiệp vụ Bảo tàng Đồng Nai Nguyễn Anh Đức, các hiện vật sau sưu tầm sẽ được phân loại, đo vẽ hiện vật và làm hồ sơ thủ tục để thông qua hội đồng thẩm định. Trên cơ sở đầy đủ tính pháp lý và khoa học, các hiện vật mới sẽ được nhập kho và trưng bày phục vụ công chúng.

“Mỗi triển lãm trưng bày, nhìn qua có vẻ là đơn giản nhưng kỳ thực chúng tôi phải chuẩn bị tầm 3-6 tháng, khá công phu. Chúng tôi luôn chú trọng khai thác các hiện vật gốc trong triển lãm. Qua đó mới giúp người xem cảm nhận được một không gian thật sự sống động và đầy cảm xúc” - ông Đức chia sẻ.

Song song với sưu tầm hiện vật mới, công tác bảo tồn ở Bảo tàng Đồng Nai ngày càng được tăng cường và đi vào chiều sâu. Bảo tàng đã số hóa hàng ngàn phiếu hiện vật theo quy định của Cục Di sản, tăng cường bảo quản hiện vật trên chất liệu vải, hiện vật giấy và tủ gỗ…

* Tăng sức sống cho bảo tàng

Theo Giám đốc Bảo tàng Đồng Nai Lưu Văn Du, trong quan niệm “cố hữu” phổ biến lâu nay, bảo tàng là nơi tập hợp cổ vật, hiện vật khô khan nên khó hấp dẫn người xem do thiếu những hoạt động bổ trợ sinh động, sôi nổi. Để thay đổi quan niệm này, Bảo tàng Đồng Nai đã tăng cường bổ sung các hiện vật mới, đa dạng hình thức trưng bày giới thiệu hiện vật, hình ảnh, đưa bảo tàng trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhân dân.

Nếu trước đây, Bảo tàng Đồng Nai thường áp dụng phương pháp trưng bày hiện vật tại phòng trưng bày cố định thì nay đã chú ý hơn yếu tố hình thức, giải pháp trưng bày, đưa hiện vật về cơ sở… Nhờ vậy, hàng chục triển lãm chuyên trưng bày và giới thiệu lịch sử, văn hóa đã thu hút đông đảo người dân đến tham quan, tìm hiểu. Điều này cho thấy nỗ lực của bảo tàng trong việc làm sống lại lịch sử, văn hóa Biên Hòa - Đồng Nai.

Em Đặng Thiên An (lớp 5/1 Trường tiểu học Nguyễn An Ninh, phường Tân Mai, TP.Biên Hòa) cho biết: “Mỗi năm một lần, cô giáo chủ nhiệm lại tổ chức cho lớp đi tham quan, tìm hiểu lịch sử tại Bảo tàng Đồng Nai. Đến đây, em được trực tiếp nghe các cô chú thuyết minh giới thiệu từng hiện vật, từng sự kiện rất hấp dẫn. Những khoảnh khắc như vậy, em lại càng tự hào hơn về lịch sử của quê hương Đồng Nai. Em đã ghi chép được rất nhiều thông tin về làm tư liệu cho việc học cũng như tham gia cuộc thi tìm hiểu văn hóa lịch sử ở trường”.

Ông Lưu Văn Du cho biết trong thời gian tới, Bảo tàng Đồng Nai sẽ tiếp tục mở rộng các hình thức tiếp cận cho người xem thông qua việc trưng bày theo hình thức lưu động. Đồng thời tổ chức triển lãm kết hợp với trình diễn nghệ thuật, trong đó chú trọng đến việc khai thác những chuyên đề mới về văn hóa đồng bào các dân tộc, về đời sống kinh tế, lao động sản xuất, đời sống tinh thần.

Ngoài ra, Bảo tàng Đồng Nai sẽ triển khai các hoạt động tương tác, trải nghiệm, kết nối giá trị văn hóa, du lịch với người xem thông qua các nghệ nhân, nhà nghiên cứu. Khi đó, bảo tàng không chỉ là nơi sưu tầm, trưng bày hiện vật, mà trở thành nơi thu hút sự quan tâm, suy ngẫm của người xem.

Hướng đến Ngày Di sản văn hóa Việt Nam 23-11, Bảo tàng Đồng Nai sẽ tổ chức các hoạt động như: thi tìm hiểu giá trị văn hóa lịch sử Chiến khu Đ cho học sinh trên địa bàn huyện Vĩnh Cửu; triển lãm giới thiệu cảnh đẹp của Biên Hòa - Đồng Nai tại Văn miếu Trấn Biên; tham gia triển lãm trưng bày hiện vật văn hóa Óc Eo tại Bảo tàng An Giang (tỉnh An Giang). Đồng thời, tại Bảo tàng Đồng Nai mở cửa thường xuyên phục vụ du khách nhằm khơi dậy truyền thống yêu nước, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, nâng cao ý thức, trách nhiệm của nhân dân trong bảo vệ các di sản văn hóa.

Ly Na

Đồng Nai

© 2021 FAP
  793,926       3/835